9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TPHCM giữ đà tăng trưởng ổn định (tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020). Để tránh tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái tái diễn và cũng chuẩn bị cho mùa giao dịch hàng hóa tăng mạnh vào cuối năm, cơ quan chức năng đã xây dựng quy trình đổi cảng dỡ hàng nhập khẩu để xử lý nhanh chóng trường hợp cảng biển xảy ra ùn tắc.
Không còn ùn tắc, hàng hóa qua cảng biển giữ đà tăng trưởng
Theo thống kê của cảng vụ hàng hải TPHCM, 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TPHCM ước đạt hơn 127 triệu tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, hàng hóa thông qua bằng tàu biển đạt gần 98,5 triệu tấn (tăng 4%), hàng thông qua bằng phương tiện thủy nội địa đạt gần 29 triệu tấn (tăng gần 9%). Đối với hàng container, trong 3 quý đầu năm ước đạt hơn 5,4 triệu TEU, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Do hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều nhà máy bị ngưng trệ do giãn cách xã hội tại các địa phương khiến lượng hàng hóa qua cảng biển TPHCM tiếp nhận trong tháng 9/2021 có giảm nhẹ, chỉ đạt gần 11,3 triệu tấn so với hơn 12,6 triệu tấn của năm 2020, hàng container ước giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước...
Tại các cảng biển lớn, lượng hàng container qua cảng Cái Lái trong tháng 9/2021 cũng giảm hơn 20%. Tương tự, cảng Sài Gòn cũng ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 9 khi sản lượng hàng hóa chỉ đạt hơn 701.000 tấn, giảm 3%.
Song, số lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn đạt hơn 43.200 lượt, tăng 9%. Số lượt tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam thông qua cảng biển đạt gần 43.600 lượt, tăng 2% với cùng kỳ năm 2020.
Nhận định về lượng hàng hóa những tháng cuối năm, đại diện Cảng vụ hàng hải TPHCM cho rằng, sự sụt giảm hàng hóa qua cảng biển khu vực chỉ mang tính chất cục bộ.
"Sang tháng 10/2021, khi TPHCM bắt đầu khôi phục nhiều hoạt động sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội kiểm soát dịch bệnh. Các hãng tàu điều chỉnh giảm chuyến trong thời gian vừa qua đã thông báo về việc tăng chuyến trở lại. Nhịp tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm", đại diện Cảng vụ Hàng hải TPHCM cho biết.
Quy trình "đổi cảng, dỡ hàng" khi xảy ra ùn tắc
Thời điểm cuối tháng 7/2021, cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 50% thị phần xuất nhập khẩu container của cả nước, nằm trong TOP 25 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới- là cảng đầu tiên của Việt Nam đối diện với nguy cơ ùn tắc sau 3 tuần TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, thời điểm đó dung lượng tồn hàng tại cảng Cát Lái luôn chạm đỉnh công suất, dung lượng dành cho hàng nhập vượt công suất.
Trước tình thế cấp bách, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã khẩn trương làm việc với Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn, cho phép doanh nghiệp cảng vận chuyển container hàng nhập khẩu (bao gồm cả container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng về các cảng: Tân Cảng Hiệp Phước và các ICD: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương). Sau 1 tuần, tỷ lệ hàng nhập tồn bãi tại cảng Cát Lái được đưa về ngưỡng an toàn, hiện chỉ còn khoảng 85%.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, cần phải có hướng giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển một cách căn cơ, lâu dài vì tình trạng ùn ứ hàng hàng hóa sẽ tái diễn khi dịch bệnh được kiểm soát, hàng chục ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sẽ sản xuất hết công suất để bù đắp cho thời gian bị giãn cách xã hội.
"Cảng biển cũng giống như kho hàng hay chợ trung tâm đầu mối, khi hàng hóa tập kết vào chợ nhưng người mua không đến lấy hàng, hoặc lượng hàng lấy ra ít hơn lượng hàng đem vào chợ sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ùn tắc. Vì vậy, giải pháp căn cơ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sớm đưa hàng ra khỏi cảng và chuẩn bị sẵn các cơ chế điều tiết trong trường hợp hàng hóa bị ùn ứ", ông Nguyễn Phương Nam nhận định.
Để hạn chế tối đa tình trạng trên tái diễn, nhất là trong thời điểm cuối năm lượng hàng hóa dồn về các cảng biển lớn, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021 quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đó là các trường hợp hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng. Hàng nhập khẩu tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển; được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc. Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của cảng vụ hàng hải.
Để giải tỏa ùn tắc hàng hóa, Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định, hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ; trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD; trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu; trách nhiệm của cơ quan hải quan; quyền và trách nhiệm của người khai hải quan.
Hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển đến cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ theo quy định tại Điều 4 thông tư này áp dụng trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và đến thời điểm sau 15 ngày kể từ ngày tỉnh, thành phố nơi có hàng hóa vận chuyển đi kết thúc áp dụng Chỉ thị số 16.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các cảng biển khu vực TPHCM sớm triển khai "hạ tầng kết nối mềm", số hóa tạo hệ sinh thái thông tin giữa cảng biển với cảng biển, và cảng biển với khách hàng/hãng tàu trong việc chia sẻ cầu bến, bãi chứa container để tăng năng lực luân chuyển hàng hóa giữa các cảng, việc tiếp nhận tàu sẽ diễn ra theo nguyên tắc tàu vào đúng thời gian và hàng được rút đúng thời điểm.
Cảng biển thế giới ùn tắc, giá cước tăng chóng mặt Thời điểm đầu năm 2021, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh tại Mỹ nhờ các chương trình cứu trợ COVID-19, gây áp lực lớn lên mạng lưới cung ứng hàng hóa. Trong tháng 2/2021, lượng hàng xử lý tại Cảng Los Angeles (Mỹ) đã tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước. Có thời điểm hơn 20 tàu phải neo đậu chờ cập cảng Los Angeles và Long Beach - hai cảng biển đông đúc nhất tại Mỹ, trung bình các tàu phải chờ hơn 1 tuần mới được vào bến. Theo Forbes, trong giai đoạn từ 19/3/2020 đến 19/3/2021, giá cước vận tải container toàn cầu tăng gần 195%, từ trung bình 1.377 USD/container 40 foot lên 4.045 USD. Ngày 9/10 mới đây, theo tạp chí The Atlantic, Cảng Los Angeles và cảng Long Beach tiếp tục bị kẹt nặng, một lượng lớn tàu hàng và hàng ngàn container trên đó vẫn đang nằm chờ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều cảng ở New York, Savannah, Georgia vì nhu cầu vận chuyển tăng cao bất thường, trong khi đó xe tải, tài xế, cả nhân viên cảng đang thiếu trầm trọng. Tình trạng ùn tắc tại các cảng biển lớn trên thế giới đã tác động đến giá cước vận tải toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội logistics Việt Nam, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 8/2021 giá cước vận tải biển trung bình đã tăng khoảng 3,5 lần cụ thể giá cước tuyến châu Á tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5 - 6 lần. Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp dệt may mặc dù đã có được các đơn hàng xuất khẩu để sản xuất thậm chí đến cuối năm 2021 đầu năm 2022 song áp lực chi phí logistic khiến doanh nghiệp “lãi cũng không lại”.
(Nguồn: Chính phủ)