Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã

Mai Lâm |

Sau hơn 1,5 tháng thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi tắt là Chương trình 503) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát động, nhiều sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã đã được đưa lên hệ thống kết nối cung - cầu toàn quốc nhằm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng bền vững cho các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ngày 6/8/2021, Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền lmhtxvmart.com. vn của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam chính thức hoạt động. Đến giữa tháng 9/2021, có 63/63 tỉnh, thành phố kết nối với gần 15.000 lượt người truy cập, có trên 891 HTX được tham gia tập huấn và đã đưa được 940 sản phẩm lên sàn giao dịch. Trên cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu đăng tải, cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm và đơn vị bên bán; thông tin đơn vị, nhu cầu tiêu thụ, yêu cầu chất lượng sản phẩm của bên mua và thông tin về các đơn vị vận tải. Tất cả những thông tin trên được tổ công tác Chương trình 503 tổng hợp, trao đổi với các đơn vị như chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố; hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các kênh tiêu thụ trực tuyến: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart… để tìm kiếm, kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX.

Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam liên tục cập nhật thông tin sản phẩm nông sản - Ảnh: M.L
Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam liên tục cập nhật thông tin sản phẩm nông sản - Ảnh: M.L

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Chương trình 503 rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam từ trung ương đến địa phương đối với sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể. Tại Quảng Trị, hiện có 11 sản phẩm nông sản của các HTX đã được đưa lên sàn giao dịch như hạt tiêu đen của HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ và HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; cà phê của HTX Nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa; bột đậu xanh và đậu xanh tằm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; gạo hữu cơ của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Quỹ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng; thịt lợn và thịt gà đóng gói đạt tiêu chuẩn Vietgap của HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh; cam Xã Đoài của HTX cây ăn quả Gio Bình, xã Phong Bình, huyện Gio Linh; sản phẩm gỗ rừng trồng của HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng…

Liên minh HTX tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh; cử một cán bộ làm đầu mối trực tiếp phối hợp, cung cấp thông tin, hướng dẫn các HTX, THT đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin sản phẩm, hàng hóa lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu của Liên minh HTX Việt Nam. Nhờ được tập huấn, cán bộ quản lý HTX dần thích nghi với việc giao dịch kết nối cung cầu online, có cơ hội để tìm kiếm mở rộng thị trường. Thành viên HTX, THT cũng đã được đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin để có thể sử dụng điện thoại thông minh chụp ảnh và đăng tải thông tin lên sàn giao dịch một cách nhanh nhất, làm quen với việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử, là tiền đề cho các HTX tham gia chuyển đổi số.

Do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, THT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm. Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, các HTX dược liệu, HTX sản xuất nông sản sạch gạo hữu cơ, cây ăn quả hay các sản phẩm chế biến như miến, mì sợi… đều giảm từ 50 - 70% số lượng tiêu thụ so với trước do thị trường chủ yếu của các mặt hàng này đều thực hiện giãn cách xã hội dài ngày. Bên cạnh đó, việc đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển tăng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng trở nên khan hiếm. Cũng trong thời gian qua, hệ thống trường học, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh đều đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng nên các sản phẩm tươi sống như các loại thịt gà, vịt, lợn hay sản phẩm thủy sản… của một số HTX chăn nuôi, THT chế biến thủy sản cũng gặp khó khăn do giá thấp, khó tiêu thụ.

Bà Trần Thị Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư vấn hỗ trợ HTX và doanh nghiệp - người được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp thông tin và hướng dẫn cán bộ HTX, THT trên địa bàn tỉnh thực hiện giao dịch trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu của Liên minh HTX Việt Nam cho hay, thông tin sản phẩm sau khi được tổng hợp đưa lên sàn cung - cầu điện tử. Nếu giao dịch thành công, đội ngũ giao vận và đơn vị vận chuyển sẽ đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng, cắt giảm đến khoảng 50% các khâu trung gian so với cách phân phối truyền thống, giảm được nhiều chi phí phát sinh cho các HTX. Đây cũng là kênh tiêu thụ phù hợp với nhu cầu mua sắm online của người dân, nhất là khi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay.

Tuy nhiên, hình thức kinh doanh qua kênh trực tuyến này vẫn còn khá mới mẻ đối với cán bộ HTX trên địa bàn tỉnh nên hiện nay mới dừng lại việc giới thiệu hàng hóa, bán hàng đơn thuần chứ chưa khai thác hết lợi thế của việc tham gia sàn thương mại điện tử. Thực tế, việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử khá tiện lợi và dễ sử dụng. Khách hàng có thể đặt hàng mọi lúc mọi nơi, nhưng để khách tự vào xem sản phẩm đến bước “chốt đơn” cũng cần nhiều yêu cầu khác. Ngoài thông tin minh bạch, rõ ràng, hình ảnh thu hút, thì chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất để “giữ chân” khách hàng lựa chọn sản phẩm trong những lần tiếp theo. Vì thế, thời gian tới đơn vị sẽ tập trung hướng dẫn, trang bị các kỹ năng số cần thiết giúp các cán bộ HTX quen với cách kinh doanh và tương tác trên môi trường mạng để nhập cuộc chuyên nghiệp hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị được lựa chọn thí điểm chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp

Lâm Thanh |

Thông tin từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) Quảng Trị cho biết: Quảng Trị, Hòa Bình và Sóc Trăng là 3 địa phương đại diện cho 3 vùng, miền trong cả nước được Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số HTX nông nghiệp. 

Triển vọng từ mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp

Ngọc Trang |

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều loại hình du lịch mới thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, nghỉ dưỡng, chụp ảnh lưu niệm, trong đó mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hợp được đánh giá có nhiều triển vọng.

Bắt nữ kế toán chiếm đoạt hơn 100 tỉ của chủ nhiệm Hợp tác xã

Việt Dũng |

Thấy chủ nhiệm Hợp tác xã lơ là trong việc giao cho mình đi gửi, đáo hạn tiền ngân hàng, Trần Thị Phương đã dùng nhiều thủ đoạn, chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng.

Hướng đi linh hoạt của một hợp tác xã kiểu mới

Lâm Thanh |

Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Quỹ (gọi tắt là HTX Văn Quỹ) ở xã Hải Phong (huyện Hải Lăng) đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động. Không chỉ đảm nhận các khâu dịch vụ cơ bản, HTX còn mở thêm một số dịch vụ mới, làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.