Sự nghiệp “trồng người” ở Quảng Trị sống động qua cuốn sách “Người gieo hạt và những mùa hoa”

Nguyễn Vinh |

Những ngày này, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị rất vui khi đón nhận cuốn sách “Người gieo hạt và những mùa hoa”.


Đây là cuốn sách phát hành vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972- 2022), 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982- 2022) do Sở GD&ĐT phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở trại sáng tác văn học và âm nhạc tổ chức thực hiện. Cuốn sách dày hơn 670 trang với 113 tác phẩm của các tác giả chủ yếu là văn nghệ sĩ, nhà báo cùng một số thầy, cô giáo tham gia.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết, Trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề “Ngành GD&ĐT Quảng Trị- 50 năm vì sự nghiệp trồng người” đã thu hút nhiều tác giả chuyên và không chuyên tham gia.

Ban tổ chức Trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề “Ngành GD&ĐT Quảng Trị- 50 năm vì sự nghiệp trồng người” trao giải cho các tác giả đoạt giải C - Ảnh: N.V
Ban tổ chức Trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề “Ngành GD&ĐT Quảng Trị- 50 năm vì sự nghiệp trồng người” trao giải cho các tác giả đoạt giải C - Ảnh: N.V

Ban Biên soạn đã công phu tuyển chọn các tác phẩm chất lượng gồm 36 tác phẩm văn xuôi, 71 tác phẩm thơ và 6 tác phẩm âm nhạc để xuất bản cuốn sách mang tựa đề: “Người gieo hạt và những mùa hoa”.

Điều đó đã chứng tỏ sự quan tâm, trân trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ và Nhân dân trong tỉnh đối với ngành GD&ĐT, cũng như đội ngũ thầy, cô giáo đang ngày đêm miệt mài cống hiến vì sự nghiệp “trồng người” gian lao mà rất đỗi vinh quang.

Các tác phẩm, bài viết của các tác giả tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà và những thầy, cô giáo đã và đang công tác tại nhiều vùng miền khác nhau trên địa bàn tỉnh nói lên rất nhiều điều đáng trân trọng.

Qua những trang văn, dòng thơ, qua từng lời ca, nốt nhạc, người đọc sẽ có cái nhìn toàn cảnh về hành trình 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển của ngành GD&ĐT Quảng Trị với những dấu ấn còn mãi với thời gian.

Mọi người sẽ cảm nhận rất rõ về những con người, những gương mặt mà cuộc đời, số phận, tâm hồn của họ đã gắn liền với những vùng đất thân thương, bằng ý chí, tinh thần vượt khó, tấm lòng tha thiết gắn bó với nghề, tất cả vì học sinh thân yêu của đội ngũ thầy, cô giáo, nhất là những người đã và đang dành cả thời thanh xuân tươi đẹp để bám bản, gieo chữ trên non cao hay những người ngày đêm trăn trở để tìm ra những cách làm hay, những giải pháp sáng tạo với khát vọng giúp GD&ĐT Quảng Trị vươn xa, bay cao.

Hiện nay, ngành GD&ĐT Quảng Trị đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Toàn ngành sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Thông qua Trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề “Ngành GD&ĐT Quảng Trị- 50 năm vì sự nghiệp trồng người” và ấn phẩm “Người gieo hạt và những mùa hoa” sẽ tạo ra những tình cảm lớn lao lan tỏa sâu rộng, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm người đọc, khơi dậy cho mọi người cảm xúc trân quý trước những đóng góp lớn lao và hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy, cô giáo và niềm tin vào sự phát triển vững mạnh của GD&ĐT tỉnh nhà nói riêng cũng như quê hương Quảng Trị nói chung.

Đó cũng là sự khắc ghi công lao đóng góp của đội ngũ thầy, cô giáo, những người “gieo hạt” trên vùng đất gió Lào cát trắng Quảng Trị để giáo dục được đơm bông kết trái gặt hái được mùa vàng bội thu.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nguyễn Văn Dùng cho biết, về lĩnh vực văn xuôi, trong mỗi tác phẩm, hình tượng người giáo viên nhân dân qua các giai đoạn cách mạng được khắc họa khá đậm nét, nổi bật nhất là từ ngày Quảng Trị được giải phóng đến nay.

Ngoài bài viết rất công phu, đầy đủ, toàn diện về ngành GD&ĐT Quảng Trị- 50 năm xây dựng và phát triển (1972- 2022) của Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT, còn có một số tác phẩm có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật như các tác phẩm: “Người thầy giáo thương binh” của tác giả Minh Tứ; “Hạt mẩy mùa vàng” của tác giả Nguyễn Hoàn; “Hà Công Văn- huyền thoại về một người thầy nơi rẻo cao Quảng Trị” của tác giả Lê Đức Dục; “Có một “ngôi trường kháng chiến” ở vùng Cùa” của tác giả Đào Tâm Thanh…

Về lĩnh vực thơ, các tác phẩm đã khai thác nhiều khía cạnh, khắc họa được hình tượng người giáo viên nhân dân và sự nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng và trưởng thành của ngành GD&ĐT Quảng Trị.

Trong số đó có nhiều tác phẩm thơ có chất lượng như “Khúc ca từ những mái trường” của tác giả Nguyễn Hữu Thắng; “Viết cho tuổi học trò” của tác giả Võ Văn Luyến; “Cuộc đời, trang giáo án mênh mang” của tác giả Nguyễn Hữu Quý; “Gieo hạt cho mùa” của tác giả Nguyễn Văn Dùng; “Viết cho con trong buổi tựu trường” của tác giả Trần Thị Tuyết Thanh…

Các tác phẩm âm nhạc đã khắc họa khá đậm nét về ngành GD&ĐT, về nhà giáo với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dạy và học.

Nghe những ca khúc viết về ngành GD&ĐT, tâm hồn ta lâng lâng cuốn theo giai điệu ngọt ngào và ca từ đầy chất thơ khiến ta càng tự hào, càng yêu hơn, khâm phục hơn những nỗ lực vượt khó của thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Quảng Trị.

Các tác phẩm có chất lượng cao như ca khúc “Khúc ca từ những mái trường” của nhạc sĩ Xuân Vũ, phổ thơ Nguyễn Hữu Thắng; ca khúc “Bài ca người gieo hạt” của nhạc sĩ Võ Thế Hùng; ca khúc “Cô giáo vùng cao” của nhạc sĩ Văn Sỹ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường TH&THCS Triệu Sơn, huyện Triệu Phong chia sẻ: “Tôi rất vui khi được đọc cuốn sách này. Qua đó, tôi càng hiểu hơn về truyền thống vẻ vang của ngành GD&ĐT Quảng Trị, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ thầy, cô giáo đã hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, các thầy, cô giáo của bao thế hệ đi trước vẫn quyết đem con chữ đến cho học sinh với một ước mong giản dị, hôm nay gieo hạt, ngày mai có những mùa hoa.

Thế hệ giáo viên chúng tôi hôm nay nguyện bằng trách nhiệm, bằng cả trái tim yêu nghề, yêu trò sẽ nỗ lực hết mình để tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành trong suốt thời gian qua, viết tiếp trang sử của ngành GD&ĐT Quảng Trị thêm những mùa hoa như tựa đề cuốn sách “Người gieo hạt và những mùa hoa”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tinh giản tối thiểu 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp trong giai đoạn 2022- 2026

Nguyễn Vinh |

Ngày 24/11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Nội vụ để giám sát tình hình thực hiện biên chế công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động và biên chế hội; tinh giản biên chế và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách năm 2022 và việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở xã, thị trấn.

Triển lãm ảnh về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

PV |

Ngày 21/11, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh với chủ đề "Đồng chí Võ Văn Kiệt, Nhà lãnh đạo tài năng - Tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân".

Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long- Tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người

Bảo Bình |

Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Nhiều thành tựu trong sự nghiệp “trồng người” ở Triệu Phong

Nguyễn Vinh |

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Triệu Phong thành lập tháng 5/1973. Sau ngày Quảng Trị giải phóng, ngày 2/4/1975, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 29 thành lập Phòng GD huyện Triệu Phong. Tháng 6/1976, Đảng bộ ngành GD được thành lập. Tháng 3/1977, huyện Hải Lăng và Triệu Phong sáp nhập, Phòng GD Triệu Phong với tên gọi Phòng GD Triệu Hải. Đến năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, cùng với quá trình tách riêng của GD Quảng Trị, Phòng GD Triệu Phong được chia tách từ Phòng GD Triệu Hải.