Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bước đổi mới cơ bản trong tổ chức và hoạt động, qua đó đóng góp tích cực vào tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ cũng như thu nhập của thành viên.
Tuy vậy, hoạt động của khá nhiều HTX nông nghiệp vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn cần sự hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 318 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, có 289 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp. Tổng số thành viên của các HTX, liên hiệp HTX là 94.943 thành viên, trong đó HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp có 72.711 thành viên. Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế sản phẩm; phát huy được vai trò tập hợp, thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khá nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ gắn với đổi mới cách thức điều hành, quản lý để nâng cao năng lực hoạt động, khẳng định ngày càng rõ nét là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên.Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực của các HTX, có thể thấy rằng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đã đóng vai trò rất tích cực. Nổi bật là qua thực hiện Nghị quyết 25/2017/NQ - HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2017 - 2020, các HTX trên địa bàn tỉnh đã được “tiếp sức” trên nhiều mặt để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Qua thực hiện nghị quyết từ khi ban hành đến hết năm 2019 đã có 300 lượt cán bộ chủ chốt các HTX được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nhiều HTX được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và kinh phí tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường; 35 HTX thành lập mới được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện hồ sơ thành lập và đăng ký kinh doanh, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, điều lệ hoạt động, tập huấn kiến thức quản lý, kỹ năng điều hành; 50 HTX được hỗ trợ số kinh phí gần 15,5 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng; nhiều HTX được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm, tín dụng ưu đãi, đất đai. Thực hiện thí điểm đưa 5 cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại 5 HTX…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của không ít HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hầu hết HTX đều có quy mô nhỏ, chỉ có 8% có quy mô cấp xã hoặc liên xã, còn lại là quy mô thôn, liên thôn và các nhóm cá nhân. Nhiều HTX năng lực nội tại còn yếu, khả năng huy động các nguồn lực còn hạn chế; cơ sở vật chất nghèo nàn, công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế khi mà chỉ có 8% có trình độ đại học, cao đẳng, 47,3% trình độ trung cấp và sơ cấp, còn lại chủ yếu là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX chậm đổi mới ngành nghề, chỉ tập trung vào các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế, lợi nhuận thấp, lợi ích kinh tế mang lại cho thành viên còn ít. Việc liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Rất nhiều HTX gặp khó khăn về vốn nhưng khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ vốn vay của các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp…
Để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt hơn vai trò trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, ngoài nỗ lực của các HTX, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với nhu cầu của các HTX; tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt của các HTX. Mở rộng việc thực hiện đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX. Tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng của HTX trên cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí phân loại HTX; xử lý triệt để các HTX yếu kém, tạm ngừng hoạt động; đối với các HTX hoạt động từ trung bình trở lên cần củng cố lại cả về tổ chức và hoạt động theo hướng mở rộng và làm dịch vụ đầu ra tiêu thụ nông sản cho hộ nông dân, phát triển năng lực chế biến và dịch vụ mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX sản xuất theo các quy chuẩn, quy trình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Xúc tiến thành lập các liên hiệp HTX sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm chủ lực ở các địa phương hiện có nhiều HTX tham gia sản xuất như hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, cây ăn quả, cây dược liệu…Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, vốn ưu đãi, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm cũng như tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn…
Cùng với các giải pháp trên, cần quan tâm bố trí thêm công chức phụ trách lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan đến kinh tế tập thể, HTX cần đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ cũng như thông tin, phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, công tác định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cho các HTX phát triển về mọi mặt.