Chung sức gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác

Lê An |

Nhằm cùng với cả nước nhanh chóng khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Những chuyển biến tích cực

Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi, ngay từ sáng sớm ngư dân Bùi Đình Hưng, thuyền trưởng tàu cá vỏ thép số hiệu QT 91366TS công suất 829 CV làm nghề lưới vây và chụp mực đã có mặt tại Văn phòng kiểm soát nghề cá cảng cá Cửa Việt để làm thủ tục xuất bến. Chuyến biển lần này ông và 10 bạn thuyền dự kiến sẽ vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trong thời gian từ 15 - 20 ngày.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hưng cho biết, sau khi được cán bộ Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, ông đã hiểu được những tác động do “thẻ vàng” của EC đối với hiệu quả khai thác, đời sống của ngư dân và tự giác chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU. Cụ thể, đối với tàu cá của mình, ông đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định và bật liên tục trong quá trình hoạt động trên biển; luôn đánh bắt đúng ngư trường theo giấy phép khai thác đã được cấp; không vượt ranh giới ra khai thác ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện việc ghi nộp nhật ký khai thác theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng; thông báo trước 1 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi ra, vào cảng…

Lực lượng chức năng kiểm tra việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU đối với tàu cá đang hoạt động trên biển - Ảnh: L.A
Lực lượng chức năng kiểm tra việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU đối với tàu cá đang hoạt động trên biển - Ảnh: L.A

“Đến nay đa số ngư dân chúng tôi đều nắm bắt đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU và tự giác thực hiện. Chúng tôi xác định nếu vì lợi ích cá nhân mà vi phạm các quy định, trước tiên sẽ bị xử phạt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và đời sống của ngư dân”, ông Hưng khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Hưng, ngư dân lão luyện Hồ Văn Hoàn, chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QT 90129TS phấn khởi cho hay, tàu cá của ông được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, thường xuyên hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ bằng nghề lưới rê, vây. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thường kéo dài từ 15 - 20 ngày. Mặc dù thường xuyên đánh bắt ở vùng biển xa nhưng ông luôn tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU. Ông Hoàn dẫn chứng, với thiết bị GSHT tàu cá thì trong quá trình hoạt động trên biển các cơ quan chức năng đều nắm được hành trình của tàu và sẵn sàng trợ giúp khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, ông còn được các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua bảo hiểm tàu cá.

“Đến nay hầu hết ngư dân chúng tôi đều tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU nhằm cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng”. Có như vậy nghề khai thác thủy sản của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung mới phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Sản phẩm của ngư dân làm ra mới có thể xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hoàn cho hay.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 2.440 tàu thuyền các loại với tổng công suất 136.900 CV. Trong đó, tàu cá có chiều dài dưới 6m là 1.602 chiếc, từ 6m trở lên là 841 chiếc. Các nghề khai thác chính bao gồm lưới vây, lưới rê, chụp, pha xúc cá cơm, câu, mành… với gần 6.900 lao động làm việc trên các tàu cá. Nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, thời gian qua, cơ quan chức năng và các địa phương ven biển đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong việc chống khai thác IUU. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua hệ thống giám sát tàu cá được thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam thông tin, đến nay hầu hết tàu cá của ngư dân đã chấp hành nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU như thông báo trước 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá trước khi rời cảng, cập cảng; kiểm tra tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác và rời cảng đi khai thác, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; ghi, nộp nhật ký khai thác đầy đủ; thực hiện công tác xác nhận, chứng thực tàu cập và rời cảng ở sổ danh bạ thuyền viên; bật, duy trì hoạt động thiết bị GSHT trước khi rời cảng và trong thời gian hoạt động trên biển.

Đối với việc lắp đặt thiết bị GSHT, toàn tỉnh đã có 177 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định, đạt tỉ lệ 75,4%. Số tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT là 57 chiếc. Trong đó có 50 tàu cá chưa lắp đặt do đặc thù của tàu cá Quảng Trị vướng các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 nên đang thực hiện thủ tục cải hoán tàu cá có chiều dài xuống dưới 15m hoạt động tại vùng lộng đúng quy định; có 7 tàu cá do chủ tàu điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn nên chưa lắp đặt thiết bị GSHT.

“Sau khi 50 tàu cá hoàn thành thủ tục cải hoán chiều dài xuống dưới 15m và cấp phép hoạt động tại vùng lộng, tỉ lệ lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá toàn tỉnh sẽ đạt trên 95%”, ông Nam cho biết thêm.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế, cần sự vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp của các đơn vị, địa phương liên quan, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngư dân và các cơ quan chức năng.

Theo đó, từ đầu năm đến nay Chi cục Thủy sản đã thông báo 12 lượt tàu cá mất kết nối GSHT trên biển. Trong đó, có 10 tàu cá từ 15m đến dưới 24m và 2 tàu cá từ 24m trở lên. Nguyên nhân là do các tàu mất kết nối do chưa biết kiểm tra thường xuyên tín hiệu, không phát hiện được tín hiệu hay dấu hiệu mất kết nối trên thiết bị và hay bị tụt nguồn điện (do bình ắc quy hoạt động thường xuyên dài ngày nhanh hỏng).

Ngay khi phát hiện các tàu mất kết nối trên hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản đã thông báo đến các chủ tàu, thuyền trưởng, đồng thời có văn bản thông báo đến UBND các huyện, xã, thị trấn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng ven biển, Ban quản lý cảng cá, các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT để phối hợp thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng được biết, yêu cầu kiểm tra kết nối thiết bị hoạt động 24/24 giờ. Thuyền trưởng đã kiểm tra và khắc phục cho thiết bị hoạt động trở lại.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 15 tàu cá đánh bắt, khai thác thủy sản trên vùng sông, biển, cảng cá... tỉnh Quảng Trị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có 8 tàu cá vi phạm các quy định chống khai thác IUU gồm 3 trường hợp thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên; 2 trường hợp thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân; 2 trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản và 1 trường hợp tàu cá không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng cá. Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính toàn bộ 8 tàu cá vi phạm với tổng số tiền 13,8 triệu đồng.

Đặc biệt, qua kiểm tra tại cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt, tại thời điểm kiểm tra ông Võ Văn Thức là chủ cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt chỉ xuất trình được Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 23/2/2022 của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh về việc công bố mở cảng cá loại 3. Không có Quyết định thành lập tổ chức quản lý cảng cá; không ban hành nội quy của cảng cá và thông báo công khai tại cảng; không thực hiện giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá của cảng cá loại 3 theo đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND huyện Gio Linh xem xét lại trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 494/ QĐ-UBND ngày 23/02/2022 của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh về việc công bố mở cảng cá và cần thiết phải thu hồi Quyết định vì trong nội dung Quyết định chưa ghi rõ tên cảng cá; chưa có cá nhân hoặc tổ chức quản lý cảng cá; chưa ghi rõ vị trí tọa độ cảng cá; chưa rõ căn cứ quy hoạch hệ thống cảng cá theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU trên các vùng biển và tại các cảng cá, nhất là với các hành vi như không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong thời gian hoạt động trên biển; tuyệt đối không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT, tàu tắt thiết bị GSHT xuất bến đi khai thác thủy sản. Rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, các địa bàn trọng điểm… đã vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, nhất là vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải hoán 50 tàu cá có chiều dài xuống dưới 15m và cấp giấy phép khai thác hoạt động ở vùng lộng đúng quy định; đồng thời, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện lắp đặt thiết bị GSHT các tàu cá còn lại. Tổ chức triển khai đúng quy định về công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản đúng theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm công tác xác nhận thay đổi thuyền viên và chứng thực tàu cá cập, rời cảng trong sổ danh bạ thuyền viên đúng quy định.

“Thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU cũng là cơ hội để thực hiện tốt tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm; giảm dần đội tàu khai thác ven bờ, hướng đến khai thác xa bờ; khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Vinh nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 48% kế hoạch

Lê An |

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Quảng Trị, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình khai thác thủy sản trên biển của ngư dân. 

Lời kể của người trong cuộc vụ tàu cá Quảng Nam đâm chìm tàu thu mua thủy sản Quảng Trị

Trần Tuyền |

Sáng nay 27/5, phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp trực tiếp để nghe lời kể của anh Lê Văn Cường (sinh năm 1977) chủ tàu cá QT – 94466 TS cứu thành công 6 thuyền viên tàu QT – 91588 TS bị đâm chìm tại vùng biển đảo Cồn Cỏ và ông Trần Công Tăng (sinh năm 1975), chủ tàu cá mang số hiệu QNa 90299 TS đã đâm chìm tàu thu mua thủy sản.

Ngư dân vẫn đánh bắt thủy sản bình thường trong vùng biển Việt Nam

Lê An |

Trước việc Trung Quốc đơn phương thực hiện thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 1/5 - 16/8/2022, ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn tự tin vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt thủy sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thả hơn 20.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Lê An |

Nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4 (1959 - 2022), ngày 30/3, tại hồ công viên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND thị trấn Lao Bảo tổ chức thả gần 10.000 con cá giống các loại gồm cá trắm, cá mè, cá chép và cá trê để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi và các quy định về khai thác thủy sản.