Ngày 15/3, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị do UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự làm việc.
Hiệu quả bước đầu từ các dự án năng lượng
Báo cáo tại phiên giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: Đến thời điểm hiện nay, Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt 714MW và đã đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MWp và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MWp hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW, 1 dự án điện khí LNG 1.500MW, 1 dự án tua bin khí hỗn hợp 340MW và gần 100MW các dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai đầu tư.Tỉnh cũng đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400MWp, hơn 2.000MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500MW các dự án điện khí.
Ngoài việc đóng góp vào ngân sách địa phương, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh còn góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khoảng 100 km, tạo việc làm cho 681 lao động, trong đó có 558 lao động địa phương, cải thiện sinh kế, an sinh xã hội cho địa phương...
Bên cạnh đó, các dự án năng lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo hướng vừa phát triển “Cánh đồng điện gió”, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, ổn định đời sống người dân vùng dự án và phục vụ phát triển du lịch.Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp năng lượng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Từ hiệu quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển KT - XH của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Đặc biệt với tiềm năng điện khí như mỏ khí Kèn Bầu có trữ lượng dự báo lớn nhất Việt Nam, ngoài ra còn có mỏ Báo Vàng và nhiều dư địa khác là cơ sở vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án năng lượng vẫn còn gặp những trở ngại, khó khăn như các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đưa nguồn điện vào sử dụng. Lưới điện truyền tải hiện chưa đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, nhất là các dự án điện gió phía Tây của tỉnh cả trước mắt và lâu dài.
Việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo có suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu là một rào cản trong việc thu hút các nhà đầu tư, cũng như sự tham gia của toàn xã hội trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp; khó khăn trong công tác xác định giá và lập phương án bồi thường; việc quản lý đất đai còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong Nhân dân.
Nguyên nhân là do một số quy định pháp luật về năng lượng còn chồng chéo, chưa đảm bảo thống nhất trong cùng phân ngành. Một số quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa bám sát thực tế nên tính khả thi chưa cao, hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh còn hạn chế. Cơ chế giá điện FIT cho các dự án điện năng lượng tái tạo từ sau ngày 1/11/2021 chậm được ban hành.
Việc lập và bổ sung quy hoạch đất đai còn chưa cụ thể, chưa đủ chi tiết, dẫn đến việc bị chồng lấn với các quy hoạch khác. Về phía người dân còn chưa hợp tác, ủng hộ do đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế.
Từ đó, kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với thực tiễn phát triển; nghiên cứu luật hóa một số chính sách ưu đãi cho dự án khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; sớm hoàn thiện quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng…
Cần cho phép và khuyến khích sự tham gia từ nhiều bên, đặc biệt là kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế trong quá trình phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, phải tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
Ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FIT hay cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này. Để Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).Trong đó, quan tâm đưa 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.000MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400MWp và một số dự án về điện khí đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch.
Biến khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là hướng ưu tiên phát triển KT - XH của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và của cả nước. Trên cơ sở chính sách khuyến khích phát triển năng lượng của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển điện gió. Qua đó, nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.
Ngoài việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, UBND tỉnh đã bám sát thực tế, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời ban hành một số văn bản liên quan đến điện lực và năng lượng để chỉ đạo, điều hành.
Các văn bản này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý các dự án điện lực và năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu, ghi nhận những kiến nghị để tổng hợp, nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)