Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự đổi thay trong tư duy sản xuất, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh dần có cuộc sống ổn định hơn, quá trình thoát nghèo cũng vì thế mà dần ngắn lại.
Cùng đi với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đakrông, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Bàn (sinh năm 1980) hiện sống tại thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông. Trước đây, gia đình chị Bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, vợ chồng chị chủ yếu làm thuê để sống qua ngày. Năm 2018, được sự động viên của chính quyền địa phương, vợ chồng chị quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Đakrông thông qua chương trình vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ để tìm hướng phát triển kinh tế. Từ số tiền vay được, anh chị đầu tư trồng hơn 2 ha tràm và mua một con bò giống. Sau 3 năm chăm chỉ làm lụng, đến nay diện tích rừng tràm của gia đình chị Bàn dần mở rộng; bò giống sinh sản và phát triển thành 3 con bò, 1 con bê, đời sống của gia đình chị nhờ đó mà bớt khó khăn.
Vừa cho bò ăn, chị Bàn vừa phấn khởi nói: “Đàn bò này có con bê sắp bán được rồi. Khi ấy chúng tôi sẽ có tiền trả nợ ngân hàng và có vốn để mở rộng chăn nuôi. Tôi chưa từng nghĩ gia đình mình sẽ được như bây giờ. Tất cả đều nhờ vào nguồn vốn ưu đãi mà Ngân hàng CSXH đã dành cho người dân chúng tôi”.
Không chỉ gia đình chị Bàn mà cuộc sống của ông Hồ Văn Soi (sinh năm 1962) hiện sống tại thôn Klu, xã Đakrông cũng đã có nhiều sự thay đổi sau khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Ông Soi cho biết: “Hồi trước nhà tôi ở bên kia sông Đakrông, cực dữ lắm. Đến nỗi xã tạo điều kiện làm hồ sơ vay vốn nhưng tôi chỉ dám vay 20 triệu đồng vì sợ không có tiền trả nợ. Thế rồi tôi đầu tư 13 triệu đồng mua con trâu làm vốn; số tiền còn lại để sắm sửa đồ dùng trong nhà. May mà làm ăn hiệu quả, tôi có tiền trả nợ, có vốn trồng rừng rồi xây dựng nhà cửa khang trang như bây giờ”. Được biết, năm 2020, ông Soi đã trả nợ và vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục trồng 10 nghìn cây tràm, duy trì đàn trâu 7 con. Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, con đường thoát nghèo của gia đình ông Soi đã không còn xa.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông Ngô Văn Bảo cho biết: Chương trình vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ - TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 được triển khai với mục tiêu là giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác. Theo đó, các đối tượng là hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp bằng 50% lãi suất vay vốn hộ nghèo.
“Trong giai đoạn 2017 - 2020, Ngân hàng CSXH huyện Đakrông đã triển khai cho vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ - TTg với số tiền gần 53 tỉ đồng giúp cho 928 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được tiếp cận vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên. Đến nay tổng dư nợ tín dụng cho vay ưu đãi đã đạt 52 tỉ 220 triệu đồng, 100% hộ gia đình chấp hành trả lãi hằng tháng, không có dư nợ quá hạn”, anh Ngô Văn Bảo cho hay.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chương trình vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 đã kết thúc. Có thể khẳng định rằng, nhờ hiệu quả từ chương trình vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ mà đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đakrông nói riêng và các huyện miền núi nói chung đã được nâng cao đáng kể. Từ đó góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng khó khăn tại Quảng Trị và cả nước”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)