Cần nhiều hơn những nhà máy lắp ráp điện tử

Tú Linh |

Dự án xây dựng Nhà máy Sangshin Central Việt Nam (của Công ty TNHH Sangshin Central Việt Nam thuộc Tập đoàn điện tử Sangshin Central Electronics Hàn Quốc) có vốn đầu tư gần 3 triệu USD được triển khai tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong.

Giai đoạn 1 của dự án được khởi công trong năm 2022, phấn đấu đến quý 1 năm 2023 đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiếp tục triển khai vào cuối năm 2023, tập trung phát triển sản xuất linh kiện điện tử giải quyết việc làm cho thêm 300 lao động nữa.

Ông Jino Li, Giám đốc Dự án Sangshin Central Việt Nam giải thích, Quảng Trị là một tỉnh của miền Trung. Chính vì vị trí địa lý tự nhiên đặc biệt của tỉnh khiến ông nghĩ đến việc đặt tên cho công ty và dự án là Sangshin Central Việt Nam, có nghĩa là công ty phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực trung tâm thuận lợi của Việt Nam. Có lẽ đây là một trong những dự án được triển khai nhanh nhất tại tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, được dư luận rất chờ đợi đón nhận.

 

Ông Jino Li chia sẻ, đầu tư xây dựng dự án này, ngay từ những ngày đầu tập đoàn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hết sức nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Nhờ sự đồng hành và chỉ đạo kịp thời đó đã giúp thúc đẩy dự án sớm được triển khai một cách thuận lợi. Hơn hết, tập đoàn nhìn thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Quảng Trị trong tương lai và đây là cơ hội tốt để tập đoàn đồng hành, đóng góp vào sự đổi mới, phát triển của Quảng Trị.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, mô hình đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp điện tử có trị giá dưới 10 triệu USD rất phù hợp với Quảng Trị trong giai đoạn này. Quảng Trị là một tỉnh tiền công nghiệp, hiện tại 70% dân số sống bằng kinh tế nông nghiệp. Do đó, cùng với việc kêu gọi đầu tư các dự án động lực thì tỉnh cần chú trọng kêu gọi các dự án tương tự Tập đoàn điện tử Sangshin Central Electronics (Hàn Quốc) đang đầu tư tại Triệu Phong để giải quyết được nhanh, nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giữ chân lực lượng này ở lại bổ sung vào nguồn lực lao động trẻ của tỉnh.

Thiết nghĩ, mỗi cụm công nghiệp ở mỗi huyện, thị xã trên địa bàn được doanh nghiệp đến đầu tư một nhà máy lắp ráp điện tử như Triệu Phong thì câu chuyện giải quyết việc làm cho lao động trẻ của tỉnh sẽ rất hiệu quả. Được làm việc ở quê hương, có đồng lương không chênh lệch lắm so với làm việc ở các thành phố khác, chắc chắn là niềm mong ước của không ít lao động trẻ tuổi hiện nay.

Về mặt chủ trương, việc ưu tiên phát triển công nghiệp lắp ráp điện tử rất phù hợp với tinh thần của Chính phủ. Theo Bộ Công thương, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện tại của đất nước, có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam tập trung phát triển ở lĩnh vực linh kiện điện - điện tử cơ bản. Giai đoạn năm 2020 - 2025, ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.

Hơn mười năm trước, Việt Nam bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị 3C trong ngành điện tử (gồm linh phụ kiện, lắp ráp cụm linh kiện, thành phẩm) và hôm nay chúng ta trở thành trung tâm lắp ráp linh kiện điện tử của thế giới. Trong nhóm hàng linh kiện điện tử, vai trò của chúng ta trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu chỉ giới hạn là nhà tích hợp các linh kiện. Nhưng trong nhóm thành phẩm của ngành điện tử Việt Nam, chủ yếu sản xuất thiết bị truyền thông và điện tử tiêu dùng thì chúng ta dẫn đầu. Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020.

Dự báo, Việt Nam có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ trên toàn cầu về nhu cầu thiết bị điện tử khi COVID-19 được khống chế, nền kinh tế phục hồi để đẩy mạnh hoạt động lắp ráp điện tử. Vì vậy, Quảng Trị cũng cần song hành theo hướng phát triển này.

Theo lập luận của ông Jino Li, Giám đốc Dự án Sangshin Central Việt Nam, các sản phẩm hàng hóa điện tử từ Quảng Trị được sản xuất đi dễ dàng đến hai cảng biển lớn của Việt Nam là Hải Phòng và Đà Nẵng để đến với các nước. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Quảng Trị mà các tập đoàn kinh tế chọn đầu tư, tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hoá bằng cả đường bộ, đường biển, sắp đến có Cảng hàng không Quảng Trị.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, nhằm mang đến đột phá trong thu hút đầu tư và xã hội hóa đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngày 30/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 105/2021/NQ-HĐND quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chính sách mới này nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo động lực cho các doanh nghiệp/nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư vào tỉnh.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và khấu hao tài sản cho các nhà đầu tư khi đáp ứng các điều kiện theo quy định được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật có liên quan. Cùng với các điều kiện trên thì Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị hằng năm chú trọng đào tạo công nhân có tay nghề, tạo nguồn cung cấp lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp điện tử trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel ở các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Một loạt đối tác sản xuất lớn của Apple, như Wistron, Pegatron, Luxshare, Foxconn…đều đang gia tăng sản xuất các thiết bị, linh phụ kiện tại Việt Nam. Hầu hết các tên tuổi lớn trên thị trường thiết bị di động, điện tử toàn cầu đều đã, đang hoặc có kế hoạch thiết lập nhà máy ở Việt Nam. Mong rằng tỉnh quan tâm, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư vào phân khúc công nghiệp lắp ráp điện tử khi chúng ta đang hội đủ các điều kiện mà nhà đầu tư quan tâm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thông tin về định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn

An Ly |

Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ là quy định thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều

Thúy Hiền |

Tác động tiêu cực mà việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể gây ra đối với cơ thể và tâm trí của chúng ta.

Quảng Trị đoạt 3 giải tại cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử

Quang Hiệp |

Chiều ngày 12/9, theo thông tin từ Sở GD&ĐT Quảng Trị, Ban tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 vừa công bố danh sách các giáo viên, nhóm giáo viên đoạt giải tại cuộc thi. 

Đóng cửa chợ điện tử lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến

PV |

Ngày 29/8, nhà chức trách tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc thông báo tạm thời đóng cửa khu chợ bán thiết bị điện tử lớn nhất thế giới Hoa Cường Bắc và ngừng cung cấp dịch vụ tại 24 ga tàu điện ngầm để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát.

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước

B.A |

Chính phủ ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.