So với các đô thị khác trên cả nước, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) là đô thị trẻ có nhiều tiềm năng phát triển không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, để đô thị Đông Hà phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng, công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị có ý vai trò quyết định. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Trị Bùi Đức Huy và kiến trúc sư Hoàng Kim Long -Giám đốc Công ty cổ phần Trường Hải.
- Xin phép hỏi kiến trúc sư (KTS) Hoàng Kim Long, ông đánh giá như thế nào về thực trạng quy hoạch và quản lý đô thị của thành phố Đông Hà?
- Để đánh giá về thực trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố Đông Hà cần nghiên cứu một cách khoa học, gắn với thực tiễn phát triển thành phố. Ở góc độ một người làm công tác tư vấn cũng là công dân thành phố, tôi được biết, thành phố Đông Hà đã lập đồ án quy hoạch chung xây dựng tại Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh Quảng Trị, thời điểm này Đông Hà còn là thị xã. Thành phố Đông Hà đã triển khai đồ án quy hoạch phân khu các phường và triển khai một số đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 để làm cơ sở quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Chất lượng đồ án quy hoạch đã nâng lên rõ rệt như Quy hoạch chi tiết Công viên Fidel đã đoạt giải Đồng-Giải thưởng quy hoạch quốc gia năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch.
Tuy nhiên, do đồ án quy hoạch chung phê duyệt đã lâu nên đã bất cập bởi trên thực tế xuất hiện nhiều yếu tố mới, định hướng về các trục không gian và cấu trúc đô thị có thay đổi cần phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Bên cạnh đó tỉ lệ lấp đầy đồ án quy hoạch chi tiết chưa cao, một số tuyến đường có kiến trúc cảnh quan và điểm nhấn trung tâm đô thị chưa triển khai đồ án thiết kế đô thị...nên công tác quản lý quy hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đông Hà và đang lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. Hy vọng sau khi đồ án được phê duyệt là căn cứ triển khai các quy hoạch chi tiết để quản lý quy hoạch theo các định hướng mới, tạo ra động lực để thu hút đầu tư, tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị.
- Xin được hỏi Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Trị Bùi Đức Huy, theo ông đâu là điểm bất cập về kiến trúc đô thị ở thành phố Đông Hà hiện nay?
- Điểm bất cập đô thị hiện nay là đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được duyệt cho nên các cơ quan quản lý lúng túng, không có cơ sở trong việc quản lý quy hoạch. Việc phát triển quỹ đất còn manh mún dẫn đến quy hoạch thành phố Đông Hà thiếu cá tính và chưa hình thành rõ nét các không gian kiến trúc một cách khoa học. Cấu trúc đô thị không mạch lạc, đan xen lẫn nhau giữa các khu chức năng cũ, mới và phải cần lộ trình để cụ thể hóa từ đồ án quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, thiếu các trục cảnh quan và thiết kế đô thị làm điểm nhấn không gian kiến trúc, không gian cảnh quan, hạ tầng đô thị luôn phải điều chỉnh, cập nhật theo các dự án phát triển quỹ đất; chưa hình thành các trung tâm đô thị như trung tâm chính trị-hành chính, trung tâm tài chính-thương mại, trung tâm TDTT…để đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.. Và, điều quan trọng nhất là chưa định hình được đặc trưng, bản sắc kiến trúc đô thị cho Đông Hà.
Mặc dù trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh và thành phố rất quan tâm, trăn trở, nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng do nguồn lực vẫn còn hạn chế nên chưa đồng bộ, thiếu các trục giao thông vành đai, trục xuyên tâm...để có tính kết nối giữa các khu vực thành phố và giữa thành phố với các đô thị lân cận. Đặc biệt, chưa có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, trong đó các phường ít nhất phải có 1 công viên cây xanh, 1 trung tâm văn hóa…Hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải chưa được quy hoạch và đầu tư đồng bộ thường xảy ra ngập úng, chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng cho thành phố.
- Theo KTS Hoàng Kim Long, giải pháp nào để khắc phục những bất cập, tồn tại trong quy hoạch đô thị, khai mở không gian kiến trúc của thành phố Đông Hà?
- Tôi nghĩ tỉnh và thành phố cần quan tâm hơn nữa về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng. Định kỳ tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về quy hoạch tổng thể và quy hoạch chuyên ngành với sự tham gia của nhiều KTS, nhà chuyên môn và tổ chức có kinh nghiệm về quy hoạch để rà soát những bất cập, tồn tại, giúp thành phố những ý tưởng mới để điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển thành phố. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng lập đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng và kiểm tra sau cấp phép xây dựng. Đồng thời, cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân được biết, thực hiện và giám sát cộng đồng.
- Nhân đây, xin hỏi Chủ tịch Hội kiến trúc sư Quảng Trị Bùi Đức Huy về cơ sở thực tế và triển vọng để thực hiện ý tưởng, chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố Đông Hà dọc đôi bờ sông Hiếu?
- Sông Hiếu là trục cảnh quan vô cùng quý giá của thành phố Đông Hà. Bất kỳ đô thị nào cũng được hình từ hai bờ sông vì đây là “kênh thoát nước” khổng lồ, đồng thời là “máy điều hòa không khí” tự nhiên rất tốt, cho nên việc phát triển đô thị dọc theo hai bờ sông là đúng đắn. Chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố Đông Hà dọc đôi bờ sông Hiếu là kết quả của việc nghiên cứu, hội thảo khoa học và học tập kinh nghiệm của các đô thị trên thế giới, cả nước và khu vực miền Trung. Hiện nay, tôi được biết, thành phố Đông Hà đang cụ thể hóa chủ trương và ý tưởng quy hoạch này. Tuy nhiên, chúng ta cần tận dụng một cách thông minh với bất kỳ đồ án, dự án thành phần nào, kể cả dự án cầu, kè, đô thị hai bên bờ sông để có tầm nhìn và có định hướng phát triển. Theo tôi, phát triển đô thị Đông Hà không chỉ theo dọc sông Hiếu mà còn hướng về phía biển.
Hiện nay, tỉnh và thành phố đã triển khai nhiều công trình theo hướng mở rộng không gian đô thị lấy trục sông Hiếu làm trung tâm, trong đó đã xây dựng thêm nhiều cầu bắc qua sông Hiếu, khu đô thị Bắc sông Hiếu, một số trụ sở cơ quan cấp tỉnh đã được xây dựng phía Bắc sông Hiếu và quy hoạch các tuyến đường, các khu chức năng đô thị và công viên hai bên sông Hiếu...Tương lai phát triển về phía Bắc kết nối đô thị Sòng, đô thị sân bay Quảng Trị, xa hơn nữa có thể kết nối đô thị biển, đô thị sinh thái hồ Trúc Kinh...
Để đạt được ý tưởng về quy hoạch cần có nguồn đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách đầu tư cho thành phố rất hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu theo ý tưởng quy hoạch. Để có thể huy động các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách thì tỉnh và thành phố cần triển khai các đồ án quy hoạch phân khu chức năng thật hấp dẫn để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tâm có tầm để từng bước hình thành các khu đô thị theo ý tưởng đồ án quy hoạch.
- Dưới góc nhìn của một KTS và tâm huyết với thành phố quê hương, các ông có những đóng góp, gợi ý như thế nào để góp phần hoàn thiện quy hoạch đô thị, quy hoạch kiến trúc thành phố trong tương lai?
Chủ tịch Hội kiến trúc sư Quảng Trị Bùi Đức Huy: Đông Hà cần định hướng quy hoạch không gian đô thị, không gian kiến trúc mang tính đặc trưng, bản sắc riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của người dân. Vì thế, cần phải có một đồ án quy hoạch xứng tầm, được đầu tư một cách cầu thị, tôn trọng ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, đối với những quy hoạch phân khu rất cần có những nhà đầu tư có tâm và có tầm đối với các dự án phát triển đô thị, không đánh đổi bằng mọi giá để có dự án. Đặc biệt là dành quỹ đất phát triển cây xanh, mặt nước, thiết chế văn hóa, nếu hiện tại chưa có điều kiện thì để dành cho thế hệ sau tiếp tục đầu tư phát triển.
Kiến trúc sư Hoàng Kim Long: Về phía cá nhân, tôi luôn mong muốn lãnh đạo thành phố luôn giữ nhiệt với công tác này, vì quy hoạch là then chốt và phải đi trước một bước.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác dự báo và có tầm nhìn dài hạn cho đồ án quy hoạch chung thành phố Đông Hà; xây dựng cấu trúc đô thị có bản sắc riêng, hiện đại và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch phân khu các phường. Thành phố cần có quy hoạch các trục động lực mới tạo hành lang để liên kết đô thị vùng lõi trung tâm với các đô thị xung quanh. Cần quy hoạch quỹ đất và ưu tiên nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư cho các công trình công cộng cấp đô thị nhằm đáp ứng tiêu chí đô thị loại II. Quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường và công viên dọc hai bên sông Hiếu để sớm thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị. Đối với các khu đô thị mới, phải được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh theo đồ án quy hoạch. Các trục không gian chính có ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị phải xây dựng nhà đồng bộ theo thiết kế đô thị. Đối với các đô thị hiện hữu, cần ưu tiên lựa chọn một số tuyến đường chính để thiết kế đô thị nhằm cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan theo thiết kế đô thị. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cấp phép xây dựng theo đồ án quy hoạch, theo thiết kế đô thị và thí điểm mô hình hoàn công sau cấp phép xây dựng.
- Xin cảm ơn hai ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)