Câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” của Quảng Trị là… năng lượng!

Lê Đức Dục |

Có những bài thơ gắn bó với một địa danh đến nỗi được xem như “bản giới thiệu kinh điển” về một vùng đất, thiết tha như một chân lý, nghĩ rất khó để thay đổi được. Vậy mà trước sự biến dịch của thời gian và sự phát triển của thời đại, có khi bài thơ kinh điển kia cần phải được thay đổi... 180 độ.

Tôi chợt nghĩ ra điều này khi trong một lần chạy từ Cửa Việt lên Đông Hà lúc bình minh, bỗng thấy trước mắt mình hiện lên những cột điện gió sáng trắng nổi bật lên từ Tây Trường Sơn. Vâng, chính xác là ngay tại vị trí cầu Bến Lội, đoạn vừa qua làng Mai Xá. Ánh sáng đầu ngày và bầu trời xanh trong veo đã khiến hình ảnh ấy hiện ra đẹp lộng lẫy và kiêu hãnh. Nó vừa mang bóng dáng của những chiếc chong chóng tuổi thơ vừa dường như nghe trong guồng quay cánh quạt hiên ngang giữa nắng gió kia bao nhiêu là háo hức và hy vọng. Và câu thơ của Chế Lan Viên bật ra trong tôi khi xe chạy qua làng An Xuân, nơi có ngôi nhà lưu niệm của thi sĩ vừa được khánh thành. Hình ảnh những cột điện gió từ tít tắp Trường Sơn đồng hiện cùng câu thơ của ông như một chớp lóe. Ừ nhỉ, cái câu thơ ông viết từ bảy mươi năm trước lột tả hết cái gian nan của mảnh đất đời người trong bài “Kết nạp Đảng trên quê Mẹ” mà mỗi lần nhắc đến Quảng Trị ai cũng nhớ: Ơi gió Lào ơi người đừng thổi nữa / Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ / Những đồi sim không đủ quả nuôi người / Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười...

“Thung lũng gió” ở Hướng Linh, Hướng Hóa không chỉ là Cánh đồng năng lượng mà còn là điểm du lịch thu hút du khách - Ảnh: Nông Văn Dân
“Thung lũng gió” ở Hướng Linh, Hướng Hóa không chỉ là Cánh đồng năng lượng mà còn là điểm du lịch thu hút du khách - Ảnh: Nông Văn Dân

Giả sử giờ mà những cơn gió Lào kia nghe theo lời đề nghị tha thiết của nhà thơ và không còn thổi qua Quảng Trị nữa hẳn ngân sách của miền đất được mệnh danh khó, nghèo này sẽ hao hụt không nhỏ.

Giờ đây, xuyên qua dọc dặm dài miền Tây Quảng Trị, sẽ thấy cả một đại công trường điện gió đang hoạt động, chạy đua với thời gian. Dễ nhận ra sinh khí của miền đất Hướng Hóa đang trở lại qua sự nhộn nhịp của phố huyện, qua những cung đường rầm rập tiếng xe, qua những mặt người phơi phới.

Hôm lên huyện miền núi này, tình cờ ghé thăm anh Nguyễn Đình Phục, Chánh văn phòng Huyện ủy Hướng Hóa vừa chuyển qua làm Chánh văn phòng UBND huyện, đang trò chuyện thì Chủ tịch UBND huyện Đặng Trọng Vân ghé vào. Câu chuyện bỗng chuyển chủ đề về năng lượng. Có sự phát triển nào mà không trả giá. Trong lĩnh vực năng lượng cái giá đó càng đắt gấp bội nếu không cân nhắc tính toán. Nhiệt điện than sẽ trả giá về môi trường không nhỏ, thủy điện ngỡ là năng lượng xanh nhưng sự hình thành các hồ chứa sẽ phải hủy hoại bao nhiêu là thung lũng rừng. Riêng điện gió, đó là nguồn năng lượng ít trả giá nhất cho sự phát triển. Và rồi từ chỗ những trận gió Lào ào ào như chiến mã vượt qua dải Trường Sơn thổi xác xơ bao nhiêu núi đồi, bao nhiêu bản làng, bao nhiêu phận người ấy bỗng sinh ra tiền ra bạc, hay nói nôm na là tạo nguồn năng lượng cho quốc gia và tạo nguồn thu cho ngân sách quê nhà! Gió Lào đang giúp miền đất này đẻ ra tiền từ… gió, vậy nên giả sử như nếu gió nghe tiếng kêu than thống thiết của thi sĩ mà ngưng thổi thì kết quả thế nào ai cũng hiểu! Tất nhiên đó chỉ là một giả thiết vui và mơ mộng, còn thì ở một tầm mức khác, câu chuyện này mang ý nghĩa như một thông điệp giàu triết lý: “Phải chuyển bất lợi thành lợi thế”. Đó không còn là chuyện cụ thể mà đã trở thành một triết lý phát triển cho vùng đất lâu nay chỉ được nhắc đến trong các ví dụ về nghèo khó.

Ba tháng trước đây, ngày 12/3/2021 tại Hội nghị thúc đẩy phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với sự có mặt của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã đưa ra những con số đầy lạc quan về Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và của quốc gia trong tương lai không xa. Thế mà hôm nay, khi tôi ngồi viết bài này vào thời điểm cuối tháng 5/2021, con số ấy đã tăng… vọt. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: “Đến nay, đã có 84 dự án điện gió được đề xuất với tổng quy mô công suất khoảng 4.030,85 MW, trong đó: có 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW; 53 dự án với tổng công suất 2.853,65 MW đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, có 8 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620 MW. Với các dự án đã được quy hoạch và đã đề xuất bổ sung quy hoạch, trong thời gian tới Quảng Trị phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với quy mô công suất khoảng từ 13.000 - 15.000 MW. Đến năm 2025 Quảng Trị phấn đấu đạt quy mô công suất phát điện khoảng 4.000 MW, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 MW”.

Hành lang điện gió miền tây Hướng Hóa sẽ kết nối song hành với một vùng duyên hải với các dự án năng lượng, đặc biệt là nhà máy điện khí LNG tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thực sự mở ra những hứa hẹn cho vùng đất đã chịu quá nhiều đau thương mất mát trong hai cuộc kháng chiến.

Năm trước, một anh bạn “thạo tin” từ Hà Nội đã nhắn cho tôi: “Chúc mừng Quảng Trị”. Sau dòng tin nhắn ấy là một cuộc điện thoại khá dài nói về việc Gazprom sẽ đầu tư vào mỏ khí Báo Vàng.

Tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc giao Công ty Gazprom EP Internatiional B.V (là công ty con của Tập đoàn Gazprom - Liên bang Nga) làm chủ đầu tư Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị với công suất 340 MW, sử dụng từ mỏ Báo Vàng như đề nghị của Bộ Công Thương và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công ty Gazprom đã thăm dò trữ lượng khí tại hai mỏ Báo Vàng, Báo Đen. Kết quả thăm dò cho thấy, tổng trữ lượng là 57,88 tỷ m3. Trên cơ sở đó, Gazprom đã quyết định đầu tư dự án trị giá 1,321 tỷ USD bằng việc xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu vào đất liền lấy từ các lô 111-113, với sản lượng khí khai thác 500 triệu m3/năm. Tuy nhiên sau đó, do chi phí đầu tư khá cao nên Gazprom quyết định chuyển hướng sang xây dựng một nhà máy điện để chuyển từ bán khí sang bán điện. Nhà máy điện lấy khí từ mỏ Báo Vàng này có công suất 340 MW, thời gian khai thác 14 năm. Cùng với niềm hy vọng từ Báo Vàng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam từ một năm trước đã có thông tin chính thức về việc phát hiện dầu khí tại Lô 114 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam: mỏ Kèn Bầu được đánh giá có trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí. Và thông tin tích cực cho Quảng Trị là mỏ này nằm gần đất liền Quảng Trị nhất với khoảng cách 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ước tính có từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate (khí hóa lỏng). Tính đến thời điểm này, đây là phát hiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam.

Giếng KB-2X tại lô 114 mỏ Kèn Bầu (tư liệu của PVN)
Giếng KB-2X tại lô 114 mỏ Kèn Bầu (tư liệu của PVN)

Dĩ nhiên với khoảng cách từ các mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu như thế, để “kết duyên” được cũng cần những bước đi năng động, sáng tạo của Quảng Trị so với các địa phương anh em.

Tôi còn nhớ cảm giác vui mừng của mình vào tối 25/1/2021, chỉ sau vài tiếng đồng hồ được ký, chúng tôi đã nhận được văn bản số 17/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG (Liquefied Natural Gas - khí thiên nhiên hóa lỏng) ở Hải Lăng, Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Quảng Trị đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhằm góp phần đưa mảnh đất nằm giữa khúc ruột miền Trung đầy nắng và gió này trở thành tỉnh nằm trong top 30 tỉnh, thành của cả nước vào năm 2030.

Có thể nói chưa bao giờ Quảng Trị lại có chương trình phát triển năng lượng lớn như hiện nay. Giấc mơ về một trung tâm năng lượng của miền Trung và của Việt Nam đang đến với vùng đất khắc nghiệt nắng gió này. Và cùng với những dự án như đã kể, thông báo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án trung tâm điện khí Hải Lăng Quảng Trị đã tạo ra một động lực mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho Quảng Trị vươn lên với vai trò một trung tâm năng lượng hàng đầu. Cũng theo thông báo này, dự án điện khí LNG sẽ được xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam, quy mô công suất 4.500 MW, phân kì giai đoạn 1 công suất 1.500 MW và giai đoạn tiếp theo công suất 3.000 MW. Thông báo cũng nêu rõ: “Nguồn khí cung cấp cho các giai đoạn ngắn và dài hạn có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị (Kèn Bầu lô 114 và Báo Vàng lô 113)”.

Từ bao nhiêu năm nay, Quảng Trị đã cố gắng tìm một lối đi có tính đột phá, tạo nguồn lực phát triển kinh tế tỉnh nhà, tuy nhiên những tìm tòi phát triển đó chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Và với hai trục năng lượng chạy dọc ở tây và đông như đã kể, rõ ràng câu chuyện năng lượng của Quảng Trị hôm nay chính là câu chuyện của câu thần chú “Vừng ơi mở ra” trong cổ tích.

Nhưng từ câu thần chú “Năng lượng”, chúng ta tin Quảng Trị chắc chắn sẽ còn thêm nhiều câu thần chú khác để mở cửa những kho báu tiềm năng của mình. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, trong lần trả lời báo chí gần đây đã nói rằng để Quảng Trị phát triển, việc khó nhất là thay đổi cách tư duy: “Đừng bao giờ nghĩ mình nghèo, mình khó, vì nghĩ như vậy sẽ mất ý chí, mất đi hoài bão và năng lượng. Phải nghĩ rằng Quảng Trị là một tỉnh đang phát triển và vươn lên. Tất cả chúng ta cần quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ ấy” (báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tháng 5/2021).

Trở lại với câu thơ Ơi gió Lào ơi người đừng thổi nữa của nhà thơ Chế Lan Viên. Cái câu thơ như một mặc định rằng quê nhà chúng ta luôn khó nghèo gian khổ ấy giờ đây đã được thực tế cuộc sống chứng minh ngược lại. Ngọn gió bỏng rát thổi nghèo xứ sở ấy, giờ đây sẽ là ngọn gió sinh ra năng lượng để đóng góp cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế xã hội, làm cho đời sống người dân ngày một no ấm hơn.

Vậy thì những mặc định về một miền quê nghèo cũng cần được lật lại vấn đề như thực tế đã lật lại câu thơ của Chế Lan Viên. Câu thần chú lớn nhất của miền đất Quảng Trị hôm nay chính là chúng ta luôn tự tin về “lối đi ngay dưới chân mình”!

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Quảng Trị: Tránh gây thiệt hại cho người dân khi triển khai các dự án điện gió

Nguyên Lý |

Trong hai ngày 15-16/7, tại thành phố Đông Hà, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kỳ họp thứ 3, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.

Chưa xong thủ tục thuê đất, dự án điện gió ở Quảng Trị đã ồ ạt thi công

Hưng Thơ |

Không ít dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị đang thi công xây dựng công trình trên diện tích đất chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, vi phạm quy định của Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ.

Quảng Trị: Cần đánh giá tác động môi trường tổng thế các dự án điện gió

Nguyễn Loan – Thanh Châu |

Ngày 5/7, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị chủ trì buổi làm việc của BTV Tỉnh ủy nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn. 

Hạ tầng truyền tải điện sẵn sàng cho các nhà máy điện gió vận hành

Mỹ Lộc |

Vào lúc 4h30 phút, ngày 30/6, Ban QLDA các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu đóng điện công trình máy biến áp AT2 (220kV-250MVA) TBA 220kV Lao Bảo thuộc dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị).