Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của dân tộc

Tiên Sa |

Đối với cô gái Họa My, việc quảng bá sản phẩm không đơn thuần là khởi nghiệp, kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Pa Cô. Những năm qua, Họa My đã cất công sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm để chinh phục thực khách khi đặt chân đến miền núi rừng Đakrông (Quảng Trị) trên dãy Trường Sơn.

Tôi có dịp gặp cô gái Hồ Thị Họa My (sinh năm 1987, trú tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) lần đầu tiên tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó, Họa My đang thuyết trình một cách sinh động, nhuần nhuyễn về văn hóa, đời sống, ẩm thực của đồng bào vùng cao Quảng Trị. Tại đây, chúng tôi rất ấn tượng với khu trưng bày văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều và Pa Cô ở vùng cao Quảng Trị.

Họa My cho hay, cô sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nương rẫy đã cố gắng cho Họa My ăn học, để rồi sau một thời gian dài tích cực học tập và rèn luyện, cô tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội vào năm 2009.

Họa My giới thiệu văn hóa truyền thống Pa Cô với du khách. Ảnh: Tiên Sa
Họa My giới thiệu văn hóa truyền thống Pa Cô với du khách. Ảnh: Tiên Sa

Sau khi tốt nghiệp đại học, Họa My trở về quê, bắt đầu những bước đi gập ghềnh trên con đường đã chọn với nhiều vị trí công việc, từ nhân viên hợp đồng lao động cấp xã, ít thời gian sau, cô xin hợp đồng tại Phòng Văn hóa huyện Đakrông. Họa My cho rằng, chính khoảng thời gian này đã cho cô nhiều trải nghiệm thực tế. Đó là những ngày đi đến từng nhà của bà con dân bản để tìm hiểu về văn hóa truyền thống, được tận mắt xem bà con dệt thổ cẩm hay chế biến các món ăn.

Thêm nữa, mỗi lần tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng, Họa My thấy tự tin, tự hào và rất đam mê, hạnh phúc khi làm biên đạo múa cho những hoạt động văn nghệ của đồng bào Pa Cô...

Họa My tâm sự: “Mỗi lần đi hội diễn, mặc trang phục của đồng bào mình, tôi rất tự tin và tự hào. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực gìn giữ nét văn hóa dệt thổ cẩm của đồng bào mình”.

Vào năm 2015, bên lề các hội diễn, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo..., Họa My đã giới thiệu về nét đẹp sản phẩm thổ cẩm thủ công của quê mình đến với bạn bè khắp nơi cùng những gợi ý trang phục phù hợp. Khi có đơn đặt hàng, Họa My đã tự tay thiết kế mẫu, làm cầu nối đưa sản phẩm của bà con đến tay người tiêu dùng. Họa My âm thầm giúp bà con bán được sản phẩm của mình và đó cũng là cách sản phẩm truyền thống của bà con được vươn xa hơn. Nhờ Họa My, nhiều hộ dân ở A Bung, Đakrông... có công ăn việc làm đều đặn, thu nhập ổn định.

Còn nhớ, khi còn làm ở Phòng Văn hóa huyện Đakrông, tranh thủ cuối tuần, Họa My lại lặn lội khắp các bản làng, tìm đến những già làng, trưởng bản, những bậc cao niên để học hỏi cách chế biến các món ăn. Rồi cô lại tìm nguồn thực phẩm từ rừng, rẫy, suối như mật ong rừng, cá mát, nếp than nương rẫy, thịt trâu gác bếp... làm nguyên liệu để chế biến các món đặc sản của núi rừng vùng cao Đakrông. Hiện nay, Họa My là hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị.

Năm 2017, sau khi “được nghỉ” do tinh giảm biên chế, Họa My có dịp đi sâu vào lĩnh vực ẩm thực của đồng bào các dân tộc. Họa My được “đi” nhiều nơi, có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản các vùng miền. Về quê, cô nhận thấy các bản làng quê mình cũng có nhiều ẩm thực đặc sắc nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Thế là, Họa My sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm để chinh phục thực khách khi đặt chân đến miền núi rừng Đakrông trên dãy Trường Sơn này.

“Sau một thời gian, tôi đã đưa các món đặc sản như: Măng khô, cá mát suối nướng, cheo cá mát, muối ớt, nếp than nương rẫy, thịt trâu gác bếp, rượu men lá Pa Nang, rượu sim... ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Hiện nay, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, tôi đã đăng ký với ngành chức năng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với món cheo cá, đặc sản vùng cao Đakrông trứ danh...”- Họa My cho hay.

Đối với cô gái Họa My, đây không đơn thuần là khởi nghiệp, kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Pa Cô. Với những đóng góp cho cộng đồng, quê hương, tháng 10-2019, Hồ Thị Họa My được Trung ương Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam tặng Bằng khen.

(Nguồn: Báo Biên Phòng)

TAGS

Phụ nữ miền núi Quảng Trị thướt tha trong tà áo dài truyền thống

Thiên Sơn |

Hưởng ứng Tuần lễ “Áo dài Việt Nam” (diễn ra từ ngày 1 đến 8/3) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, những ngày qua, đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị đã tích cực hưởng ứng, duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Nghề làm chổi đót truyền thống của người Vân Kiều

Thiên Sơn |

Tranh thủ những ngày rảnh rỗi đầu năm mới, người đồng bào Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngồi kết chổi đót để bán, kiếm thêm thu nhập. Đây là một trong những nghề truyền thống của người Vân Kiều đang được gìn giữ nhiều năm qua.

25 năm tạo dựng uy tín và thương hiệu cho nước mắm truyền thống

Phương Nga |

Năm 1997, ông Bùi Xuân Khiêm (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) bén duyên với nghề làm nước mắm.

Trân trọng truyền thống ‘hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa’ Việt-Lào

PV |

Ngày 13/11, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ trao tượng trưng 1.000 tấn gạo là quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Savannakhet, Lào.