Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp:

Bài 1: Những bước đi đầu tiên

Thục Quyên - Thanh Trúc |

Phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm.

Chăn nuôi thời công nghệ số

Cùng với việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn cho toàn bộ diện tích hơn 1,2 ha, từ năm 2020, ông Nguyễn Văn Toàn, chủ trang trại nuôi tôm tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thí điểm lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động của hãng EPLUSI - E-SENSOR® AQUA. Hệ thống bao gồm các cảm biến và phần mềm điều khiển với thời gian cập nhật dữ liệu 2 phút/lần. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người nuôi tôm giám sát từ xa thông qua các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Đồng thời, sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo.

“Trước đây việc đo các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi do người làm thực hiện thủ công bằng các bộ test kit như đo pH 2 lần/ngày, đo oxy hòa tan 1 lần/ngày... nên nhiều khi không phát hiện kịp thời sự biến động để xử lý. Nhưng với hệ thống quan trắc tự động này, chỉ cần 1 chỉ tiêu nào đó vượt ngưỡng là tôi đã nhận được cảnh báo qua điện thoại để có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, đảm bảo môi trường tốt nhất cho quá trình phát triển của tôm nuôi. Giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Toàn cho biết.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Nhật Bản tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh đã đem lại hiệu quả cao - Ảnh: T.Q
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Nhật Bản tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh đã đem lại hiệu quả cao - Ảnh: T.Q

Là chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong với quy mô hơn 6.000 con, ông Trần Hữu Tấn bắt đầu công việc thường ngày bằng việc kiểm tra các cảm biến để điều chỉnh hệ thống quạt thông khí, quạt làm mát. Theo ông Tấn, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín giúp chủ trang trại chủ động đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh xâm nhập. Sử dụng máng ăn, máng uống tự động giảm được công cho gà ăn theo nhu cầu, hạn chế rơi vãi, chất lượng thức ăn được đảm bảo tốt hơn, không lãng phí. Sử dụng đệm lót sinh học nên chuồng nuôi luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh nên đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như nhiều mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn 1.000 ha lúa đã ứng dụng thiết bị bay không người lái vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Nhiều công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng trong quản lý điều hành, theo dõi an toàn các hồ chứa nước lớn trên địa bàn, cập nhật dữ liệu diễn biến rừng và theo dõi, giám sát cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Hơn 80 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như: voso.vn, Postmart…

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao như nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc, nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới, nhà kính, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGap… được chuyển giao, nhân rộng và đều mang lại hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 20 - 30 tấn/ ha, doanh thu bình quân ước đạt 300 - 500 triệu đồng/ hộ. Gần 400 trang trại chăn nuôi ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến như chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, máy úm gia cầm tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm vi sinh…

Bên cạnh đó, việc chọn lọc và lai tạo các giống mới chất lượng cao như lợn ngoại giống Duroc, Landrace, bò Brahman, BBB…; các giống gà vịt chuyên thịt như gà 3F, Lương Phượng, vịt SuperM, vịt biển… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi.

Công nghệ vệ tinh hỗ trợ khai thác thủy sản

Thực hiện các quy định chống khai thác bất hợp pháp, đầu năm 2020, anh Nguyễn Thanh Thủy, thuyền trưởng tàu cá QT 91036TS đã quyết định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá Vifish.18 do Công ty Vishipel cung cấp. Đây là thiết bị với các tính năng như theo dõi trực tuyến vị trí tàu và hành trình tàu cá trong suốt chuyến biển. Cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu cá đi vào vùng cấm đánh bắt hoặc vùng ranh giới cho phép trên biển, thông tin thời tiết tại các vị trí bất kỳ hoặc vùng biển nào, hỗ trợ các bản tin dự báo ngư trường theo nghề khai thác, trữ lượng khai thác dưới dạng bản đồ số trên phần mềm. Thiết bị cũng hỗ trợ gửi báo động cấp cứu về bờ khi tàu gặp sự cố cần trợ giúp từ đất liền; nhắn tin liên lạc hai chiều tàu - bờ. Sử dụng công nghệ vệ tinh nên thiết bị có vùng phủ sóng rất rộng, tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác, không bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết cực đoan. “Không chỉ kết nối với hệ thống quản lý tàu cá của Chi cục Thủy sản mà người thân ở nhà cũng biết chính xác tàu cá của mình đang hoạt động ở vùng biển nào thông qua điện thoại thông minh. Nhờ vậy tôi và các bạn thuyền cũng yên tâm ra khơi đánh bắt hơn”, anh Thủy khẳng định.

Ngoài lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao như máy dò ngang, máy dò chụp cho phép mở rộng phạm vi dò từ 300 m đến hơn 1.000 m, hầm bảo quản bằng công nghệ PU, máy thông tin tầm xa, ra đa hàng hải, máy thu lưới bằng tời thủy lực… cũng đã được ngư dân đưa vào áp dụng. Đặc biệt, đối với khối tàu có chiều dài từ 15 m trở lên được đóng mới và cải hoán theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ hầu hết được trang bị đồng bộ thiết bị thông tin liên lạc tầm xa, máy dò đứng, dò ngang, hầm bảo quản sản phẩm…, đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái

Vụ hè thu năm nay, Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng liên kết với Công ty Agridrone, Chi nhánh miền Trung đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái (còn gọi là drone) để phun thuốc BVTV cho phần lớn diện tích lúa của HTX. Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước chia sẻ, với mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn với quy mô từ 20 - 30 ha, sử dụng cùng một giống lúa, cùng cách chăm sóc… thì việc sử dụng drone để phun thuốc BVTV là hết sức phù hợp. Không chỉ nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân do không phải trực tiếp phun thuốc trên đồng ruộng, không làm cây lúa bị đổ ngã do giẫm đạp. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc, với điều kiện nhân lực khó khăn do phần lớn thanh niên trên địa bàn xã đều đi làm ăn xa thì việc ứng dụng drone vào sản xuất lúa đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại địa phương.

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng đã hỗ trợ 50 HTX trên địa bàn huyện, mỗi HTX xây dựng 1 điểm trình diễn phun thuốc BVTV bằng drone với quy mô 10 ha. Trong đó, huyện hỗ trợ 450 ngàn đồng/ha chi phí vận hành drone, các HTX và nông dân chịu chi phí thuốc BVTV. “Qua các điểm trình diễn cho thấy việc sử dụng drone phun thuốc BVTV không những góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp ở nông thôn, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người nông dân mà còn từng bước đẩy mạnh “số hóa” trong nông nghiệp. Trên cơ sở này, trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX trong việc mua máy, đào tạo cán bộ vận hành. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có từ 30 - 50 thiết bị nhằm chủ động trong việc phun thuốc BVTV cho phần lớn diện tích trồng lúa và các loại cây trồng khác”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Hồ Quốc Minh cho biết.

Sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa - Ảnh: T.Q
Sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa - Ảnh: T.Q

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha diện tích trồng lúa đưa vào sử dụng drone để phun thuốc BVTV. Nếu như trước đây nông dân phải sử dụng 300 - 400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1 ha lúa thì nay với việc sử dụng drone lượng nước giảm đến 90%, chỉ còn khoảng 15 - 30 lít dung dịch thuốc nhưng với hệ thống đầu phun siêu nhỏ nên hạt dung dịch thuốc được phun đều và mịn, giảm được lượng nước dùng pha thuốc mà vẫn đảm bảo thuốc được trải đều mặt ruộng. Chỉ cần một người điều khiển, drone có thể bay phun thuốc BVTV cho hơn 20 - 25 ha/ngày. Lượng thuốc được phân bổ đều, chính xác đối với từng thửa ruộng, không chồng lấn lên nhau nhờ chức năng lập bản đồ địa hình, giảm tổn thất sản lượng lúa 150 - 200 kg/ha so với phun thuốc thông thường do không bị giẫm đạp. Với diện tích cánh đồng lớn toàn tỉnh chiếm từ 8.000 - 10.000 ha, đây là tiềm năng rất lớn cho việc ứng dụng drone nói riêng và các công nghệ hiện đại khác nói chung nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài nguyên nước và quan trọng nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang cho biết: “Đây là hướng đi của ngành nông nghiệp, niềm mơ ước của người nông dân nhằm hiện thực hóa những ước vọng về một nền nông nghiệp 4.0, góp phần xây dựng và hình thành những vùng quê đáng sống”.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, trình độ của bộ phận người nông dân chưa tiệm cận với công nghệ số. Đây là thách thức lớn cần giải quyết trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lựa chọn HTX nông nghiệp đủ điều kiện để chuyển đổi số

Lâm Thanh |

Năm 2021, Quảng Trị là một trong ba tỉnh được Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số HTX nông nghiệp. Đây là cơ hội để nâng tầm mô hình kinh tế tập thể của tỉnh, tuy nhiên thực trạng phát triển của các HTX hiện nay đặt ra không ít thách thức trong quá trình triển khai thực hiện.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn

Đan Tâm |

Để đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Kinh tế xanh và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nông nghiệp Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững

Minh Trí |

Nền nông nghiệp Quảng Trị từ chỗ thiếu đói đến nay đã đảm bảo an ninh lương thực, nhiều sản phẩm dư thừa phục vụ xuất khẩu, đời sống người dân và bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Huyện Gio Linh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để về đích nông thôn mới trước năm 2025

Thanh Trúc |

Ngày 13/10/2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang chủ trì buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Gio Linh   về về tình hình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (gọi tắt là Nghị quyết 04) về Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng tham dự cuộc họp.