Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo lợi thế từng vùng

Thanh Trúc |

Ngành nông nghiệp tỉnh đang chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hàng hóa tập trung. Sản lượng nhiều nông sản tăng vượt trội, đồng nghĩa với việc cần hình thành những vùng, khu nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền chặt, trong đó vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này tương xứng với tiềm năng, lợi thế của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Từ năm 2015 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu, ở Hướng Hóa (Quảng Trị) dần hoàn thiện cải tạo, nâng cấp nhà máy chế biến cà phê công suất 5.000 tấn/năm. Kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sửa sang lại nhà xưởng đạt tiêu chuẩn, đầu tư thay lò hơi đốt than đá bằng lò hơi đốt củi để đảm bảo vệ sinh môi trường… khoảng 15 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực này là 3 tỉ đồng. Nhà máy chuyên chế biến cà phê quả tươi, sản lượng những năm trước đạt từ 7.000 - 8.000 tấn cà phê quả tươi. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá cà phê xuống thấp, người dân bỏ vườn nhiều nên việc thu mua nguyên liệu khó khăn hơn.

Cà phê được phơi trong nhà kính để tránh vi khuẩn phát triển - Ảnh: T.T
Cà phê được phơi trong nhà kính để tránh vi khuẩn phát triển - Ảnh: T.T

Thực hiện chủ trương thu hút dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút hai dự án là: Cải tạo, nâng cấp nhà máy chế biến cà phê công suất 5.000 tấn/năm của Doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu tại Hướng Hóa và Xây dựng trang trại Tây Sơn của Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thảo Vân tại Vĩnh Linh. Trong đó, dự án của Doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu đã nghiệm thu và hoàn thành hỗ trợ, dự án xây dựng trang trại Tây Sơn, dự kiến hoàn thành hỗ trợ trong năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu cho biết: “Nhà máy của chúng tôi chuyên chế biến cà phê quả tươi, sản xuất đến công đoạn thử nếm được, xuất bán cho các đơn vị hoàn thiện đến khâu thành phẩm. Để sản xuất hoàn thiện sản phẩm cà phê thì cần có sự đầu tư rất lớn về phương tiện, máy móc, thiết bị, trong khi doanh nghiệp tư nhân khó có đủ năng lực tài chính để thực hiện”.

Trên lĩnh vực thủy lợi, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan một cách thuận lợi, nhanh chóng như: Dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị do Công ty Cổ phần cấp nước Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm chủ đầu tư; các dự án điện mặt trời trên lòng hồ La Ngà, Bảo Đài, Trúc Kinh, Hà Thượng, Ái Tử... Các nhà máy thủy điện Đakrông 4, La Tó, Đakrông 5, Hướng Phùng, dự án bổ sung nước cho hồ chứa nước Rào Quán... Bên cạnh công tác xúc tiến đầu tư vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiềm năng, ngành cũng đã tích cực triển khai các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ công tác sản xuất dân sinh như các dự án thuộc WB5, WB7,WB8; NGOs và các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cơ sở các đề xuất dự án đã được phê duyệt. Đồng thời tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư mới thuộc ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả khả quan, thực tế phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu hết mới chỉ ở mức mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thử nghiệm, chưa có tính hệ thống cao. Việc lựa chọn công nghệ và đánh giá quy trình sản xuất phù hợp vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh đã có tuy nhiên việc triển khai, thực hiện còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là trên địa bàn chưa có quy hoạch các vùng, khu nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến tình trạng quy hoạch chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư. Hạ tầng cơ sở tại một số khu công nghiệp, địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của doanh nghiệp. Tập quán canh tác cũ, manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chưa có các vùng nguyên liệu đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu. Người sản xuất thiếu kiến thức về khoa học công nghệ, nhất là quy trình canh tác và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình chưa đồng đều, khó đáp ứng nhu cầu chứng nhận các tiêu chuẩn hàng hóa của các đơn vị liên kết, nhất là xuất khẩu. 

Trong định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn tới, tỉnh đang tiến hành lập quy hoạch tích hợp cho các ngành, địa phương. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc lập quy hoạch được chú trọng đến các vùng sản xuất tập trung, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chú trọng thu hút đầu tư theo địa bàn và các vùng sinh thái đặc thù của tỉnh. Cụ thể, đối với vùng núi cao mà chủ yếu trong phạm vi của huyện Hướng Hóa, đã hình thành vùng trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nhất là cây chuối tập trung, hàng hóa có chất lượng cao. Chăn nuôi tuy chưa phát triển mạnh nhưng đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi heo, trâu bò có quy mô vừa và nhỏ. Nhằm phát huy lợi thế của vùng, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh, vừa phát huy lợi thế của vùng, vừa là vệ tinh phục vụ và hưởng lợi từ những nghiên cứu của trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với vùng đồi (bao gồm các huyện Đakrông, Cam Lộ và các xã phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong) đã hình thành một số mô hình tập trung trồng cây hồ tiêu, cây dược liệu, cây ăn quả, một số mô hình chăn nuôi heo, gia cầm, bò quy mô trang trại... từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Định hướng sẽ bố trí một số vùng chuyên canh ứng dụng cây công nghệ cao là các vùng trồng cây dược liệu, trồng hồ tiêu, vùng trồng cây ăn quả, các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại khu vực này. Vùng đồng bằng (bao gồm các xã chạy dọc hai bên Quốc lộ 1 của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh) với địa hình bằng phẳng, đã được xây dựng cơ sở hạ tầng khá thuận lợi cho trồng lúa. Tại vùng này sẽ từng bước quy hoạch các vùng lúa chất lượng cao và lúa hữu cơ.

Việc quy hoạch mang tính chất lâu dài cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035 là cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm, có kế hoạch đầu tư lâu dài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hoá: Hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor để tái canh cây cà phê

Nguyễn Đình Phục |

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cho biết: Nhằm giúp các hộ dân, nhất là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các xã thực hiện tái canh cây cà phê, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vừa hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor cho 33 hộ dân ở xã Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh thực hiện tái canh 31,1ha cây cà phê.

Nhà hàng, quán cà phê ở Vinh mở cửa trở lại từ sáng 24.9

Quang Đại |


Thành phố Vinh cho phép các nhà hàng, quán cà phê, các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại từ ngày 24.9.

Đưa cà phê trở thành "đại sứ du lịch" Việt Nam

Hải Nam |

Ngành du lịch và cà phê vẫn còn rất nhiều cơ hội hợp tác chưa được khai phá. Hoạt động du lịch sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành cà phê, đồng thời câu chuyện văn hóa cà phê sẽ trở thành một điểm nhấn để thu hút du khách.

Gạo, cà phê, hàng thủy sản...của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường châu Phi

PV |

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hàng thủy sản... đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi.