Sức bật từ các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế ở Cam Lộ

Thanh Hải |

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Cam Lộ (Quảng Trị) là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vinh dự được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Cam Lộ là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương đều gắn với các nhà máy chế biến trên địa bàn. Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Cam Lộ luôn chú trọng đề ra chủ trương và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp, đề ra các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của địa phương, tạo sức bật mới xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh.

Cam Lộ là huyện vùng gò đồi, có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như cao su, hồ tiêu, lạc, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc... Để tạo sức bật phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của vùng gò đồi, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về sản xuất nông nghiệp như: “Cải tạo và phát triển chăn nuôi bò giai đoạn 2006-2010”; “Đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008-2010”; “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc và thí điểm mô hình phục hồi vườn tiêu giai đoạn 2011-2015”; “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016 - 2020”; “Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”…

Cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng gò đồi huyện Cam Lộ - Ảnh: T.H
Cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng gò đồi huyện Cam Lộ - Ảnh: T.H

Thông qua lãnh đạo triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện, đến nay, tỉ lệ chăn nuôi bò lai trên địa bàn huyện đạt gần 80% tổng đàn, cao nhất toàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Duy trì chăm sóc, bảo vệ hơn 4.000 ha cao su tiểu điền gắn với nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ. Phục hồi cải tạo gần 400 ha cây hồ tiêu, năng suất tăng 1,6 - 1,8 lần, đưa năng suất hồ tiêu bình quân trên địa bàn huyện lên 12,5 tạ/ha/năm. Năm 2014, hồ tiêu Cùa đã được Tổ chức Business Initiative Directions của Tây Ban Nha trao giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng”, được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Vùng trồng lạc ở các bãi bồi ven sông Hiếu tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật thâm canh, xen canh có chủ động tưới, đưa tổng diện tích gieo trồng lên gần 1.000 ha, năng suất đạt hơn 20 tạ/ha, tăng gần 1,5 lần so với trước. Diện tích rừng trồng mới trung bình hằng năm của huyện trên 1.100 ha, nhờ áp dụng kỹ thuật lâm sinh tiên tiến, quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC, nên hiệu quả kinh tế rừng tăng cao.

Đặc biệt, thực hiện nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020”, Cam Lộ đã xác định rõ các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế so sánh của địa phương nhằm khai thác dư địa đất đai, sinh thái vùng gò đồi, phát triển sản phẩm đặc thù gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, huyện Cam Lộ có 7 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao, chiếm 36,8% sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Địa phương đang chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu, phấn đấu trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh với quy mô khoảng 500 ha cây dược liệu vào năm 2025.

Cùng với việc ban hành các nghị quyết chuyên đề phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, huyện gắn thực hành chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm: Thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh sơ chế, chế biến để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng ban hành nghị quyết thông qua “Đề án phát triển nguồn nhân lực lao động trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tổ chức các hình thức sản xuất trong nông thôn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nét mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện là hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đều có các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn mà không phải địa phương nào cũng có được; trong đó đáng chú ý là có các nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy viên nén năng lượng, nhà máy sản xuất chế biến nông sản… Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện Cam Lộ đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương trong những năm qua đã tạo sức bật lớn thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn Cam Lộ từ tư duy sản xuất theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh sản phẩm nông sản hàng hóa của địa phương trên thị trường, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống Nhân dân, xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy thành quả đạt được, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành thêm các nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo sức bật mới khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện Cam Lộ đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tập trung nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, hướng đến sự hài lòng của người dân về miền quê đáng sống.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cam Lộ: Vùng đất của các loại cây dược liệu

Lệ Như |

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ (Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Vì thế, trồng cây dược liệu mở ra bước đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Biến vùng đồi hoang sơ thành vườn cây trĩu quả

Mỹ Hằng |

Với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Trần Ngọc Phong, Bí thư Chi đoàn thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đồi hoang sơ thành vườn cây trĩu quả.

Hướng Hóa: Phân bổ kinh phí doanh nghiệp hỗ trợ để thực hiện Đề án Trồng 1 tỉ cây xanh

Bích Liên |

Từ nguồn hỗ trợ 750 triệu đồng của các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa có kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn huyện.

Cần nâng cấp những cây cầu dân sinh bị hư hỏng nặng ở Hải Lăng

Thục Quyên |

Là địa phương vùng trũng, nhiều sông ngòi nhưng những năm gần đây, một số cây cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đang là nỗi lo lắng đối với người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhất là vào mùa mưa lũ.