Trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có nhiều dự án điện gió đang thi công. Phần lớn các dự án này xây dựng trên các đồi núi cao và hầu hết phải san ủi, cắt xẻ rừng. Việc thi công các dự án điện gió đặt ra những vấn đề đáng lo ngại về sạt lở đất, cảnh quan và địa hình. Việc đánh giá tác động môi trường tổng thể của các dự án là điều cần thực hiện để sớm có những phương án giảm thiểu tác động tới môi trường của các dự án điện gió này.
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII diễn ra vào ngày 15, 16/7/2021, nhiều đại biểu có ý kiến bày tỏ lo ngại việc ồ ạt thi công nhiều dự án điện gió trên các đồi núi cao ở huyện miền núi Hướng Hóa tiềm ẩn hiểm họa về sạt lở đất khi mùa mưa bão đang đến rất gần. Đại biểu Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng: “Hiện nay, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh có hiện trạng mặt bằng thi công tương đối lớn. Diện tích đất đai sử dụng cho việc mở đường khá rộng, kéo theo hàng triệu mét khối đất đá được san gạt, đắp lên đường vận chuyển. Trong khi đó, mùa mưa đang đến gần, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở, bồi lấp đất đá từ các công trình thi công điện gió sẽ cao. Do đó, ngành tài nguyên và môi trường cần sớm đưa ra dự báo tình hình, lên phương án cụ thể để giảm thiểu tình trạng này”.
Liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường tổng thể các dự án điện gió, đại biểu Nguyễn Trí Tuân, Bí thư Huyện ủy Đakrông nêu quan điểm: “Hiện nay, chúng ta đang triển khai ồ ạt các dự án thủy điện, điện gió. Và thực tế đã và đang diễn ra tình trạng thủy điện thì ngày càng cạn kiệt nước, điện gió thì cần thiết phải có khảo sát để đánh giá thực trạng tác động của môi trường. Vì vậy, cần nghiêm túc xem xét một cách khoa học, lâu dài về hiệu quả và hậu quả của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo công tác đánh giá tổng thể tác động môi trường của các dự án năng lượng tái tạo ở phía Tây tỉnh Quảng Trị để đưa ra giải pháp kịp thời ”.
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có hơn 20 dự án điện gió đang thi công. Hầu hết những dự án này khi xây dựng, lắp đặt các trụ tuabin gió đều phải san ủi, mở đường xẻ qua rừng để vận chuyển thiết bị. Quan sát trực tiếp sẽ thấy các đồi núi bị “cạo trọc”, lượng lớn đất đá ngổn ngang được san lấp. Người dân sống xung quanh những dự án đang thi công, ai cũng lo lắng, bởi khi mùa mưa bão đến, những quả đồi kia với khối lượng đất đá đã được đào đắp như thế liệu sẽ tiềm ẩn những hiểm họa khó lường ra sao? Đơn cử, chỉ qua những cơn mưa đầu mùa, lưu lượng nước không lớn, nhưng ruộng lúa của người dân ở thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa đã bị một lượng lớn đất đá bồi lấp do con đường của dự án điện gió thi công ở phía trên cuốn trôi xuống. “Điện gió làm đường chở thiết bị ở phía trên, đất hai bên đường đổ cao hơn so với mặt ruộng, nên khi mưa là cuốn theo đất đó xuống bồi lấp hết. Nhiều vườn cà phê cũng bị vùi lấp. Bà con đã khó mà nay ruộng nương bị lấp thế này nữa thì mùa tới chắc càng khó khăn hơn”, anh Hồ Văn Lăn, ở thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa chia sẻ.
Điều mà người dân sống ở những khu vực có dự án điện gió và chính quyền địa phương lo lắng nhất là ảnh hưởng của các dự án điện gió tới môi trường. Do các dự án điện gió đang thi công này phần lớn đều phải san gạt đồi núi để làm đường, dựng trụ tuabin. Đường vận chuyển thiết bị vào các trụ này hầu hết phải xẻ ngang cánh rừng hoặc băng qua khu dân cư nên đất có thể bị cuốn trôi hoặc sạt lở khi có mưa lũ, do vậy chính quyền huyện Hướng Hóa đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng do thi công điện gió gây ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Huyện Hướng Hóa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, chủ đầu tư thực hiện đúng theo cam kết bảo vệ môi trường của tỉnh phê duyệt. Đồng thời thường xuyên giám sát, nhắc nhở các đơn vị thi công đúng theo thiết kế, kỹ thuật để tránh tình trạng sạt lở, bồi lấp, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết.
Nhìn từ trên cao, các dự án điện gió không cách xa nhau, đồi núi bị san gạt khắp nơi. Và điều đáng nói là hiện các dự án điện gió đang thi công này chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường có chăng là đánh giá tác động môi trường riêng lẻ từng dự án. Như vậy là chưa đủ cơ sở để đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường từ các dự án điện gió. Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi ở vùng cao huyện Hướng Hóa đã chứng kiến không ít những vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong mùa mưa lũ năm trước khiến hàng chục người bị vùi lấp, tử vong. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết: “Chương trình hành động của Tỉnh ủy khẳng định, không đánh đổi môi trường để lấy các dự án. Do đó, chúng tôi cũng đã tích cực triển khai các biện pháp trước mắt. Trong đó, phát động các chủ đầu tư trồng 1 triệu cây xanh ven đường, những khu vực có nguy cơ tác động trực tiếp; ngoài ra, triển khai gia cố thêm các kè đá, taluy ở vị trí có nguy cơ sạt lở. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường tổng thể các dự án. Trên cơ sở đó để đưa ra những giải pháp, phương án bảo vệ môi trường lâu dài hơn”.
Để phát triển các dự án điện gió, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, theo chúng tôi trước hết ngành chức năng cần rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường đối với các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh những hậu quả có thể xảy ra, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích từ các dự án điện gió mang lại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)