Lựa chọn HTX nông nghiệp đủ điều kiện để chuyển đổi số

Lâm Thanh |

Năm 2021, Quảng Trị là một trong ba tỉnh được Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số HTX nông nghiệp. Đây là cơ hội để nâng tầm mô hình kinh tế tập thể của tỉnh, tuy nhiên thực trạng phát triển của các HTX hiện nay đặt ra không ít thách thức trong quá trình triển khai thực hiện.

Khái niệm chuyển đổi số còn khá mới mẻ đối với các HTX, nhất là HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nên hầu hết các HTX chưa biết triển khai nội dung này từ đâu, áp dụng thế nào cho phù hợp với điều kiện của HTX mình. Trong khi đó về chính sách, hiện nay tỉnh Quảng Trị đang trong giai đoạn xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nên tỉnh chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ các HTX chuyển đổi số.

 

Quảng Trị hiện có 323 HTX, liên hiệp HTX, trong đó 295 HTX nông nghiệp thu hút gần 73.000 thành viên chủ yếu ở địa bàn nông thôn tham gia. Theo số liệu khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện có 8% cán bộ chủ chốt HTX có trình độ đại học, cao đẳng, 47,3% trình độ trung cấp, sơ cấp, còn lại chủ yếu bồi dưỡng ngắn hạn. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX đa số đều lớn tuổi, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm truyền thống, thủ công, ngại thay đổi nên năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp cận đổi mới khoa học, kỹ thuật vào việc điều hành, quản lý các đơn vị còn rất hạn chế.

Một trở ngại nữa là hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX còn lạc hậu. Hệ thống máy tính đã lỗi thời, cấu hình thấp, thậm chí một số HTX nông nghiệp còn chưa có máy tính kết nối internet, cán bộ nhiều HTX còn chưa biết sử dụng email, website…để truy cập và khai thác thông tin trên hệ thống mạng nội bộ của Liên minh HTX. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, hạn chế cả về nguồn vốn tự có lẫn khả năng huy động vốn nên năng lực tài chính đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nói chung, chuyển đổi số nói riêng rất hạn hẹp.

Có thể nói, những khó khăn về chính sách, trình độ nhận thức, nguồn nhân lực, năng lực tài chính đến hạ tầng thiết bị là những rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số đối với các HTX nông nghiệp. Tuy vậy, chuyển đổi số vẫn là xu thế tất yếu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm mỗi cơ quan, tổ chức, từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả quốc gia cần tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hóa điện tử; giúp các HTX tìm kiếm được mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu hóa nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Vì thế, việc được Liên minh HTX Việt Nam và Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số HTX nông nghiệp vào thời điểm này đặc biệt có ý nghĩa đối với lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh. Với cơ hội được đào tạo, tập huấn chuyển giao kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trang bị hỗ trợ thiết bị công nghệ số, kết nối internet để khai thác, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... mà Liên minh HTX Việt Nam và Tổ chức Oxfarm sẽ lựa chọn thực hiện tại một số HTX nông nghiệp trong tỉnh sẽ là tiền đề để tỉnh xây dựng nền móng của mô hình chuyển đổi số HTX.

Để hiện thực hóa mô hình này, trước hết ngành chức năng cần rà soát, lựa chọn HTX nông nghiệp thực sự đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện, trong đó cần ưu tiên HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, nhanh nhạy, tâm huyết để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ của chủ đầu tư, kết hợp nội lực để tham gia xây dựng thành công mô hình điểm của trung ương về chuyển đổi số HTX, làm cơ sở học tập, rút kinh nghiệm tiến tới nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ và động viên các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Đặc biệt, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang trong quá trình xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cần chú ý lồng ghép chính sách, cách huy động các nguồn lực cũng như có kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực để hỗ trợ các HTX thực hiện chuyển đổi số. Lộ trình hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số HTX cần gắn với định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tìm kiếm và kết nối các kênh thông tin về chính sách, kỹ thuật, thị trường và các đơn vị cung ứng vật tư, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản trực tuyến... để hỗ trợ các HTX tham gia nhằm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã

Mai Lâm |

Sau hơn 1,5 tháng thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi tắt là Chương trình 503) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát động, nhiều sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã đã được đưa lên hệ thống kết nối cung - cầu toàn quốc nhằm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng bền vững cho các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Quảng Trị được lựa chọn thí điểm chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp

Lâm Thanh |

Thông tin từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) Quảng Trị cho biết: Quảng Trị, Hòa Bình và Sóc Trăng là 3 địa phương đại diện cho 3 vùng, miền trong cả nước được Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số HTX nông nghiệp. 

Triển vọng từ mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp

Ngọc Trang |

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều loại hình du lịch mới thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, nghỉ dưỡng, chụp ảnh lưu niệm, trong đó mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hợp được đánh giá có nhiều triển vọng.

Bắt nữ kế toán chiếm đoạt hơn 100 tỉ của chủ nhiệm Hợp tác xã

Việt Dũng |

Thấy chủ nhiệm Hợp tác xã lơ là trong việc giao cho mình đi gửi, đáo hạn tiền ngân hàng, Trần Thị Phương đã dùng nhiều thủ đoạn, chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng.