Nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số

Thanh Lê |

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có năng lực cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.

Toàn tỉnh có 10 huyên, thị xã, thành phố, trong đó có 5 huyện có trẻ mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS, chiếm khoảng 19% số học sinh toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông với hơn 80% học sinh DTTS. Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” (đề án), hằng năm ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị lựa chọn nội dung, phương thức dạy học phù hợp với đối tượng, điều kiện của từng địa phương, từng điểm trường, chủ động điều chỉnh ngữ liệu và nội dung bài học phù hợp với đối tượng, tăng cường áp dụng phương pháp dạy học đọc hiểu trong dạy phân môn tập đọc đối với học sinh DTTS…
 
 Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh: T.L​

Chỉ đạo các địa phương dạy học theo hướng tăng cường thời lượng tiết học tiếng Việt. 100% học sinh DTTS trên địa bàn đều được cấp phát, mượn sách giáo khoa, vở tập viết; tạo không gian lớp học thân thiện, học sinh có cơ hội được tăng cường tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, trong giờ học chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thư viện tại các trường học được trang bị nhiều sách, truyện, tranh phù hợp với từng lứa tuổi. Tổ chức nhiều sân chơi, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tập thể và ưu tiên cho lớp 1.

Cụ thể, đã thực hiện tăng thời lượng tiếng Việt từ 350 tiết lên 420 - 500 tiết/năm. Tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS bằng các hình thức và nội dung phong phú như tổ chức các lớp dạy nói tiếng Việt cho học sinh DTTS trước khi vào lớp 1; tổ chức “Ngày hội giao lưu tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS”; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi viết chữ đẹp…Bên cạnh đó, ngành cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi, múa hát để học sinh DTTS dễ dàng tiếp cận với tiếng Việt.

Trong gia đình, giáo viên đã hướng dẫn học sinh tổ chức góc học tập thuận lợi, đặc biệt là sử dụng sách báo, tranh ảnh, khuyến khích các em nghe đài, xem tivi và trao đổi nội dung nghe đọc với người thân, bạn bè, thầy cô giáo. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các tiện ích phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt. Đồng thời xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh DTTS chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng hoàn thành các nội dung học tập và rèn luyện để không có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức chuyên đề, nâng cao năng lực chuyên môn về dạy học môn tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được ngành quan tâm thực hiện. Mỗi năm học, ngành đều tổ chức chuyên đề cấp tỉnh về phương pháp dạy học lớp ghép, phương pháp dạy học tiếng Việt, phương pháp dạy học đọc - hiểu cho học sinh DTTS và phương pháp hỗ trợ học sinh đối với môn tiếng Việt. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên để có 1 giáo viên vùng DTTS, 1 giáo viên người Kinh ở trong cùng 1 nhóm/lớp nhằm tạo điều kiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ một cách thuận lợi.

Các hoạt động chuyên môn cũng được coi trọng, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đồng thời giúp giáo viên người DTTS mạnh dạn, tự tin, linh hoạt trong giao tiếp cũng như tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Nhiều đơn vị đã tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng Bru - Vân Kiều cho giáo viên dạy ở vùng DTTS và tự bồi dưỡng thường xuyên qua giao tiếp hằng ngày với đồng nghiệp, với phụ huynh.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên chất lượng giáo dục trẻ mầm non, học sinh tiểu học DTTS được nâng cao. Trẻ mầm non DTTS mạnh dạn, tự tin, hiểu và nói tiếng Việt khá tốt, đảm bảo các kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt. Đối với khối tiểu học, hằng năm đã có 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt. Sau gần 5 năm thực hiện đề án, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đã có bước tiến mới, tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; 100% học sinh người DTTS được đến trường…Môi trường sư phạm vùng miền núi được cải thiện rõ nét, hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất các điểm trường, nhất là các điểm trường lẻ ngày càng được quan tâm đầu tư khang trang và đạt chuẩn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của đề án. Vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường, tận dụng tốt thời gian tăng thêm để học sinh DTTS có cơ hội tăng cường tiếng Việt. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục triển khai tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu, huy động, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đầu tư về cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị dạy học và hỗ trợ các hoạt động của nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đakrông

Kô Kăn Sương |

Huyện Đakrông (Quảng Trị) có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là Vân Kiều, Pa Kô và Kinh, trong đó trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã tạo nên bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện.

Hướng Hóa: Người dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy có nguy cơ gia tăng

Kim Huệ - Khánh Hưng |

Tại địa bàn huyện Huớng Hóa (Quảng Trị), thời gian gần đây, số đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy nhỏ lẻ phát triển mạnh, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sử dụng trái phép chất ma túy và có hoạt động phạm tội về ma túy.

Đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch

Hải Huế |

Đồng lòng, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước… là cảm nhận của tôi khi đến các điểm du lịch ở xã Phong Mỹ như: thượng nguồn Ô Lâu (Khe Trăn) và A Đon (Hạ Long).

Nữ sinh người dân tộc Vân Kiều chinh phục điểm 10 môn giáo dục công dân

Trà Nguyễn - Lê Nhi |

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, bạn Hồ Thị Đen (cựu học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Trị) đạt được điểm khá cao. Trong đó, ấn tượng nhất là điểm 10 môn giáo dục công dân.