Cách đây 4 năm, khi biết mình có cơ hội sang Việt Nam học tập, dù rất vui mừng nhưng Phongsavanh Keovongsa (sinh năm 1998), sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vẫn không khỏi lo lắng. Bởi lúc bấy giờ em hoàn toàn chưa biết gì về tiếng Việt. “Trước đây, đất nước Việt Nam đối với em là một nơi hoàn toàn xa lạ. Em không biết nhiều về mảnh đất cũng như ngôn ngữ ở đây. Bản thân em chưa từng nghĩ mình sẽ nghe, hiểu và sử dụng tiếng Việt được thành thạo như hiện tại”, Phongsavanh Keovongsa chia sẻ.
Theo lời em kể, từ những ngày đầu tham gia học tập tại trường, Phongsavanh và các bạn sinh viên Lào đã phải học tiếng Việt một năm trước khi học chuyên ngành. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên người Việt của trường và sự nỗ lực của bản thân, em dần làm quen với môi trường học tập mới; việc học tiếng Việt cũng dần tốt lên. 4 năm sinh sống và học tập tại Quảng Trị, Phongsavanh coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình và dành cho nơi đây một tình yêu thật đặc biệt. Phongsavanh Keovongsa còn cho biết thêm: “Việc sử dụng thành thạo tiếng Việt giúp em dễ dàng hơn khi đi du lịch, khám phá mảnh đất, văn hóa và con người Việt Nam. Điều đó giúp em có thêm động lực trong việc nâng cao trình độ tiếng Việt của mình”.
Hôm chúng tôi có mặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Phongsavanh Keovongsa cùng Olai Thongmany, người đồng hương đang học tập tại Khoa CNTT của trường hào hứng đọc sách nâng cao tiếng Việt và trao đổi với nhau một số phương pháp học tập mới. Đây là cuốn sách ngôn ngữ thứ 4 mà các em học trong 4 năm qua, theo trình tự tiếng Việt cơ bản đến tiếng Việt nâng cao. Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình học tiếng Việt, Olai Thongmany cho hay: “Tiếng Việt có cấu trúc ngữ pháp tương đối giống tiếng Lào. Tuy nhiên, một số từ trong tiếng Việt lại có nhiều nghĩa khác nhau, buộc người nói phải sử dụng vào đúng ngữ cảnh. Lúc mới học tiếng, em không biết về điều này và thường nói sai. Sau này nhờ thầy cô cùng các bạn sinh viên Việt Nam sửa lỗi, hướng dẫn thêm, em đã biết sử dụng từ vựng đúng hoàn cảnh”. Olai cho biết thêm, em còn gặp khó khăn trong cách phát âm. Bởi tiếng Việt có thanh điệu, ví dụ từ “buổi chiều” nhưng em chỉ có thể nói là “buổi chiêu” hay từ “khó” em hay phát âm thành “khóo”... Tuy nhiên, với một tình yêu dành cho Quảng Trị, dành cho tiếng Việt, các bạn sinh viên Lào vẫn khắc phục mọi khó khăn, ngày càng hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Việt của mình. “Đối với em, học tiếng Việt không đơn thuần để mở rộng vốn hiểu biết về ngôn ngữ mà để biết rõ hơn nền văn hóa của một đất nước. Đồng thời cũng là sự tiếp nối trách nhiệm giữ gìn và phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào”, Olai Thongmany nói.
“Học tiếng Việt chưa bao giờ là dễ!”, đó là nhận xét của nhiều bạn sinh viên Lào đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Thế nhưng nhờ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bỡ ngỡ của những ngày đầu, giờ đây các bạn sinh viên Lào đã không chỉ nghe, hiểu mà còn sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp thường ngày lẫn trong nội dung chuyên ngành mình theo học.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 200 sinh viên Lào đang tham gia học tập và sinh hoạt tại các trường cao đẳng. Được biết, bên cạnh việc học tiếng Việt thông qua sách vở và tài liệu, các bạn sinh viên Lào còn tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ để vơi bớt nỗi nhớ nhà và trao đổi các kỹ năng, phương pháp học tiếng Việt hiệu quả như học thông qua bài hát tiếng Việt, các bộ sách có hoặc không có phụ đề tiếng Việt, các phần mềm học tiếng trên điện thoại, máy tính và qua các câu đố, trò chơi... từ đó giúp đỡ nhau tiến bộ hơn. Các em sinh viên cũng cho biết thêm, cách học tiếng Việt hiệu quả nhất chính là chơi với các bạn sinh viên Việt Nam. “Các bạn người Việt rất thân thiện, thường chỉ cho chúng em lỗi sai trong câu. Từ những câu chuyện thường ngày của các bạn, chúng em được biết thêm rất nhiều điều bổ ích, từ cách phát âm tiếng Việt, bài học chuyên ngành cho đến câu chuyện cuộc sống thường ngày”, Phongsavanh Keovongsa vui vẻ chia sẻ.
Phó Trưởng khoa CNTT Nguyễn Thị Thanh cho hay: “Nhà trường luôn tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần để các em sinh viên Lào có môi trường học tập tốt nhất. Bản thân chúng tôi khi tham gia giảng dạy các bộ môn chuyên ngành cũng sử dụng từ ngữ đơn giản, phổ thông cùng phương pháp dạy linh hoạt để giúp các em dễ tiếp thu bài. Đồng thời thường xuyên giúp đỡ các em cả trong và ngoài giờ lên lớp. Một điều đáng khen là các em sinh viên Lào đều rất ngoan và lễ phép, chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ tiếng Việt cũng như trình độ chuyên môn của bản thân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)