Sáng 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á cập nhật năm 2023. Báo cáo đưa ra những dự báo đối với kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023, triển vọng phát triển năm 2024.
Theo ADB, trong nửa đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành kinh tế của Chính phủ, kinh tế vĩ mô duy trì sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4/2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu. Các dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4,0% cho năm 2024.
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2023 cũng nhấn mạnh, những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế Việt Nam bao gồm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng.
Tại buổi họp báo, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ: “Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại".
Cũng theo ông Shantanu Chakraborty, trong khi sản xuất công nghiệp của Việt Nam bị thu hẹp do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Đầu tư công và lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng và là động lực chính tăng trưởng thời gian tới.
Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Ở bên trong, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế (như môi trường đầu tư kinh doanh) là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng. Ở bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng đô-la Mỹ mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đã làm rõ các câu hỏi của báo chí xung quanh những điểm nổi bật trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á cập nhật năm 2023, những dự báo đối với kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023, triển vọng phát triển năm 2024.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước gần đây là biện pháp thông thường, có tính tích cực khi làm giảm đầu cơ và giảm áp lực lạm phát; sự biến động của tỷ giá hối đoái chỉ là phản ứng mang tính ngắn hạn.
Về động thái duy trì lãi suất thấp khác với nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, đây là chính sách phù hợp, linh hoạt với điều kiện tăng trưởng và tình hình lạm phát ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư FDI, tuy nhiên, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức đầu tư này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ông kiến nghị, Chính phủ thời gian tới nên tập trung vào các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, điều này có lợi cho cả các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước.
(Nguồn: Ngày Nay)