Đakrông chú trọng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

Thanh Lê |

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay huyện Đakrông (Quảng Trị) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đã được hình thành tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tếxã hội của huyện đến năm 2020 được tỉnh phê duyệt, Đakrông đã xác định được 3 vùng động lực phát triển nhằm chuyển dịch theo hướng tận dụng những lợi thế sẵn có tại địa phương. Theo đó, vùng kinh tế hành lang Quốc lộ 9 sẽ tập trung sản xuất lương thực với các cây trồng chủ yếu như lúa nước, ngô, cây thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng Ba Lòng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất lương thực như lúa nước, ngô, cây ngắn ngày như lạc, đậu đỗ, đang thí điểm trồng cây cao su; nuôi cá nước ngọt, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng các xã dọc đường Hồ Chí Minh- Cửa khẩu quốc tế La Lay tập trung phát triển nông nghiệp, trồng cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi đại gia súc.

Đậu xanh được xác định là một trong số những cây trồng có lợi thế tại huyện Đakrông -Ảnh: T.L
Đậu xanh được xác định là một trong số những cây trồng có lợi thế tại huyện Đakrông -Ảnh: T.L

Trên cơ sở xác định được 3 vùng động lực, thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt, huyện Đakrông đã tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, xác định cây, con chủ lực có lợi thế theo từng vùng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới, chế biến nông sản vào sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, người dân trên địa bàn đã sử dụng trên 70% các loại giống cây trồng mới thuần chủng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, khắc phục tình trạng sử dụng giống của vụ trước để gieo trồng cho vụ sau. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tạo hướng đi mới trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân địa phương. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước được chú trọng, hạn chế diện tích đất bỏ hoang, nâng cao được hiệu quả sản xuất. Riêng trong giai đoạn từ năm 2017-2020, huyện Đakrông đã thực hiện chuyển đổi cây trồng với tổng diện tích 128,8 ha.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được huyện Đakrông xác định là ngành sản xuất quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi được thực hiện theo hướng chăn nuôi tập trung, xác định con nuôi chủ lực theo lợi thế vùng miền, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh theo hướng trang trại, gia trại. Từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, thả rông, không có chuồng trại chuyển sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, cơ cấu giống vật nuôi từng bước được chuyển đổi, bên cạnh phát triển về số lượng thì chất lượng con nuôi ngày càng được nâng cao. Tỉ lệ lợn thịt lai F1, F2 chiếm 40% tổng đàn, tỉ lệ bò lai sind tăng từ 8% năm 2017 lên 15% tổng đàn năm 2020. Vật nuôi chủ yếu là các giống địa phương như gà ri thả vườn, lợn đen, lợn rừng lai, dê cỏ địa phương, bước đầu nhân rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung, nuôi con dúi… Để cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, huyện Đakrông đã đẩy mạnh áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh kinh doanh gỗ lớn và thí điểm trồng một số loại cây giống có giá trị kinh tế cao như bời lời đỏ, lát hoa, cây keo lai giâm hom…

5 năm qua, huyện Đakrông đã trồng mới được 4.250 ha rừng, diện tích trồng rừng thâm canh hằng năm đạt trên 95% tổng diện tích rừng trồng, năng suất trung bình rừng trồng bình quân đạt 12 tấn/ha/năm… Đến nay, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 97,52 tỉ đồng, tăng 46,79 tỉ đồng so với năm 2017. 5 năm qua, đã có 4 HTX nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác (THT) được thành lập, bước đầu hoạt động hiệu quả, tận dụng nguồn lực của địa phương để tạo ra sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Tiêu biểu như các THT nuôi dê ở A Bung, trồng chuối Tà Rụt, trồng lạc Ba Lòng, nuôi hươu Triệu Nguyên. Việc tổ chức thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng được thực hiện hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 45,85% năm 2017 xuống còn 29,1% năm 2020. Chương trình xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 1 xã về đích NTM và không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Đakrông sẽ tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của địa phương, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, sản phẩm chủ lực theo hướng trang trại, gia trại. Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường như sắn, ngô, lạc, đậu xanh, dứa, chuối… Trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông - lâm - thủy sản tăng từ 12-13%; duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM (trong đó 1 xã đạt NTM nâng cao) và 30 thôn đạt chuẩn thôn NTM.

Để đạt kế hoạch đề ra, huyện Đakrông sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư. Đồng thời thực hiện quy hoạch, chuyển đổi những loại cây trồng có giá trị, phù hợp với sự thay đổi của thời tiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiếp tục duy trì, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng có lợi thế theo hướng trang trại tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường…Thực hiện chuyển dịch tăng dần tỉ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỉ trọng ngành trồng trọt trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp triển khai chương trình xây dựng NTM; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; triển khai xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Thực hiện xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông

Nguyễn Vinh |

Năm học 2020- 2021, toàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có 8 trường tiểu học, 7 trường tiểu học và trung học cơ sở với 303 lớp, 5.320 học sinh (HS), trong đó có hơn 4.200 HS tiểu học là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 

Mở rộng thương hiệu “Đậu xanh Vĩnh Giang”

Phương Nga |

Năm 2017, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm “Đậu xanh Vĩnh Giang”  của HTX Cổ Mỹ (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Sản phẩm được xuất bán ngày càng nhiều với phạm vi phân phối rộng. Tuy nhiên để “Đậu xanh Vĩnh Giang” ngày càng phát triển, hiện nay HTX Cổ Mỹ đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất thêm các loại sản phẩm đã qua chế biến từ hạt đậu xanh tằm đã có thương hiệu riêng.

Bất ngờ trước những công dụng của đậu xanh

An Nhiên |

Tạp chí Food Science and Human Health, cho rằng đậu xanh là một bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống lành mạnh và có thể giúp ngăn ngừa các bệnh thoái hóa mạn tính.

Trồng đậu xanh trên đất khô hạn

Phan Việt Toàn |

Ông Lê Văn Lại ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có 2 sào đất ở vùng Cồn Màu chuyển đổi sang trồng đậu xanh hiệu quả.