Hướng đi linh hoạt của một hợp tác xã kiểu mới

Lâm Thanh |

Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Quỹ (gọi tắt là HTX Văn Quỹ) ở xã Hải Phong (huyện Hải Lăng) đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động. Không chỉ đảm nhận các khâu dịch vụ cơ bản, HTX còn mở thêm một số dịch vụ mới, làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.

Quản lý 285 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa 270 ha với 263 thành viên, HTX Văn Quỹ là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý của hội đồng quản trị và ban giám đốc nên sản phẩm dịch vụ hỗ trợ thành viên của HTX ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhằm hỗ trợ và phục vụ thành viên trong sản xuất, đến nay HTX Văn Quỹ đã thực hiện 10 gói dịch vụ.

Thu hoạch lúa ở Hợp tác xã Văn Quỹ - Ảnh: L.T​
Thu hoạch lúa ở Hợp tác xã Văn Quỹ - Ảnh: L.T​

Nhờ sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nên hằng năm doanh thu của HTX đạt từ 3 - 3,5 tỉ đồng, lợi nhuận gần 1 tỉ đồng. Trong số 10 gói dịch vụ HTX cung cấp, có những dịch vụ kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao như dịch vụ giống cây trồng, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón, bao tiêu sản phẩm, kinh doanh thức ăn gia súc… nhưng cũng có những dịch vụ HTX đặt ra không nhằm mục đích lợi nhuận kinh tế mà chỉ mang tính phục vụ và hỗ trợ thành viên HTX và địa phương như dịch vụ bảo vệ sản xuất, thuốc thú y, thu gom rác thải… Chính sự đan xen các gói dịch vụ mà HTX đã mang lại sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường xã hội, tạo sự gắn kết khăng khít giữa các thành viên với HTX cũng như với địa phương.

Một trong những dịch vụ có thế mạnh nhiều năm nay của HTX Văn Quỹ là phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị sản xuất lúa giống. Sau nhiều năm liên kết, đến nay mô hình sản xuất giống của HTX đã được mở rộng lên 40 ha với sản lượng giống cung ứng hằng năm đạt từ 80 - 100 tấn lúa giống, không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên mà còn giúp HTX tạo ra nguồn giống có phẩm cấp tốt để sản xuất lúa hiệu quả. Cũng qua quá trình liên kết với doanh nghiệp, HTX Văn Quỹ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để sản xuất lúa theo nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, mới đây HTX Văn Quỹ đã sản xuất thành công giống lúa chất lượng cao bằng phương thức canh tác hữu cơ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Theo đó, từ vụ đông xuân 2018 - 2019, HTX Văn Quỹ đã liên kết với một số HTX trên địa bàn huyện Hải Lăng sản xuất các giống lúa chất lượng cao như LDA1, DT100, N26, Ma Lâm 48, Lộc Trời 1… theo hướng hữu cơ an toàn và xây dựng sản phẩm thành thương hiệu “Gạo sạch Hải Lăng”.

Theo ông Nguyễn Bá Chánh, Giám đốc HTX Văn Quỹ, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn đòi hỏi người dân trong quá trình canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm cỏ bằng tay và bỏ nhiều công chăm sóc hơn so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, thời gian đầu sản phẩm gạo sạch Hải Lăng vẫn đang trong quá trình tiếp cận thị trường nên chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi để sử dụng. Để khắc phục khó khăn, HTX vừa tiến hành thu mua lúa của thành viên, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh các kênh bán lẻ, nhất là thông qua con em địa phương ở miền Nam và thực hiện phương châm có khách mua chừng nào xay lúa chừng đó để hạn chế giảm chất lượng gạo. Qua 3 vụ sản xuất, đến nay sản phẩm lúa canh tác theo hướng hữu cơ an toàn bắt đầu được các doanh nghiệp ở các tỉnh quan tâm. HTX đã nhận được nhiều đề nghị từ các đối tác là doanh nghiệp đặt hàng sản xuất gạo theo hướng hữu có từ các giống lúa: Bồ Đề 688 X2, lúa tím than, lúa thơm RVT và giống lúa Lộc Trời 1.

Đến vụ hè thu 2019 - 2020, HTX Văn Quỹ triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ áp dụng giống lúa Lộc Trời 1 theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với giá 20 ngàn đồng/kg gạo, cao hơn rất nhiều so với gạo sản xuất truyền thống nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Mô hình được thực hiện trên diện tích 3 ha gồm 9 thành viên của HTX tham gia sản xuất. Cuối vụ, HTX đứng ra thu mua lúa cho thành viên với sản lượng 18 tấn. HTX thực hiện luôn các công đoạn phơi sấy, xay xát, đóng gói bao bì, nhãn mác để cho ra thành phẩm cuối cùng là gạo mang thương hiệu “Gạo sạch Hải Lăng”. Ngay sau khi HTX sơ chế xong, doanh nghiệp đã bao tiêu, trong đó có một số lượng gạo được đưa vào bán ở hệ thống siêu thị co.op mart trong toàn quốc. Hướng đi này đang mở ra nhiều triển vọng nên HTX Văn Quỹ đang tính toán để tiếp tục mở rộng mô hình này trong những vụ sản xuất tới.

Không chỉ lo đầu ra cho sản phẩm lúa chất lượng cao, HTX Văn Quỹ còn tạo điều kiện cho các thành viên ứng trước vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi trước mỗi vụ để hỗ trợ nông dân giải quyết khó khăn, chủ động trong sản xuất. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, sản xuất lúa giống, hội thảo hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vận động xã viên tham gia xây dựng “cánh đồng lớn”. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân của HTX đến nay đạt 70 tạ/ ha, thu nhập của xã viên ngày một tăng. HTX còn linh hoạt tận dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của đơn vị như trạm bơm phục vụ tưới tiêu nước trên các cánh đồng; đường bê tông nội đồng dài 3 km, hệ thống kênh mương dẫn nước và 15 bể thu gom chất thải bảo vệ thực vật…

Từ thực tiễn mô hình liên kết giữa HTX Văn Quỹ với doanh nghiệp cho thấy, việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho các thành viên, người lao động trong HTX và tạo lợi nhuận cho HTX, mở ra hướng đi bền vững cho mô hình kinh tế tập thể trong xu thế hội nhập.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiệu quả ở Hợp tác xã nông sản Tây Vĩnh Thủy

PV |

Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, tuy nhiên nhờ xác định hướng đi đúng đắn, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất cùng sự đoàn kết của các thành viên, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy  (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, trở thành điểm sáng của phong trào xây dựng HTX kiểu mới tại huyện Vĩnh Linh.

Cần hỗ trợ hơn nữa cho hợp tác xã nông nghiệp

Huy Nam |

Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bước đổi mới cơ bản trong tổ chức và hoạt động, qua đó đóng góp tích cực vào tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ cũng như thu nhập của thành viên. 

Một hợp tác xã “trẻ” hoạt động hiệu quả

Phương Nga |

Mới đi vào hoạt động được 3 năm, tuy nhiên nhờ xác định hướng đi đúng đắn, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất cùng sự đoàn kết của các thành viên, HTX kinh doanh và dịch vụ Nông sản Tây Vĩnh Thủy (xã Vĩnh Vĩnh Thủy) đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực và ngày càng phát triển năng động, trở thành một trong những điểm sáng của phong trào xây dựng HTX kiểu mới tại địa phương.

Vanpa, hợp tác xã của người Vân Kiều, Pa Cô

Thanh Hải - Thục Quyên |

Được thành lập năm 2017 tại thôn 5, xã Hải Phúc (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hoạt động trong lĩnh vực trồng cây dược liệu và chưng cất tinh dầu, Hợp tác xã (HTX) Vanpa là mô hình kinh tế HTX đầu tiên của huyện Đakrông. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng những kết quả đạt được của HTX Vanpa đã cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện của vùng miền núi, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.