Chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa ở Hà Lệt

Minh Long |

Hà Lệt là thôn duy nhất của xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 100% dân số là người dân tộc Vân Kiều. Những năm qua, bà con nơi đây luôn đoàn kết trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT - XH ở vùng biên giới.

Nhiều năm qua, các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống được người dân Hà Lệt giữ gìn và phát huy, nhất là lễ hội được tổ chức hằng năm như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng. Qua đó, tạo không gian làm sống lại những nét văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều, bởi tại các lễ hội này, bà con trong thôn có dịp mặc trang phục và nấu các món ăn truyền thống, biểu diễn các loại nhạc cụ và các làn điệu dân ca quê hương.

Người dân thôn Hà Lệt luôn đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Vân Kiều - Ảnh: M.L
Người dân thôn Hà Lệt luôn đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Vân Kiều - Ảnh: M.L

Hiện nay, thôn Hà Lệt có 81/138 hộ còn lưu giữ nghề truyền thống, trong đó nổi bật nhất là nghề đan lát và nấu rượu bằng men lá rừng; trên 30 người biết chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ và hát làn điệu dân ca; 22 người biết chế tác các loại dụng cụ thể thao truyền thống. Thôn còn lưu giữ bộ cồng chiêng và một số nhạc cụ khác như: Tù và, thanh la, khèn, sáo, trống… được trưng bày tại nhà của già làng. Đội cồng chiêng của thôn có thể biểu diễn chuyên nghiệp theo truyền thống của người Vân Kiều, thường được lựa chọn tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội các cấp.

Ngoài ra, các phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông như: Cúng rừng, cưới, hỏi, ma chay… vẫn còn được lưu giữ ở cộng đồng Hà Lệt. Lễ vật dâng cúng thường là sản vật của địa phương như: Bò, lợn, gà, lúa nếp, lúa gạo. Một số nghi lễ rườm rà có phần được lược bỏ, riêng phần tinh túy cơ bản vẫn được người dân Hà Lệt giữ nguyên, hướng sự tin tưởng, tôn nghiêm của dân tộc mình đến thần linh, trời đất, ông bà tổ tiên.

Đan lát vốn là một nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Vân Kiều. Theo dòng thời gian và nhu cầu của đời sống hiện đại, các vật dụng từ nghề truyền thống này đã dần được thay thế bằng sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, ở Hà Lệt, nghề đan lát vẫn được duy trì và phát triển tốt. Gần 100% hộ gia đình ở Hà Lệt hiện vẫn còn lưu giữ nghề và thường xuyên đan lát. Bà con nơi đây luôn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cách đan lát, tìm kiếm mẫu đan các loại vật dụng phong phú nên sản phẩm từ đan lát ở đây có mẫu mã đẹp, chất lượng bền, đặc biệt là sản phẩm chổi đót ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Nhờ đó, đan lát dần không còn là nghề phụ lúc nông nhàn như trước nữa mà trở thành nghề chính, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn. Chính quyền địa phương cũng định hướng xây dựng mô hình làng nghề truyền thống tại Hà Lệt trong thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ bà con phát huy nghề truyền thống này.

Trưởng thôn Hà Lệt Hồ Năng vui vẻ cho biết: “Nhiều năm qua, thôn luôn khuyến khích và được người dân đồng tình việc sử dụng và tự đan các vật dụng sinh hoạt hằng ngày bằng mây tre, đót như: Gùi, mâm cơm, típ đựng cơm, đơm cá, chổi đót… Nhờ vậy, nghề đan lát được bà con lưu giữ tốt, bất kể già, trẻ, gái, trai trong thôn đều biết đan các loại vật dụng trong nhà. Đặc biệt, nhờ làm được sản phẩm đẹp, nhiều hộ có khách hàng tìm đến đặt hàng nên có thêm thu nhập, cải thiện đời sống”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc chính là giữ gìn linh hồn, giữ gìn phần tinh túy nhất của cộng đồng, thôn Hà Lệt rất tích cực trong việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa. Đặc biệt, thôn tranh thủ uy tín của các thế hệ già làng, trưởng bản và người có uy tín để giáo dục con cháu trong bản phải có tinh thần trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn văn hóa. Gắn nhiệm vụ bảo tồn văn hóa với nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Không ngừng xây dựng và thúc đẩy hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ thế, bản sắc văn hóa của người Vân Kiều ở Hà Lệt được giữ gìn tốt và ngày càng phát huy.

Anh Hồ Năng cho biết thêm: “Nguyện vọng của thôn Hà Lệt là bảo tồn bền vững giá trị văn hóa của dân tộc mình, không chỉ để tự hào về truyền thống của cha ông mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bảo tồn của thôn còn gặp nhiều khó khăn như: Việc truyền nghề, dạy chơi nhạc cụ và làn điệu dân ca cho thế hệ sau chưa thực hiện được nên rất dễ bị mai một. Nhạc cụ truyền thống còn ít nên khó tổ chức lễ hội, làng nghề còn mang tính tự phát. Vì thế, chúng tôi rất mong được các cấp có giải pháp hỗ trợ để thôn Hà Lệt có điều kiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng”.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành Võ Trần Ngọc Bình cho biết: “Thực tế, văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Cồng chiêng của người dân tộc thiểu số ở thôn Hà Lệt đang có nguy cơ bị mai một do tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Đứng trước tình hình này, đầu năm 2020, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều ở thôn Hà Lệt nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa (di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống...), góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nói riêng và phát triển KT - XH nói chung ở huyện. Hiện nay, nguồn kinh phí để phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương còn khó khăn. Vì vậy, xã rất mong cấp trên có chính sách đặc thù thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Quy hoạch và kiến trúc đô thị Đông Hà: Cần có đặc trưng, bản sắc và hiện đại

Lê Minh |

So với các đô thị khác trên cả nước, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) là đô thị trẻ có nhiều tiềm năng phát triển không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, để đô thị Đông Hà phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng, công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị có ý vai trò quyết định. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Trị Bùi Đức Huy và kiến trúc sư Hoàng Kim Long  -Giám đốc Công ty cổ phần Trường Hải.

Cô giáo tâm huyết bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Vân Kiều

Minh Long |

Sinh ra, lớn lên ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nên cô giáo Lê Thiên Lý, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều. Cô Lý còn lồng ghép đưa nội dung này vào tiết văn học hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa để truyền đạt cho học sinh. Việc làm của cô góp phần đổi mới phương pháp dạy học, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới

Ngô Thảo |

Chủ trương xây dựng NTM là rất hợp lòng dân, là đáp ứng nguyện vọng của nhiều thế hệ.

Nhân rộng mô hình phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới

MĐ |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành Quyết định số 2754/QĐ-BVHTTDL tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới.