Ngày 15/9/2021, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ công bố trực tuyến về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự lễ công bố tại điểm cầu Quảng Trị.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021, với mục tiêu đến năm 2030 phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, từng bước đồng bộ một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, thuận tiện, an toàn và chi phí hợp lý.
Theo Quy hoạch, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km; mạng lưới quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km.
Trong đó, dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2030, gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; Các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chính phủ đưa ra 8 giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện quy hoạch. Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ. Định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)