Đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch

Hải Huế |

Đồng lòng, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước… là cảm nhận của tôi khi đến các điểm du lịch ở xã Phong Mỹ như: thượng nguồn Ô Lâu (Khe Trăn) và A Đon (Hạ Long).

Những điểm này hoàn toàn do các đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 bản Khe Trăn và Hạ Long (Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) tự đầu tư phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...

Đoàn kết

Bắt đầu khai thác từ tháng 5/2019, chỉ là tự phát nhưng các điểm du lịch ở thượng nguồn Ô Lâu đón một lượng khách khá lớn, có ngày lên đến hơn 1.000 người.Các điểm này thu hút khách do nước suối mát, dịch vụ ăn uống là những đặc sản của vùng rừng núi, phong cách phục vụ tận tình của người dân tộc.

Suối Hầm Heo thu hút khách du lịch
Suối Hầm Heo thu hút khách du lịch

Anh Nguyễn Anh Hiếu (dân tộc Pahy) chủ quán ở suối Hầm Heo (thượng nguồn sông Ô Lâu), người đầu tiên “khai canh” du lịch ở bản Khe Trăn cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ sống dựa vào 1ha rừng keo và đi cạo mủ cao su thuê, thu nhập không ổn định. Quá trình đi làm, anh nhận thấy, người dân trong xã đến suối Hầm Heo tắm đông nên nảy sinh ý định mở sạp cho người tắm thuê và dịch vụ ăn uống.

Được sự đồng ý của bản, anh đầu tư 20 triệu đồng, dựng 2 sạp ở suối Hầm Heo để phục vụ khách du lịch ăn uống, nghỉ ngơi. Từ 2 sạp ban đầu, đến nay anh Hiếu đã phát triển lên 10 sạp để phục vụ du lịch suối Hầm Heo. Món ăn phục vụ khách là những sản phẩm của rừng núi, do người đồng bào dân tộc làm ra, như: ốc suối, bắp chuối rừng, đọt mây, môn thục, môn bóp, gà thả đồi và các loại cá suối… Doanh thu thời điểm mùa hè của anh thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng/ngày, tạo việc làm cho 5 đến 7 lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng bản Khe Trăn cho biết, thượng nguồn Ô Lâu được thiên nhiên ưu đãi có cảnh núi rừng hoang sơ, có nguồn nước từ khe Mối, khe Lấu chảy ra đều và rất mát. Riêng suối Hầm Heo có hồ rộng, rất thích hợp với tắm mát, nghỉ dưỡng nên thu hút lượng khách rất lớn. Vì vậy, từ 7 hộ với 20 sạp năm 2019 đến nay đã tăng lên 17 hộ với 87 sạp.

Trước đó, theo chủ trương của Đảng ủy và UBND xã Phong Mỹ về phát triển du lịch thác A Đon, Lê Thị Na là người dân tộc Pahy đầu tiên của bản Hạ Long đăng ký tham gia. Năm 2017, Na đầu tư 4 sạp tại thác A Đon để đón du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Theo Na, để thu hút khách du lịch đến với Phong Mỹ thì phải có dịch vụ để “níu” chân khách. Vì vậy, Na “kéo” nhiều đoàn viên người dân tộc cùng tham gia để làm sạp phục vụ du khách. Đến nay, trên thác A Đon đã có 10 sạp, ngày cao điểm đợt hè đón khoảng 200 khách, còn trung bình 100 khách.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Xã Phong Mỹ là chiến khu xưa với nhiều điểm di tích lịch sử, như: Nhà Đại Chúng, Bia chiến khu Hòa Mỹ, Bia đường 71, Bia đồn Đất Đỏ, các điểm CK, Đình làng Lưu Phước… Việc liên kết chuỗi du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch lịch sử đang được xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền đẩy mạnh. Theo đó, ngoài trùng tu, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, huyện, xã đã đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái.

Năm 2018, xã Phong Mỹ đã đầu tư 700 triệu đồng (ngân sách huyện 300 triệu đồng) để mở đường lên thác A Đon, làm nhà điều hành, bãi giữ xe… phục vụ du lịch. Tháng 10/2019, UBND huyện Phong Điền phê duyệt Dự án đầu tư công trình hạ tầng thượng nguồn Ô Lâu. Theo đó, xây dựng đường giao thông, nhà bếp, nhà giữ xe, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng… với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin: Để bà con đồng bào dân tộc kinh doanh dịch vụ, phát triển du lịch, xã đã tạo mọi điều kiện cho các hộ tự hưởng lợi, chưa thu khoản phí nào. Ngoài ra, xã đầu tư phao, dây bảo hiểm, căng biển báo những chỗ nước sâu, đặt bảng quy định... Bên cạnh đó, ra quyết định thành lập các tổ tự quản, ban quản lý điều hành (là đồng bào dân tộc trong bản) để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước... Kinh phí đều do các hộ kinh doanh đóng góp chi trả. Hiện, xã đã đề nghị Sở Du lịch công nhận thượng nguồn Ô Lâu là điểm du lịch sinh thái cộng đồng.

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

TAGS

Món ốc bươu đen sông Ô Lâu

Phi Tân |

Cách đây mấy hôm tôi về quê ghé thăm nhà người bạn. Bạn nói, tau tưởng mi về quê ở lại thì hai thằng lên làng Vân Trình (Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) làm mấy chai... Chỉ cần nhắc đến hai chữ Vân Trình là tôi nghĩ ngay đến cái quán nhậu của anh Phú đen bên cạnh ngã ba sông Ô Lâu gần cầu Vân Trình luôn  có sẵn món ốc bươu đen chính hiệu...

Săn ảnh trên đỉnh Bạch Mã

Thúy Hằng |

Buổi trưa, sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cần thiết, nhất là dụng cụ hành nghề, chúng tôi lên xe và bắt đầu rời Huế tiến về phía Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Hến làng Mai

Vĩnh Nhiên |

Theo sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An thì làng Mai Xá chánh hay còn gọi là làng Mai là một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hoá (nay thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Cho đến nay, Mai Xá Chánh vẫn còn hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam như: cây đa, bến nước, sân đình. Làng Mai Xá chánh không chỉ nổi tiếng là vùng đất học của tỉnh Quảng Trị mà từ lâu, tên làng này còn gắn liền với một món ăn dân dã nức tiếng gần xa là bún hến Mai Xá.

“Củ gừng dại” vào mùa hoa dong giềng

Thu Thảo |

Từng thửa dong giềng trải quanh núi Chư Đang Ya đang vào kỳ rộ hoa. Sắc đỏ của loài cây giản dị điểm tô thêm nét mê hoặc cho ngọn núi lửa trứ danh tại Gia Lai.