Sau một thời gian chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, những ngày đầu năm mới 2024, tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy vào cuối tháng 3/2024.
Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị quy mô lớn nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), dọc tuyến đường bộ chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nối hai bờ đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 1.450 km. Đây là khu vực có điều kiện rất thuận lợi để hình thành một cảng biển với khoảng cách ngắn nhất, hấp dẫn hàng hóa từ khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia theo EWEC.
Năm 2019, Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, được xác định trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2020 định hướng đến năm 2030. Dự án có quy mô 685ha, gồm 10 bến theo 3 giai đoạn. Theo kế hoạch và phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 từ năm 2018- 2025 sẽ xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác 4 bến cảng, diện tích 133,67 ha, đến năm 2031 đưa vào khai thác 7 bến và đến năm 2036 là 10 bến.
Khu bến cảng Mỹ Thủy là công trình giao thông rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực, là “cửa ngõ” thông ra Biển Đông trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Đây là cảng biển nước sâu, có vị trí rất thuận lợi để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông-Tây có quy mô đảm bảo cho tàu 100.000 tấn cập bến.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phạm Ngọc Minh cho biết, đến nay, Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, nộp tiền trồng rừng thay thế, hoàn thành việc lập hồ sơ khai thác tận thu gỗ rừng trồng.
Công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và người dân đã đồng thuận diện tích 124,44/133,67ha (93,1%), tổng kinh phí giải phóng mặt bằng đã chi trả là 93,088 tỉ đồng. Ban đang nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị để hoàn thành các thủ tục liên quan việc giao khu vực biển, giải phóng mặt bằng, thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, khai thác gỗ rừng trồng, xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về nạo vét khu nước, vũng quay tàu, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án; vị trí để chất nạo vét.
Các thủ tục pháp lý cơ bản đã hoàn thiện. Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã xong. Việc giải phóng mặt bằng cũng đang được thực hiện, chỉ còn lại không nhiều mặt bằng cần xử lý. Chủ đầu tư và các đơn vị đang phấn đấu để có thể thi công dự án vào cuối tháng 3/2024 theo đúng kế hoạch”.
Đối với khu vực đổ chất nạo vét, trước đó, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan căn cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt để hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư triển khai thực hiện. Theo đó, với bãi tạm có diện tích 18,4ha nằm trong khu vực dự án cảng Mỹ Thủy đã được xác định trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường sẽ làm bãi trung chuyển chất nạo vét trong quá trình thi công dự án giai đoạn 1.
Các đơn vị cũng được giao xây dựng phương án thu hồi và xử lý cát nạo vét trong quá trình thi công. Đồng thời nghiên cứu lập quy hoạch các bãi chứa chất nạo vét để thi công toàn bộ dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và các cầu cảng trong khu vực, nhằm đảm bảo diện tích các bãi thải cho quá trình thi công hệ thống cảng biển trong Khu kinh tế Đông Nam.
Tỉnh cũng giao Sở Xây dựng rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về vật liệu xây dựng để tham mưu UBND tỉnh phương án sử dụng cát nạo vét nhiễm mặn làm vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp (ngoài đầu tư công) và các dự án đầu tư công theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhận định, hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên Hành lang kinh tế ĐôngTây qua cảng biển Quảng Trị và cảng biển khu vực miền Trung ngày một tăng cao, đặc biệt là vận chuyển than đá với khối lượng lớn từ tỉnh Sekông (Lào) qua các cửa khẩu Việt Nam đã trở thành vấn đề rất cấp thiết.
Đây là cơ hội lớn, là động lực thúc đẩy việc đầu tư xây dựng hoàn thành đưa Khu bến cảng Mỹ Thủy đi vào hoạt động. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc và có sự phối hợp đồng bộ của nhà đầu tư MTIP triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và công tác GPMB.
Nhà đầu tư đã có sự quyết tâm, đặt ra nhiều mốc thời gian, cam kết hoàn thành thủ tục đầu tư để tổ chức triển khai dự án...nên những khó khăn, vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, tỉnh hỗ trợ tối đa nhà đầu tư để triển khai thi công dự án chậm nhất vào cuối tháng 3/2024, quyết tâm quý IV/2025 có hai cầu cảng được đưa vào sử dụng.
Tương lai không xa, khi hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy và hệ thống giao thông kết nối thuận tiện như tuyến đường sắt xuyên Á kết nối Mỹ Thủy tới Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 15D kết nối đi Cửa khẩu quốc tế La Lay và trục đường bộ cao tốc Bắc- Nam sẽ rút ngắn được quãng đường vận tải trên biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương.
Đây chính là lợi thế giúp cảng Mỹ Thuỷ trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng không chỉ nhu cầu của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà còn có tiềm năng vươn tầm quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vùng và hàng quá cảnh sang các nước trong khu vực như Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)