Tập trung giám sát thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trần Cát Linh |

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy làm suy giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trên cả nước. Để hạn chế tình trạng này và tiến tới giải quyết dứt điểm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên phạm vi cả nước, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Sau gần 7 năm thực hiện đề án, tỉnh Quảng Trị đạt những kết quả đáng ghi nhận.


Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, người dân có đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số hủ tục vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống của người dân và sự phát triển KT - XH của địa phương.

Theo số liệu thống kê của huyện Đakrông giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện có 484 cặp tảo hôn chiếm tỉ lệ 20,96%, trong đó có 81,5% là nữ giới; 81 cặp tảo hôn cả vợ và chồng; 9 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm 0,4% so với cặp kết hôn. Huyện Hướng Hóa năm 2021 có 122 cặp tảo hôn (trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 30,27% so với tổng số cặp kết hôn. Có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng tảo hôn còn phổ biến là do: Tâm lý muốn lấy vợ, chồng sớm; tục ép hôn theo kiểu gả bán; một số gia đình muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động; tình trạng nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến nhiều vị thành niên có quan hệ tình dục sớm buộc phải “cưới chạy”. Mặt khác, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chưa đúng mức về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, về tác hại của nạn tảo hôn cho người dân; chưa có xử phạt hoặc xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm...

Cán bộ cơ sở ở Hướng Hóa về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn - Ảnh: T.C.L
Cán bộ cơ sở ở Hướng Hóa về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn - Ảnh: T.C.L

Trước thực trạng trên và để đạt được mục tiêu mà đề án đề ra là nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2025; giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; được sự chỉ đạo thực hiện của các ban, ngành cấp tỉnh, 2 huyện miền núi của tỉnh đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025.

Ở cấp tỉnh đã tập trung biên soạn cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số. Các địa phương cũng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động để thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, các hình thức truyền thông như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được các huyện chú trọng thực hiện.

Bên cạnh đó, các huyện còn tăng cường tư vấn, can thiệp, nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm phù hợp từ các tỉnh để người dân thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn ngừa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối với các bộ phận làm công tác dân tộc tham gia thực hiện đề án cũng được thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Trong công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Quá trình thực hiện đề án, ở một số nơi thực hiện lồng ghép với các dự án khác nhằm huy động thêm nguồn lực để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Phó chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện đề án nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trên địa bàn huyện và sự hỗ trợ của tỉnh nên công tác giảm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đạt những kết quả đáng ghi nhận. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình với 206 cuộc tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 644 lượt người, thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn không tảo hôn; qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để đánh giá sát đúng tình hình thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát để có sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc giám sát việc thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Đakrông.

Qua giám sát, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là Luật Hôn nhân Gia đình, phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, nhà trường vận động theo hướng đổi mới sát với thực tế nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn ở các địa phương. Thời gian tới cần tăng cường kiểm tra giám sát, đồng thời quan tâm, xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xót thương hoàn cảnh của một gia đình

Nam Phương |

Tại bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị), nhiều người không khỏi xót thương khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Côi (sinh năm 1953). Bà luôn phải chật vật lo nghĩ từng bữa ăn, lại thường xuyên bị bệnh tật dày vò.

Trân quý từng phút giây bên gia đình

Tây Long |

Đối với mọi người, gia đình là hai tiếng thiêng liêng, gần gũi bởi ai cũng mơ về một ngôi nhà ấm êm và hạnh phúc. Trước thềm xuân mới, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với gia đình anh NGUYỄN HỮU HOÀNG và chị TÔ THỊ TƯỜNG VY, 1 trong 20 điển hình toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lựa chọn, trao tặng danh hiệu “Gia đình trẻ tiêu biểu”.

Từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tảo hôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện vẫn còn xảy ra, làm suy giảm chất lượng giống nòi, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của địa phương. Vì vậy, huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn.

Cần xử phạt nghiêm để răn đe tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa

Thanh Trúc |

Những năm qua, mặc dù chính quyền huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hôn nhân gia đình nói chung, pháp luật về trẻ em nói riêng nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn xảy ra khá nhiều.