Chống tảo hôn bằng công nghệ số

Tây Long |

Hiện nay, ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Để không còn những lời ru buồn, thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã đưa công nghệ số vào phòng chống tảo hôn thông qua nền tảng trực tuyến “Em vui”. Nhận thấy đây là cách làm hay, Tỉnh đoàn và các địa phương, đơn vị liên quan đã nỗ lực phối hợp đưa “Em vui” đến với thanh thiếu nhi.

Đến xã Húc, huyện Hướng Hóa, không khó để bắt gặp các em nhỏ say sưa xem những video clip, đọc truyện tranh online về chủ đề phòng chống tảo hôn trên nền tảng trực tuyến “Em vui”. Nhìn hình ảnh ấy, thầy giáo Lê Đức Anh, giáo viên tổng phụ trách đội Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc, một trong những người góp sức đưa “Em vui” đến với học sinh địa phương rất mừng. Cách đây khoảng 1 năm, khi được giới thiệu về nền tảng trực tuyến “Em vui”, thầy Đức Anh đặt nhiều hy vọng. Sinh ra, lớn lên ở miền núi, thầy từng thấy rất nhiều “đám cưới trẻ con”. Phía sau cuộc hôn nhân của các cô, cậu bé ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới là không ít nước mắt. Vì thế, thầy Đức Anh muốn góp sức phòng chống tảo hôn dẫu biết đẩy lùi hủ tục này không hề dễ. Thầy Lê Đức Anh kể: “Sau khi biết về “Em vui”, tôi đã chia sẻ ngay cho học sinh. Đúng như tôi dự đoán, các em đều rất thích. Qua theo dõi những thước phim, câu chuyện và tham gia thi dưới hình thức “tích điểm nhận quà”, các em đã hiểu cần nói không với tảo hôn”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Xuân Khánh trao tặng điện thoại thông minh cho học sinh vùng cao - Ảnh: T.L
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Xuân Khánh trao tặng điện thoại thông minh cho học sinh vùng cao - Ảnh: T.L

Tại xã Tà Long, huyện Đakrông, những ứng dụng thú vị trên nền tảng trực tuyến “Em vui” cũng đã và đang trở thành món ăn tinh thần của thanh, thiếu niên địa phương. Sau khi đăng ký làm thành viên của “Em vui”, nhiều bạn nhỏ đã ngay lập tức tham gia chương trình “tích điểm nhận quà”. Nhờ học mà chơi, chơi mà học, các em đã hiểu sâu sắc hệ lụy của tảo hôn. Nhận thấy sự hữu ích của nền tảng trực tuyến “Em vui”, nhiều phụ huynh ở xã Tà Long đã tạo điều kiện cho con em mình tiếp cận. “Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại nhường chiếc điện thoại của mình cho con trai truy cập nền tảng trực tuyến “Em vui”. Ngoài ra, tôi khuyến khích cháu giới thiệu cho các bạn khác. Tôi tin, thông qua “Em vui”, con trai tôi và các bạn sẽ hiểu sâu sắc hệ lụy của tảo hôn, từ đó chung tay đẩy lùi hủ tục”, chị Hồ Thị Thương, một người dân xã Tà Long chia sẻ.

Từng cùng cán bộ dự án đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông để giới thiệu “Em vui” và tặng điện thoại thông minh để thanh thiếu niên thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Xuân Khánh rất phấn khởi trước những tín hiệu tích cực ban đầu. Gắn bó với công tác đoàn, phong trào thanh niên, anh Khánh rất trăn trở trước thực trạng tảo hôn. Cùng với các cấp, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã có nhiều hoạt động chung tay phòng, chống tảo hôn. Tuy nhiên, anh Khánh biết rất khó xóa bỏ một hủ tục đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Nếu chỉ hô hào, vận động suông thì chắc chắn tình trạng tảo hôn vẫn cứ tiếp diễn. “Khi nhận được lời mời hợp tác triển khai nền tảng trực tuyến “Em vui”, chúng tôi đã nhanh chóng nghiên cứu, tìm hiểu và thấy đây là giải pháp hay để đẩy lùi tảo hôn. Vì thế, chúng tôi đã ngay lập tức vào cuộc”, anh Khánh cho biết.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Xuân Khánh, nền tảng trực tuyến “Em vui” là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ. Dự án được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức Plan International tại Việt Nam, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác thực hiện. Dự án EMPoWR được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang và Lai Châu. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu các kiến thức về phòng chống tảo hôn, mua bán người; giúp các em tiếp cận với những dịch vụ hỗ trợ; tạo cơ hội để thanh thiếu nhi đóng góp ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách… “Tại Quảng Trị, Dự án EMPoWR được triển khai tại 15 xã thuộc địa bàn 2 huyện: Hướng Hóa và Đakrông. Dự kiến có khoảng 2.000 trẻ em tại các xã dự án được hưởng lợi trực tiếp”, anh Khánh thông tin.

Ngay sau khi tiếp cận dự án, Tỉnh đoàn đã nhanh chóng phối hợp với Tổ chức Plan International tại Quảng Trị cùng các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học nhanh chóng trao đổi, thảo luận, bàn giải pháp và triển khai hoạt động đưa “Em vui” vào cuộc sống. Các buổi hội thảo, hoạt động giới thiệu nền tảng trực tuyến “Em vui” được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ xã, đoàn, hội, giáo viên, tổng phụ trách đội… Qua đó, thông tin về “Em vui” nhanh chóng được lan tỏa rộng rãi. Sau khi về địa phương, đơn vị, trường học của mình, bằng nhiều cách, các cán bộ xã, đoàn, hội, giáo viên, tổng phụ trách đội… đã giới thiệu nền tảng trực tuyến “Em vui” cho thanh thiếu niên vùng cao.

Trong nỗ lực phòng chống tảo hôn bằng công nghệ số, điều đáng ghi nhận là Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện hơn nữa nền tảng trực tuyến này. Cùng với đó, các khó khăn, vướng mắc trong việc đưa “Em vui” đến với thanh thiếu niên vùng cao sớm được ghi nhận, quan tâm, giải quyết. Đơn cử như khi biết các em nhỏ vùng cao gặp khó khăn trong tiếp cận với các phương tiện hiện đại để cài đặt, sử dụng nền tảng trực tuyến “Em vui”, Dự án EMPoWR đã vận động Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ 1.000 máy điện thoại thông minh Vinsmart Star5 cho thanh, thiếu niên vùng cao. Trong mỗi máy đều có sim để các em có thể kết nối internet miễn phí. Nhờ thế, bài toán tiếp cận “Em vui” được giải quyết phần nào.

Với sự nỗ lực của các tổ chức, đơn vị, đoàn thể, địa phương, việc chung tay phòng chống tảo hôn bằng công nghệ số đã bước đầu mang lại kết quả đáng mừng. Nền tảng trực tuyến “Em vui” giờ không còn xa lạ với nhiều người dân trên địa bàn. Ngày càng nhiều trẻ em trong và ngoài vùng dự án xem “Em vui” là món ăn tinh thần. Qua đọc tài liệu, theo dõi các bộ phim, xem truyện tranh online, tham gia các chương trình “tích điểm nhận quà”…, nhận thức của các em về tảo hôn được nâng cao. Em Hồ Thị Hằng, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc chia sẻ: “Em rất vui khi trở thành thành viên của nền tảng trực tuyến “Em vui”. Nhờ “Em vui” mà em biết phải làm như thế nào nếu mình và bạn bè bị buộc phải kết hôn sớm. Em sẽ giới thiệu “Em vui” cho các bạn khác”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị

Nhơn Bốn |

Ngày 27/4, tại TP. Đông Hà, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam tổ chức lễ tổng kết hoạt động “Về nguồn” và trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022)”. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự lễ.

Tập trung giám sát thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trần Cát Linh |

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy làm suy giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trên cả nước. Để hạn chế tình trạng này và tiến tới giải quyết dứt điểm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên phạm vi cả nước, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Sau gần 7 năm thực hiện đề án, tỉnh Quảng Trị đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tảo hôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện vẫn còn xảy ra, làm suy giảm chất lượng giống nòi, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của địa phương. Vì vậy, huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn.

Cần xử phạt nghiêm để răn đe tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa

Thanh Trúc |

Những năm qua, mặc dù chính quyền huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hôn nhân gia đình nói chung, pháp luật về trẻ em nói riêng nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn xảy ra khá nhiều.