Hướng Hóa tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học người đồng bào dân tộc thiểu số

X.V |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có dân số hơn 89.000 người, trong đó dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm hơn 47%. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh (HS) người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường tiếp cận kiến thức tốt nhất, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hướng Hóa triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Quảng Trị về tăng cường tiếng Việt cho HS tiểu học người DTTS để dạy học.

Theo đó, huyện Hướng Hóa tăng cường dạy tiếng Việt cho HS tiểu học, đặc biệt là trẻ em 5 tuổi trước khi vào lớp 1. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học cũng như trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho HS. Tăng cường kiểm tra việc duy trì số lượng và có giải pháp kịp thời đối với những vùng khó để thu hút HS đến trường, giảm tỉ lệ HS lưu ban và bỏ học. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS người DTTS thông qua dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động GD.

Tạo điều kiện cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số học tập đạt kết quả cao nhất- Ảnh: XV​
Tạo điều kiện cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số học tập đạt kết quả cao nhất- Ảnh: XV​

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS. Giai đoạn từ năm 2016- 2020, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa mở 11 lớp bồi dưỡng cấp huyện với 409 lượt cán bộ, giáo viên (CB,GV) vùng DTTS tham gia các nội dung như đổi mới phương pháp dạy- học sát đối tượng, phương pháp dạy học lớp ghép, dạy học phù hợp với vùng miền, dạy học hòa nhập, kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực; GD phòng, tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ; kỹ thuật dạy đọc hiểu cho HS là người DTTS. Đồng thời ưu tiên kinh phí phổ cập cho vùng khó, thu hút các chương trình, dự án tạo điều kiện thuận lợi để địa bàn vùng khó làm tốt công tác GD cho HS người DTTS.

Kết hợp giữa mầm non và tiểu học trong việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đặc điểm HS người DTTS. Xây dựng thêm trường, điểm trường, mở các lớp ghép tạo điều kiện thuận lợi để HS đến trường. Phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội trong huyện vận động và tạo điều kiện tốt nhất để thu hút trẻ khuyết tật đi học, trẻ bỏ học trở lại trường. Tổ chức chuyên đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS cấp huyện để các trường dự giờ trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chuyên môn giảng dạy. Triển khai thực hiện tài liệu hướng dẫn điều chỉnh thời lượng, nội dung, phương pháp dạy học môn Toán và Tiếng Việt lớp 1. Chỉ đạo các trường tổ chức dạy 7 buổi/tuần cho HS lớp 1, các trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Tổ chức đọc truyện cho HS nghe, tập cho HS đọc truyện 15 phút đầu giờ học, đồng thời GV dành thời gian kèm cặp, phụ đạo cho HS ngoài giờ học để khắc phục HS chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn tiếng Việt… Đến nay, ngành GD&ĐT Hướng Hóa đã xây dựng và mở rộng “Mô hình tăng cường tiếng Việt” hiệu quả, xác định được khung chương trình, thời lượng tăng cường, yêu cầu cần đạt. 100% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, tiểu học được xây dựng môi trường tăng cường chuẩn bị tiếng Việt tại tất cả các trường, điểm trường. 100% CB,GV cấp tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho HS. Hằng năm, có 100% HS tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa chỉ đạo các trường có điều kiện thuận lợi dạy đủ các nội dung theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT, những nơi khó khăn tập trung dạy tốt môn Toán và tăng thời lượng cho việc dạy học môn tiếng Việt, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe, đọc, nói, viết cho HS. Đối với trẻ mầm non ngoài việc lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ thông qua các hoạt động, vào buổi chiều các ngày trong tuần dành thời gian 30 phút tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Tập trung tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết với phương án phù hợp; coi trọng việc ứng dụng phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt phương pháp trực quan hành động nhằm tăng cường tiếng Việt cho HS người DTTS. Khuyến khích trường học tích cực thay đổi, sử dụng ngữ liệu gần gũi với HS để dạy học. Các năm học gần đây, Phòng GD&ĐT tổ chức tốt ngày hội giao lưu tiếng Việt cho HS giữa các cụm trường trong huyện và tham gia giao lưu tiếng Việt cấp tỉnh cùng với các huyện, xã miền núi Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh và đều đoạt giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn…

Phòng GD&ĐT tổ chức dạy tiếng DTTS cho CB,GV công tác tại vùng DTTS và GV trong các trường dân tộc nội trú. Từ năm học 2014- 2015, phòng đã phối hợp với Sở GD&ĐT Quảng Trị mở 3 lớp với 83 GV tham gia học tiếng Vân Kiều; đồng thời chỉ đạo dạy thí điểm tiếng Vân Kiều cho HS lớp 3 Trường Tiểu học Hướng Tân.

Nhằm tạo điều kiện cho GV yên tâm dạy học, huyện Hướng Hóa thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với nhà giáo, công tác cán bộ quản lý GD ở các trường chuyên biệt, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng như đối với HS trường dân tộc nội trú theo quy định…

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho HS người DTTS, ngành GD&ĐT huyện Hướng Hóa giao quyền chủ động cho GV trong việc sắp xếp thời khóa biểu, thời lượng dạy học phù hợp với từng đối tượng HS nhưng phải đảm bảo mục tiêu GD. Tiếp tục bồi dưỡng trực tiếp, trực tuyến về phương pháp, kỹ thuật dạy học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai và dạy đọc hiểu cho HS người DTTS. Chỉ đạo cơ sở GD tăng cường công tác tuyên truyền, vận động HS đến lớp đảm bảo tỉ lệ chuyên cần 100%. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với địa phương và phụ huynh HS trong việc chuẩn bị đủ điều kiện cho trẻ đến trường. Tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học để tăng cường tiếng Việt cho HS là người DTTS…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mở hướng làm ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nam Phương |

Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự đổi thay trong tư duy sản xuất, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh dần có cuộc sống ổn định hơn, quá trình thoát nghèo cũng vì thế mà dần ngắn lại.

Tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Lâm |

Ngày 16/3/2021, tại huyện Đakrông, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức chính sách dân tộc và tập huấn kỹ năng hoà giải, tuyên truyền vận động quần chúng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021.

Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của dân tộc

Tiên Sa |

Đối với cô gái Họa My, việc quảng bá sản phẩm không đơn thuần là khởi nghiệp, kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Pa Cô. Những năm qua, Họa My đã cất công sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm để chinh phục thực khách khi đặt chân đến miền núi rừng Đakrông (Quảng Trị) trên dãy Trường Sơn.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc

PV |

Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước; nhà văn hóa lớn của dân tộc, con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.