Cam Lộ chú trọng hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở

Khánh Ngọc |

Nhằm từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, những năm qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị) luôn quan tâm xây dựng trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn, bản, khu phố đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Các trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng ở các thôn, bản, khu phố chính là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, tổ chức hội họp, học tập cộng đồng…, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Theo thống kê năm 2017, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã xây dựng 106 trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng (gọi tắt là trung tâm)/105 thôn, bản, khu phố, gồm: 76 trung tâm được xây dựng mới, chiếm tỉ lệ 71,7%; 23 trung tâm được cải tạo, sửa chữa từ các công trình khác, chiếm tỉ lệ 21,7%; 7 trung tâm được bàn giao từ các nhà mẫu giáo chưa được nâng cấp, sửa chữa, chiếm tỉ lệ 6,6%. Nhìn chung, các địa phương đã quan tâm ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch cho việc xây dựng các trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng, trong đó có 91/106 trung tâm có diện tích đất đảm bảo theo tiêu chí, chiếm tỉ lệ 85,85%. Về diện tích xây dựng, có 61/106 trung tâm đảm bảo tiêu chuẩn, chiếm tỉ lệ 57,55%. Tuy nhiên, nhiều trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn, bản, khu phố là sửa chữa từ các công trình như nhà mẫu giáo, trụ sở hợp tác xã nông nghiệp cũ..., nên bị xuống cấp nghiêm trọng, chưa đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của “Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn”.

Một góc Trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao đa năng khu dân cư Tân Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ - Ảnh: K.N
Một góc Trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao đa năng khu dân cư Tân Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ - Ảnh: K.N

Xác định tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển quê hương, đất nước, huyện Cam Lộ đã ban hành đề án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng trên địa bàn huyện, với mục tiêu xây dựng mới và sửa chữa hoàn chỉnh các trung tâm văn hóa xuống cấp để đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập cộng đồng và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Cùng với việc xây dựng huyện Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân được nâng lên đáng kể nên nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần yêu cầu cao hơn, nhờ vậy công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động tại các trung tâm văn hóa được người dân hưởng ứng tích cực. Từ năm 2017 đến nay toàn huyện đã xây dựng, sửa chữa được 79 trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn, bản, khu phố với tổng kinh phí đầu tư gần 6 tỉ đồng, góp phần thực hiện tốt việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại địa phương, nhất là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cam Lộ Nguyễn Minh Đức cho biết, sau khi thực hiện Đề án về tổ chức, sắp xếp lại các thôn, bản, khu phố theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trên địa bàn huyện Cam Lộ sáp nhập từ 105 thôn, bản, khu phố thành 80 thôn, bản, khu phố. Các thôn, khu phố thực hiện sáp nhập có quy mô dân số tăng lên, nên các trung tâm văn hóa và sinh hoạt cộng đồng không đảm bảo diện tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của Nhân dân. Trước tình hình đó, huyện Cam Lộ tiếp tục kéo dài và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về hỗ trợ xây dựng trung tâm, văn hóa và học tập cộng đồng, phấn đấu mỗi năm xây dựng mới 1 trung tâm và sửa chữa 2 - 3 trung tâm/xã. Các trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng được xây dựng phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; khuôn viên được quy hoạch trồng cây xanh bóng mát, cây cảnh, hoa, đảm bảo cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường. Đối với những nơi thấp, việc xây dựng trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng phải gắn với nhà tránh lũ cộng đồng, chịu được bão cấp 12.

Những chính sách hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng của huyện Cam Lộ góp phần từng bước xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo động lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sức bật từ các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế ở Cam Lộ

Thanh Hải |

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Cam Lộ (Quảng Trị) là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vinh dự được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Cam Lộ là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương đều gắn với các nhà máy chế biến trên địa bàn. Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Cam Lộ luôn chú trọng đề ra chủ trương và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp, đề ra các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của địa phương, tạo sức bật mới xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh.

Chợ Phiên Cam Lộ và giấc mơ “trên bến dưới thuyền”

Lê Đức Dục |

Ba mươi năm trước, khi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lập lại, mấy anh em chúng tôi là những bạn bè một thuở hầu hết vừa tốt nghiệp đại học về lại quê nhà.

Gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày lập lại huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Ngày 30/11, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày lập lại huyện 1/12 (1991-2021). Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Bí thư Thành ủy Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng tham dự buổi gặp mặt.

Cam Lộ: Vùng đất của các loại cây dược liệu

Lệ Như |

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ (Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Vì thế, trồng cây dược liệu mở ra bước đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.