Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng chanh leo ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình |

Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay cây chanh leo đang được nhiều hộ nông dân các xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

So với các xã, thị trấn trong huyện, Hướng Phùng là địa phương phát triển diện tích chanh leo khá lớn với 80 ha, trồng tập trung chủ yếu tại các thôn: Đại Độ, Cheng, Phùng Lâm, Cợp, Mã Lai Pun. Theo các hộ trồng chanh leo thì đối với các cây trồng khác như cà phê, lúa, ngô, sắn, gừng, nghệ hiệu quả thấp hơn so với trồng chanh leo. Đặc biệt đối với loại cây trồng này, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã hỗ trợ giống, phân bón và ký kết bao tiêu sản phẩm, do đó người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Đây cũng là một trong những hướng đi mới, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Cây chanh leo đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ
Cây chanh leo đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ

Trước đây, gia đình bà Hồ Thị Chung ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng chủ yếu trồng cà phê chè catimor, sau nhiều năm canh tác, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng giảm hẳn. Năm 2018, gia đình bà chuyển đổi một phần diện tích cà phê kém hiệu quả để trồng thử nghiệm hơn 100 gốc chanh leo. Qua niên vụ đầu tiên, chanh leo phát triển rất tốt, cho thu hoạch 2 vụ/năm, với sản lượng 18 tấn quả tươi/ha, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả bước đầu này, gia đình bà mở rộng diện tích qua mỗi năm. Đến nay, gia đình bà đã trồng 270 gốc, tất cả đều đã cho thu hoạch với số tiền thu được hơn 300 triệu đồng. Bà Chung cho biết: “ So với cà phê và các loại cây trồng khác thì cây chanh leo trồng và chăm sóc dễ hơn, đầu ra ổn định và cho thu nhập khá hơn”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết, trong những năm qua, xã đã chú trọng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định cho người dân. Điển hình như mô hình chanh leo, tuy là cây trồng mới nhưng đã khẳng định được lợi thế của cây trồng này, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Cũng chính vì vậy, diện tích cây chanh leo trên địa bàn ngày một tăng. Năm 2018, toàn xã trồng 7,5 ha thì đến nay đã lên đến 80 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí mỗi héc ta thu về từ 150 - 200 triệu đồng. Cũng như các hộ trồng chanh leo ở xã Hướng Phùng, nhận thấy lợi ích từ chương trình liên doanh liên kết này, nhiều hộ gia đình tại các xã Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Lìa… đã trồng chanh leo. Đến nay, sau một thời gian trồng và chăm sóc, mô hình chanh leo tại các xã đang sinh trưởng khá tốt. Theo đánh giá ban đầu cho thấy cây chanh leo cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt từ 15 - 40 tấn/ha. Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Tân Hợp Lê Thị Huệ cho biết, năm 2018 hợp tác xã được thành lập. Từ đó đến nay, hợp tác xã đã liên kết với hơn 70 hộ dân, hợp tác xã hỗ trợ giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng chanh leo trên địa bàn, bình quân hằng năm hợp tác xã thu mua khoảng 300 - 400 tấn chanh leo, với giá cả tùy theo chất lượng quả chanh leo, loại A là 35.000 đồng/kg, loại B là 25.000 đồng/kg, còn loại thấp nhất là 10.000 đồng/kg. So với các cây trồng khác, chanh leo đem lại nguồn thu nhập cao. Đến nay, các hộ trên địa bàn huyện đã liên kết với hợp tác xã trồng hơn 20.000 cây chanh leo.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, qua gần 5 năm triển khai thí điểm, kết quả bước đầu của mô hình chanh leo đã được khẳng định tại Hướng Hóa, đặc biệt là góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện trồng hơn 100 ha, với năng suất 20 tấn /ha, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp để mở rộng mô hình chanh leo lên 120 ha. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho sản phẩm chanh leo ở địa phương.

Thực tế trong những năm qua, hiệu quả mô hình trồng chanh trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã cùng các cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, chuối, hồ tiêu đem lại nguồn thu nhập cho người dân, thiết thực giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng huyện Hướng Hoá ngày càng phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa triển khai thành công nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi

Nguyễn Vinh |

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chú trọng lãnh đạo, định hướng, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Cây chanh leo cho thu nhập trên 110 triệu đồng/ha

Lê An |

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 100 ha chanh leo, trong đó có gần 55 ha đang cho thu hoạch. Tập trung chủ yếu tại 2 huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh.

Nâng cao hiệu quả mô hình trồng chanh leo ở Hướng Hóa

Minh Long |

Để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong đó, chanh leo là một mô hình tiêu biểu, phát huy được hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Năng suất chanh leo đạt bình quân 15 tấn/ha

Thục Quyên |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù mới bắt đầu được đưa vào trồng từ năm 2018 trên cơ sở dự án liên kết trồng và tiêu thụ chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc với quy mô 12 ha. Đến năm 2021, quy mô liên kết đã đạt 100 ha. Tuy nhiên, do hiện nay diện tích trồng từ năm 2018, 2019 đã già cỗi, năng suất thấp nên người dân đã phá bỏ để chuẩn bị trồng lại. Diện tích chanh leo hiện còn 50,6 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 34,4 ha.