Ngày 20/4/2017, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 ra đời.
Trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh ủy; giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự hỗ trợ giúp đỡ của trung ương và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cùng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân, quá trình triển khai nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra bước đột phá, đổi mới trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, cơ bản các mục tiêu của nghị quyết đều đạt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,49%. Sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 27,5 vạn tấn/năm. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 50%; đảm bảo cấp nước tưới cho trên 85% diện tích lúa 2 vụ với tần suất trên 85%; có 51 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được chứng nhận HTX kiểu mới, 200/235 tổ hợp tác được chứng thực, đạt tỉ lệ 88%; có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 56,4%, có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ liên kết hợp tác. Cảnh quan nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: Sau khi có nghị quyết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đồng thời Đảng ủy Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt, phổ biến trong toàn thể cán bộ, đảng viên của ngành. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn ngành về thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 7 nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, huy động lồng ghép các nguồn lực trung ương để tập trung hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nên mặc dù chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao; thu nhập và đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên gắn với liên kết bền vững theo chuỗi giá trị.
Nhiều nông sản có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong, cao dược liệu, cà phê, hồ tiêu. Năng suất, sản lượng, giá trị nhiều loại cây trồng tăng qua các năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha không ngừng tăng lên, năm 2020 đạt 60,6 triệu đồng/ha, cao hơn 5,3 triệu đồng/ha so với năm 2017.
Tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 25,9% năm 2017 lên 31,68% năm 2020. Tỉ lệ đàn lợn nái ngoại năm 2020 đạt 31,2% (vượt mục tiêu nghị quyết 30%). Chương trình cải tạo đàn bò mang lại hiệu quả thiết thực, tỉ lệ bò lai zebu đạt 55,8% tổng đàn bò. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có gần 70 trang trại gia cầm, trong đó có trên 30 trang trại chăn nuôi gà thịt có liên kết. Đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX chăn nuôi.
Trong lĩnh vực thủy sản, đến nay các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ sinh học, có liên kết được triển khai nhân rộng và mang lại hiệu quả cao, sản lượng bình quân đạt từ 20 - 30 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 500 triệu đồng - 1,1 tỉ đồng/ha. Tổng sản lượng thủy sản tăng từ 30.780 tấn năm 2017 lên 35.040 tấn năm 2020. Giá trị sản xuất ngành tôm không ngừng được tăng lên, đạt mức 900 tỉ đồng năm 2019.
Công tác nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng được quan tâm đầu tư, đã nâng diện tích rừng trồng sản xuất từ 65.932,9 ha vào năm 2016, tăng lên hơn 86.200 ha vào năm 2020. Năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 9.589 ha rừng có chứng chỉ FSC, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 20.150,1 ha rừng có chứng chỉ FSC, tăng 110%. Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện trạng nông thôn mới có sự thay đổi rõ rệt. Đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 57/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 56,4%). Số tiêu chí đạt bình quân là 16,01 tiêu chí/ xã, tăng 12,41 tiêu chí so với năm 2010, tăng 4,31 tiêu chí so với năm 2015. Huyện Cam Lộ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (vượt chỉ tiêu trước 1 năm). Có 8/8 huyện, thị xã đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Đakrông có 1 xã đã đạt chuẩn (xã Triệu Nguyên đạt chuẩn năm 2020); đạt mục tiêu nghị quyết về không còn huyện không có xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt so với nghị quyết đề ra; hiện trạng quy mô sản xuất một số nơi vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng; chất lượng, mẫu mã, thương hiệu một số sản phẩm chủ lực chưa bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu đồng bộ; nguồn lực đầu tư để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Ông Hồ Xuân Hòe cho biết, mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị đó là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3 - 3,5%, có 75% số xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trước những cơ hội phát triển và thách thức đan xen như hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Rà soát quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng, con nuôi tập trung, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thúc đẩy phát triển và duy trì bền vững chuỗi giá trị trong nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn, thu hút nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Nâng cao năng lực, trình độ quản trị sản xuất của cán bộ HTX.
Phát triển các loại hình HTX, THT, câu lạc bộ sở thích. Đào tạo kỹ năng tiếp cận công nghệ số cho người dân, doanh nghiệp. Phát triển các hình thức bán hàng trực tuyến, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, với những giải pháp, cách làm, bước đi phù hợp, tin rằng tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)