Năm 1926, nhà thực vật người Pháp Poilane đem cây cà phê đầu tiên tới trồng tại đất Khe Sanh (Quảng Trị)-nơi có khí hậu mát mẻ, trước đó đã có nhiều dinh thự của người Pháp xây lên để nghỉ dưỡng. Từ đó đến nay, trên vùng đất đỏ bazan trên đỉnh Trường Sơn, cây cà phê đã phát triển thành cây kinh tế chủ lực của huyện miền núi Hướng Hóa. Và sắp tới, vào năm 2026, cà phê Khe Sanh tròn 100 tuổi.
Cà phê Khe Sanh đã định danh ở ngôi vị xứng đáng trong những vùng cà phê ngon nhất nước, nếu không nói là khu vực Đông Nam Á, một chuyên gia đã nói như thế trong hội thảo về phát triển du lịch nông nghiệp gắn kết với cây cà phê. Điều này đã được khẳng định qua các cuộc thi, trong đó cà phê đặc sản Khe Sanh có 4 năm liên tục ở tốp đầu cà phê Việt Nam.
Hay như sản phẩm của Pun Coffee (Công ty TNHH Pun Coffee, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) vinh dự được Viện Chất lượng cà phê quốc tế (CQI) xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng cà phê đặc sản thế giới vào năm 2023, điều mà cà phê Việt Nam trước đó chưa làm được. Với vị thế đó, rõ ràng cà phê Khe Sanh đang có một chỗ đứng “khá sang trọng” trên bản đồ cà phê Việt Nam và khu vực.
Khát khao đưa cây cà phê và quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất nổi tiếng về sự khốc liệt của chiến tranh năm xưa đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, nhóm những người yêu quê hương, yêu mảnh đất này đã thiết lập một tour du lịch mang tên “Khe Sanh coffee tour”.
Anh Trần Thái Thiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Việt Nam-Khe Sanh cùng nhóm bạn đã khởi xướng nhiều chương trình với mong muốn phát triển du lịch Hướng Hóa. Tour du lịch gắn kết với trải nghiệm cây cà phê là một trong những sản phẩm tâm huyết của nhóm.
Theo anh Trần Thái Thiên, vừa qua tại Khe Sanh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng Đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”.
Tại đây, Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Việt Nam-Khe Sanh đã ký kết hợp đồng khai thác với các đối tác du lịch lữ hành nhằm triển khai tour một cách hiệu quả. Tour du lịch sẽ cung cấp cho du khách quy trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê đặc sản Khe Sanh. Du khách có thể trực tiếp tương tác và nghe những câu chuyện về cà phê, về mảnh đất Khe Sanh anh hùng từ những người nông dân chân chất bên những luống cà phê xanh tốt.
Đặc biệt, tại đây, du khách có thể tự tay pha chế một ly cà phê chất lượng theo ý vị của riêng mình. Ngoài ra, du khách được tham quan, trải nghiệm những danh thắng trên địa bàn như di tích sân bay Tà Cơn, thác Tà Puồng, khu du lịch cộng đồng Khe Sanh, các điểm săn mây, ngắm cánh đồng điện gió. “Trải nghiệm chăm sóc, chế biến cà phê Khe Sanh không đơn thuần chỉ là cảm nhận cà phê mà còn giúp du khách tiếp cận được với văn hóa, lịch sử địa phương, thưởng thức các đặc sản bản địa. Đây là sản phẩm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp đầu tiên của Quảng Trị nói chung, mảnh đất Khe Sanh nói riêng, hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch bền vững và thế mạnh của địa phương”, anh Thiên chia sẻ.
Theo nhà báo Lâm Chí Công, Chủ tịch Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị, Khe Sanh là một từ khóa toàn cầu. Cà phê Khe Sanh trăm năm trước đã xuống tàu đi Pháp, góp mặt trong những bữa tiệc sang trọng của giới quý tộc châu Âu.
Và giờ đây, đặc sản này tiếp tục đi Mỹ và các nước châu Âu, cho thấy một chỉ dấu về tương lai rất sáng của cà phê Khe Sanh. Với lịch sử 100 năm, chúng ta có nhiều câu chuyện để nói, để viết về cây cà phê. Hiện tại, dấu tích của những đồn điền cà phê của người Pháp trên đất Khe Sanh đã không còn. Còn chăng chỉ là những nền móng khuất lấp trong cỏ dại, vườn nhà dân.
Nhưng để nói về cà phê Khe Sanh của ký ức đầy thăng trầm thì không thể không nhắc đến nhà thực vật Poilane. Ông đã gieo cây cà phê mít đầu tiên ở nơi đây để ngày nay chúng ta mở rộng và làm giàu trên diện tích hơn 5.000ha, trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Do đó, rất cần phục dựng ngôi nhà hay nơi làm việc trong đồn điền của Poilane. Chí ít cũng có một công trình liên quan đến Poilane để khi nhắc đến cà phê Khe Sanh, người ta không thể quên ông.
Sau chiến tranh, Khe Sanh đầy những hố bom, vật liệu chiến tranh còn sót lại rất nhiều. Du khách nước ngoài lúc này trở lại Khe Sanh để tìm kỷ vật chiến tranh. Họ thưởng thức ly cà phê mà hương vị như còn vương mùi... thuốc súng, lửa đạn. Bởi trong tâm thức họ, Khe Sanh là khói lửa.
Bây giờ kỷ vật chiến tranh không còn nhiều. Hằng ngày, nhiều khách Tây đến Khe Sanh, ngồi thưởng thức ly cà phê Arabica thơm ngon, ngắm cánh đồng điện gió, ngắm những cô gái Vân Kiều, Pa Cô xuống núi với những gùi cà phê, gùi rau rừng trên lưng. Những hình ảnh đó là của một Khe Sanh hòa bình. Đến Khe Sanh để nói chuyện hòa bình. Và nói chuyện hòa bình không ở nơi đâu phù hợp hơn ở Khe Sanh, vì nơi đây từng là vùng đau thương trong chiến tranh.
Đã có người hỏi tôi: Cà phê Arabica ngon nhất phải ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển như Đà Lạt, Sơn La. Sao cà phê Arabica của Khe Sanh chỉ lưng chừng 600m mà lại đứng ở ngôi vị cao trên bản đồ cà phê ngon của cả nước? Tôi đem câu hỏi này "chất vấn" chị Lương Thị Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành Pun Coffee trong một lần gặp chị ở trụ sở công ty tại đồi Pun, xã Hướng Phùng.
Bằng kinh nghiệm của mình, chị cho biết, ở Khe Sanh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn. Ngày có thể nắng nóng nhưng đêm lại khá lạnh. Sự chênh lệch nhiệt độ đã tạo ra hương vị cà phê Arabica không lẫn vào đâu được. Tôi đã nói đùa với chị rằng: Hay “dư vị” của thuốc súng đã làm cho cà phê có mùi đặc trưng và ngon đến thế? Sau cái im lặng thì câu nói đùa của tôi lại mở ra một câu chuyện khác về Khe Sanh. Chắc có lẽ những ai đến Khe Sanh đều muốn nghe qua, muốn chứng kiến. Và những người phụ nữ chân chất, những nông dân hiền lành bám đất, bám hạt cà phê sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện thú vị về một Khe Sanh huyền bí và hào hùng.
Tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm gắn kết cây cà phê là một điểm sáng trong câu chuyện phát triển du lịch ở Hướng Hóa. Để làm được những dấu ấn khác biệt, rất cần những thiết chế và lễ hội cùng cộng hưởng. Như khi đặt chân lên Đà Lạt, người ta nhớ đến Yersin-người tìm ra Đà Lạt. Và khi đặt chân đến Khe Sanh, uống ly cà phê, người ta sẽ tìm nơi Poilane ở và nghiên cứu. Còn về lễ hội, như mong muốn của những người yêu du lịch Hướng Hóa thì cần có nhiều lễ hội hơn để thu hút du khách, như lễ hội cà phê Khe Sanh, lễ hội rừng phong hương, lễ hội hoa dã quỳ...
Bởi, khi chúng ta “đánh thức” cà phê Khe Sanh là đánh thức cả trăm năm lịch sử.