Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông

Nguyễn Vinh |

Năm học 2020- 2021, toàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có 8 trường tiểu học, 7 trường tiểu học và trung học cơ sở với 303 lớp, 5.320 học sinh (HS), trong đó có hơn 4.200 HS tiểu học là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 

Để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và thực hiện tăng cường tiếng Việt cho HS tiểu học vùng DTTS nói riêng, từ năm 2018 đến nay, hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tổ chức rà soát số lượng, cơ cấu, chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên các cấp theo vị trí việc làm, qua đó tham mưu UBND huyện thực hiện điều động, sắp xếp đảm bảo cân đối giữa các trường và thực hiện tuyển dụng bổ sung GV, nhân viên cho các trường còn thiếu theo quy định. Đến nay, huyện Đakrông có 100% cán bộ quản lý cấp tiểu học có trình độ đào tạo đạt trên chuẩn quy định, gần 100% GV tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn cho biết, để tăng cường tiếng Việt cho HS tiểu học người DTTS, bám sát các quy định của trung ương và của tỉnh, Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản về phát triển GD&ĐT phù hợp với địa phương, trong đó có Kế hoạch số 05 ngày 9/1/2017 về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, hằng năm Phòng GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho GV về tăng cường tiếng Việt, về đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Việt, dạy học tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục. Tổ chức các chuyên đề về công tác quản lý ở vùng DTTS dạy học tăng cường tiếng Việt theo tuyến cụm, điểm trường. Đồng thời chỉ đạo các trường đưa nội dung tăng cường tiếng Việt cho HS trong quá trình dạy học chính khóa, ngoại khóa, tích hợp tăng cường tiếng Việt trong mọi hoạt động, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn, chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm. Tổ chức tốt các hoạt động GD kỹ năng sống, GD đặc thù về phong tục tập quán, văn hóa của địa phương cho HS. Nhờ đó, đã có 100% trường vùng DTTS thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và HS tiểu học.

Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang tổ chức sân chơi “Đố vui để học” cho học sinh -  Ảnh: PHAN VĂN ĐỨC
Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang tổ chức sân chơi “Đố vui để học” cho học sinh - Ảnh: PHAN VĂN ĐỨC

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi hiện có để lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị còn thiếu. Tăng thời lượng dạy tiếng Việt cho HS thông qua các buổi dạy học và tăng thời lượng từ 2- 6 tiết/tuần đối với đơn vị dạy học 2 buổi/ngày; dạy lồng ghép môn Tiếng Việt thông qua các môn học giúp HS phát triển được ngôn ngữ tiếng Việt cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Tổ chức nhiều hoạt động, phong trào trong trường học như hội thi giao lưu HS giỏi cấp trường, hội thi giữ vở sạch, viết chữ đẹp nhằm thu hút và tạo cơ hội cho HS được học tập, được tham gia để giúp các em phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt. Trong các tiết dạy, GV áp dụng đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tinh thần tự học, tự suy nghĩ và sử dụng nhiều đồ dùng trực quan để khắc sâu được kiến thức cho HS. Các trường chủ động điều chỉnh thời lượng, ngữ liệu và nội dung bài học phù hợp với đối tượng cũng như tăng cường sử dụng phương pháp đọc hiểu trong dạy tập đọc đối với HS DTTS.

Bên cạnh đó, hằng năm Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tích cực tổ chức “Ngày hội giao lưu tiếng Việt cấp trường”, “Ngày hội đọc sách” nhằm tạo môi trường GD tích cực, thân thiện và tăng kỹ năng đọc hiểu cho HS. 100% các trường tổ chức làm đồ dùng dạy học, đồ chơi theo chủ đề, khuyến khích GV làm đồ dùng dạy học bằng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Nhờ đó, 100% trường học trang trí không gian lớp học theo chủ đề, chủ điểm, tăng cường sử dụng sản phẩm của HS trang trí trong lớp học như tranh, ảnh, bức tường từ vựng. Các trường tổ chức thành công ngày hội giao lưu tiếng Việt cấp trường, tham gia cấp cụm, cấp huyện, cấp tỉnh và đã đạt giải cao.

Ông Nguyễn Sĩ Huấn cho biết thêm, khó khăn lớn nhất hiện nay là HS người DTTS khi giao tiếp ở gia đình đều dùng ngôn ngữ dân tộc của mình nên ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình học tiếng Việt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, môi trường tiếng Việt chưa đáp ứng nhu cầu cho trẻ vùng DTTS. Hiện còn có nhiều lớp ghép 1-2 độ tuổi ở các trường có điều kiện đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ nên hạn chế trong việc tăng cường tiếng Việt cho HS. Một số GV người đồng bào DTTS sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn. Tài liệu cung cấp cho trường chưa đầy đủ, chưa phong phú. Do đó, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Đakrông tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý GD, GV, phụ huynh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS. Vận động gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường và học 2 buổi/ngày bảo đảm chuyên cần, tận dụng tốt thời gian tăng thêm để trẻ có cơ hội tăng cường tiếng Việt.

Rà soát chương trình, giảm tải nội dung, lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với đối tượng, điều kiện của từng địa bàn, từng điểm trường. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, GV dạy trẻ em DTTS về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng HS vùng DTTS. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, có 100% HS tiểu học người DTTS đến trường được học 2 buổi/ngày, tham gia các hoạt động tăng cường tiếng Việt. Từng bước hình thành văn hóa đọc trong HS tiểu học, tổ chức ngày hội sách, ngày hội giao lưu tiếng Việt hằng năm cho HS tiểu học. Tiếp tục tham mưu UBND huyện bổ sung biên chế đủ GV/lớp. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, GV, nhân viên công tác tại vùng DTTS theo quy định cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tiếng Việt với những nghịch lý thú vị

PV |

Theo số liệu nghiên cứu từ năm 2015, mỗi ngày con người nói khoảng 15 nghìn đến 20 nghìn tiếng (trong đó 1 từ có thể bằng 1 hoặc 3 tiếng, từ ngữ cố định).

Hướng Hóa tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học người đồng bào dân tộc thiểu số

X.V |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có dân số hơn 89.000 người, trong đó dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm hơn 47%. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh (HS) người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường tiếp cận kiến thức tốt nhất, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hướng Hóa triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Quảng Trị về tăng cường tiếng Việt cho HS tiểu học người DTTS để dạy học.

Sinh viên Lào học tiếng Việt

Trúc Phương |

Cách đây 4 năm, khi biết mình có cơ hội sang Việt Nam học tập, dù rất vui mừng nhưng Phongsavanh Keovongsa (sinh năm 1998), sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vẫn không khỏi lo lắng. Bởi lúc bấy giờ em hoàn toàn chưa biết gì về tiếng Việt. “Trước đây, đất nước Việt Nam đối với em là một nơi hoàn toàn xa lạ. Em không biết nhiều về mảnh đất cũng như ngôn ngữ ở đây. Bản thân em chưa từng nghĩ mình sẽ nghe, hiểu và sử dụng tiếng Việt được thành thạo như hiện tại”, Phongsavanh Keovongsa chia sẻ.

Nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số

Thanh Lê |

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có năng lực cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.