Để đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn không chỉ đào tạo cho lao động trong sản xuất, kinh doanh mà còn đào tạo cả nhân lực cho công tác quản lý. Nông thôn của tỉnh hiện nay không chỉ cần có nhân lực cho nông nghiệp, mà cần cả nhân lực cho công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Gắn công tác đào tạo nghề với sử dụng lao động, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống người nông dân là mục đích mà công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Trị đang hướng tới.
Những năm qua, công tác đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức khu vực nông thôn của tỉnh đã được chú trọng. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã theo Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các hội nghị, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ cán bộ hợp tác xã nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng dự tính, dự báo phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo, lãnh đạo ở địa phương.
Để hỗ trợ thiết thực cho phát triển nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông như tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện các mô hình trình diễn, tổ chức tham quan học tập, hội nghị, hội thảo đầu bờ với nhiều nội dung phong phú đã giúp cho nông dân có điều kiện, cơ hội tiếp cận, nắm bắt, trao đổi thông tin về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường đầu ra, đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, “5 nhà” trong sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn từ 2017 - 2020, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, thu hút đông đảo nông dân tham gia về các nội dung như kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên cây trồng; hướng dẫn sử dụng phân bón, kỹ thuật chăn nuôi, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới huyện, xã, cán bộ hợp tác xã; hướng dẫn các nội dung về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, các quy định của nhà nước về an toàn trong sản xuất, chế biến thực phẩm…
Điều đáng ghi nhận là những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từng bước được đổi mới, phát triển cả về quy mô và chất lượng, loại hình đào tạo được đa dạng hóa. Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn và gắn với các dự án, các mô hình phát triển sản xuất. Các lớp đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đối với một số nghề mới, sau khi được học nghề, nông dân đã làm chủ về mặt kỹ thuật, tự chủ được tay nghề.
Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Gần 5 năm qua, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 30.493 người, trong đó nông nghiệp 17.050 người, phi nông nghiệp 13.443 người, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 47%. Sau học nghề, có trên 90% số học viên học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức, kỹ năng tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có trên 80% học viên sau khi học nghề áp dụng vào sản xuất đem lại năng suất, thu nhập cao hơn.
Nhờ tỉ lệ qua đào tạo được nâng lên qua các năm, nông dân trong tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực do nông dân trong tỉnh sản xuất đã xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn, tiêu Cùa, tiêu Vĩnh Linh, dược liệu (chè vằng, cà gai leo, tinh bột nghệ...), tôm, gỗ nguyên liệu rừng trồng…
Trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, đồng thời nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên tập trung thực hiện chuyển đổi số đến năm 2030. Thông qua đó để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong lộ trình này, nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển đổi số sẽ thay đổi phương thức canh tác, quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của nông dân thông qua các thiết bị như smart phone, máy tính có kết nối internet…Toàn bộ quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm sẽ được ghi lại và số hóa, truy xuất nguồn gốc, giúp nông sản có thể tích hợp đa giá trị, thông qua đó giúp nâng cao giá trị, thu nhập từ chuyển đổi số. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đang được tiếp tục quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn mới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)