Cần hướng tới đa dạng thị trường xuất khẩu

Tú Linh |

Tình trạng ô tô chở nông sản từ miền Nam và miền Trung ùn tắc tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc để xuất qua Trung Quốc kéo dài khoảng một tháng nay. Theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng container ùn tắc tại các khẩu này hơn 4.800 xe. Hàng hóa kéo dài thời gian nằm chờ ở cửa khẩu để được thông quan dẫn đến giảm chất lượng, nhiều mặt hàng bị hỏng phải đổ, mọi khó khăn đều dồn hết cho người làm ra sản phẩm.

Nhiều nguyên nhân giải thích cho vấn đề này, trong đó có nguyên nhân do Trung Quốc duy trì chế độ “Zero COVID” khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều hơn so với trước đây. Nhưng nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi là do chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nông sản người dân làm ra từ trước đến nay đa số chỉ hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, có thể tiền thu về không nhiều hơn bán ở thị trường các nước khác nhưng dễ làm, dẫn đến số lượng phương tiện chở hàng hóa đến các cửa khẩu vượt quá khả năng thông quan trong cùng thời điểm. Vấn đề hàng hóa ùn tắc đã có dự báo từ trước và không phải là chưa có những “diễn tập” để hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và người dân, nhưng thực tế vẫn xảy ra.

Các container hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Các container hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Công an Nhân dân

Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, các cơ quan, ban, ngành của nước ta đã có rất nhiều nỗ lực. Đợt này, Chính phủ đã có cuộc họp tháo gỡ khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tham tán thương mại của đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn. Các bên thống nhất tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt theo yêu cầu của phía bạn cũng như tiếp tục đẩy mạnh thông quan hàng hóa nông sản. Ngành hải quan kiện toàn cơ chế phòng, chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu. Hiện tỉnh Lạng Sơn đã vận hành cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bước đầu thí điểm cho thấy nhiều thuận lợi trong quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Việc ùn tắc hàng hóa bộc lộ nhiều vấn đề cần giải pháp tổng thể, chứ không dừng lại từng sự việc cụ thể. Về lâu dài, điều chúng ta cần nhất là các doanh nghiệp nên đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là những lợi thế nông nghiệp của Việt Nam, đó là chuối xanh, mít, dưa hấu, thanh long, xoài, bột sắn, chè khô, hạt vừng, hạt sen…; các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, cá, mực. Thực tế nông dân đang sản xuất với phương thức truyền thống, phần lớn các vùng sản xuất chưa theo kịp nhu cầu các thị trường khó tính, chưa đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, vận chuyển.

Vấn đề cần giải quyết là phải làm thế nào để nông sản Việt Nam không bị lệ thuộc vào một thị trường, để có một tư thế bình đẳng với thị trường tiêu thụ chính sản phẩm của mình. Muốn vậy chúng ta phải tập trung đầu tư vào quy trình sản xuất và công nghệ sau thu hoạch để nông sản có khả năng bảo quản tốt, phát triển công nghệ phụ trợ phục vụ chế biến để sản xuất mặt hàng có chất lượng. Khi đó người làm ra sản phẩm sẽ có nhiều thị trường để lựa chọn xuất khẩu, tăng giá trị, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điều này nhiều lần được đề cập trong các khuyến nghị, tuyên bố tại các diễn đàn, hội nghị về phát triển nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để các khuyến nghị ấy trở thành hành động thì vẫn cần có một cơ chế, chính sách kịp thời nhằm hiện đại hóa sản xuất giúp người nông dân không còn tiếp tục chấp nhận bán rẻ sản phẩm, lấy công làm lãi thì khi đó sản phẩm làm ra mới đáp ứng được các yêu cầu xuất qua thị trường nhiều nước, không còn chỉ phụ thuộc Trung Quốc như bấy lâu nay. Việc ùn ứ nông sản ở trên không phải lần đầu nhưng lần này có thể đủ lớn để đánh thức khát vọng thay đổi tình thế của những nhà hoạch định chính sách. Cần có những quyết tâm lớn hơn, hành động cụ thể hơn để tạo ra động lực thực sự cho dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản và quy mô, chất lượng hơn.

Câu chuyện hàng hóa nông, thủy sản ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc cũng là bài học lớn cho nhiều doanh nghiệp của tỉnh. Những năm qua có không ít doanh nghiệp thủy sản ở Cửa Việt do xuất khẩu tiểu ngạch nên phải nằm chờ hàng tháng trời ở các cửa khẩu biên giới để đợi được thông quan các sản phẩm cá khô, mực… Kinh nghiệm các doanh nghiệp rút ra đó là muốn xuất khẩu được nhanh phải có hàng tốt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn và không lệ thuộc thị trường. Nhiều tín hiệu vui cho các doanh nghiệp Quảng Trị trong thời gian gần đây là chủ động tìm kiếm thị trường mới như xuất khẩu các sản phẩm: Cà phê ở Hướng Hóa, cao An Xoa ở Cam Lộ, hồ tiêu ở Gio Linh, Vĩnh Linh qua Mỹ.

Mới đây, tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện dự án trồng lúa hữu cơ xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Châu Âu. Cùng với sản xuất, các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản cho chế biến sau thu hoạch để nông sản có khả năng bảo quản tốt, phát triển công nghệ phụ trợ phục vụ chế biến giúp sản xuất mặt hàng có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của các thị trường khó tính. Đặc biệt tỉnh đang quyết tâm phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch phù hợp với xu thế hội nhập thì việc mở rộng tìm kiếm thị trường không phải là chuyện khó.

Tuy giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của tỉnh hiện tại chưa cao nhưng bước đầu cho thấy tính chủ động và bài bản trong cách làm. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến đến chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch có nhiều rủi ro. Điều quan trọng nữa là tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách đủ sức nặng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản (thay vì chỉ xuất khẩu thô) trước khi xuất khẩu để tạo ra giá trị cao hơn cho ngành hàng nông nghiệp, lại vừa bớt được rất nhiều nỗi lo chỉ phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ nông sản như bấy lâu nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thủ tướng: "Ùn tắc nông sản ở biên giới là câu chuyện muôn thuở"

Thanh Mai |

Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc nói gì về tình trạng hơn 4.000 xe ùn tắc ở cửa khẩu?

Thanh Mai |

Tại cuộc họp báo ngày 20-12, Bộ NN&PTNT, tỉnh Lạng Sơn và đại điện Đại sứ quán Trung Quốc đã thông tin về tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. 

Cấm đỗ xe theo giờ để chống ùn tắc đoạn đường qua Trường Trưng Vương, thành phố Đông Hà

Tây Long |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa thống nhất chủ trương lắp đặt biển báo cấm đỗ xe trên đường Hùng Vương (đoạn giao nhau giữa đường Hùng Vương với đường Lý Thường Kiệt và đường Hùng Vương với đường Thân Nhân Trung) theo cả hai hướng lưu thông trong khoảng thời gian từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 và từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 hằng ngày.

Không còn ùn tắc, hàng hóa qua cảng biển giữ đà tăng trưởng

Phan Trang |

9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TPHCM giữ đà tăng trưởng ổn định (tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020). Để tránh tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái tái diễn và cũng chuẩn bị cho mùa giao dịch hàng hóa tăng mạnh vào cuối năm, cơ quan chức năng đã xây dựng quy trình đổi cảng dỡ hàng nhập khẩu để xử lý nhanh chóng trường hợp cảng biển xảy ra ùn tắc.