Nhằm hạn chế bỏ hoang đất, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được cơ cấu cây trồng trên diện tích 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Trong đó, 170 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cây hàng năm, 30 ha trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Qua đánh giá, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Tiêu biểu như mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu cho doanh thu bình quân 180 – 220 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi ròng 130 – 150 triệu đồng/ha, cao gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế từ 40 – 60 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa.
Trên cơ sở rà soát, định hướng việc chuyển đổi của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 là 220 ha.
Trong đó chuyển đổi trồng cây hàng năm 190 ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 30 ha. Diện tích chuyển đổi tập trung vào đất canh tác bị ảnh hưởng bởi khô hạn, hiệu quả kinh tế thấp.
Đồng thời, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới cho cây trồng cạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ, chế biến sản phẩm để chuyển đổi bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)