Săn ảnh trên đỉnh Bạch Mã

Thúy Hằng |

Buổi trưa, sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cần thiết, nhất là dụng cụ hành nghề, chúng tôi lên xe và bắt đầu rời Huế tiến về phía Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Chuông ngân giữa đại ngàn

Mỗi người vác tầm hơn 20kg, trong đó ba lô của anh Anh Tuấn (37 tuổi), một nhiếp ảnh gia đến từ TP. Hồ Chí Minh có lẽ nặng nhất, tầm 26kg gồm toàn máy ảnh và ống kính. Tôi nhớ, lần đầu tiên anh Tuấn đến Huế chụp ảnh vào năm 2013. Dịp ấy, tôi đã đưa anh đến chụp hình về nón lá tại phố cổ Bao Vinh và dẫn anh về làng hoa giấy Thanh Tiên. Từ đó, mỗi năm anh Tuấn đều ghé Huế để chụp. Anh bảo, Huế mỗi lần đến là một lần khác, rất thú vị. Lần này, chúng tôi có hẹn với anh lên Bạch Mã. Trong nhóm còn có anh Nguyễn Phúc (36 tuổi), Đình Hiếu (25 tuổi) và Phước Trung (28 tuổi), đều sống tại TP. Huế.

Săn mây trên Bạch Mã
Săn mây trên Bạch Mã.Ảnh: Nguyễn Phong, Tuấn Kiệt, Nam Giao, Tấn Phúc, Anh Tuấn

Đến cổng Vườn Quốc gia Bạch Mã, chúng tôi dừng xe mua vé. Giá vé 60 nghìn đồng dành cho người lớn, 40 nghìn cho trẻ con. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID - 19, nhưng Bạch Mã vẫn có du khách bởi đang là mùa hè, đường dễ di chuyển và suối cạn hơn. Nhân viên bán vé bảo: Sau 4h chiều thì khách tham quan không được vào rừng nữa, đó là quy định chung.

Phải đi thêm 19km nữa mới lên đến đỉnh Bạch Mã. Đường lên đỉnh Bạch Mã khá dốc và ngoằn ngoèo. Hai bên đường nhìn xuống thấy rất nhiều dương xỉ cổ đại cao tầm 5-6 mét, tán lá rộng. Mây khá dày vờn quanh đỉnh núi. Anh Phúc vừa lái xe, vừa lo lắng “Trời này dễ mưa quá. Nghe nói, chiều mô cũng có mưa”. Xe trườn dần lên đỉnh núi, đi chừng vài cây số nữa thì trời mưa thật. Chúng tôi cảm thấy khá lo lắng, bởi mưa kéo dài sẽ không chụp được ảnh.

Săn mây trên Bạch Mã
Săn mây trên Bạch Mã.Ảnh: Nguyễn Phong, Tuấn Kiệt, Nam Giao, Tấn Phúc, Anh Tuấn

Chiếc xe dừng lại ở điểm cuối cùng của con đường dành cho ô tô. Từ đây, chúng tôi phải đi bộ lên đỉnh núi. Vọng Hải Đài hiện ra trước mắt dưới ánh nắng sau mưa trong veo. Trên đỉnh núi, ngoài chúng tôi còn có một nhóm du khách, trong đó có vài khách phương Tây. Phước Trung gọi Anh Tuấn rồi chỉ tay về phía cái chuông lớn đặt trên đỉnh núi. “Anh là khách. Anh nên qua đó gióng một hồi chuông cho vui, mừng trời tạnh mưa để anh em mình săn ảnh hoàng hôn”.

Đứng trên đỉnh núi sẽ thấy hoàng hôn rơi về hướng thành phố Huế. “Hoàng hôn trên đỉnh Bạch Mã mùa này đẹp nhất rơi vào tầm khoảng từ 4h30 phút đến 5 giờ”, anh Phúc bảo, sau khi xem lại những bức ảnh anh vừa chụp xong. Bởi vì trời vừa mưa xong nên quầng mây vẫn còn lơ lửng trên các sườn núi. Sau những phút giây bấm máy, Anh Tuấn bắt đầu gắn thiết bị quay drone. Khi nhìn phần mềm dự báo mức gió vào khoảng 40km/h, chúng tôi bắt đầu thấy lo. “Bay ở tốc độ gió kiểu này rất dễ bị mất máy bay, gió lại thổi tạt kiểu sườn núi. Hơi lo”- Trung nói khi cả nhóm còn đang loay hoay với đống thiết bị. Bất chấp thời tiết, Anh Tuấn vẫn quyết định bay vì mấy khi mới có cơ hội lên Bạch Mã săn ảnh. Không quay thì phí và tiếc lắm!

Nữ du khách mải mê đọc sách trên đỉnh Bạch Mã
Nữ du khách mải mê đọc sách trên đỉnh Bạch Mã.Ảnh: Nguyễn Phong, Tuấn Kiệt, Nam Giao, Tấn Phúc, Anh Tuấn

Chúng tôi nấn ná chờ đến khi ánh nắng tắt hẳn, rơi vào tầm 7 giờ tối. Lúc này, những chiếc thuyền câu mực trên vùng biển Chân Mây bắt đầu sáng đèn. Nhìn ra phía biển rất đẹp. Vài tấm hình được chụp, sau đó chúng tôi gói ghém đồ đạc xuống núi để dành sức cho hành trình ngày mai.

Vào rừng từ 3h sáng

Nghỉ qua đêm tại biệt thự Đỗ Quyên, chúng tôi thuê phòng dành cho 3 người, giá 950 nghìn đồng/phòng. 3 giờ sáng, mấy anh em đã dậy đi vào rừng. Sau khi chuẩn bị máy móc đâu vào đó, Đình Hiếu nhét thêm hai chai cà phê sữa pha sẵn mà chúng tôi đã mua từ Huế vào ba lô, một ít bánh, nước uống và lương khô.

Đường lên Vọng Hải Đài, nơi có độ cao 1.400m so với mực nước biển
Đường lên Vọng Hải Đài, nơi có độ cao 1.400m so với mực nước biển.Ảnh: Nguyễn Phong, Tuấn Kiệt, Nam Giao, Tấn Phúc, Anh Tuấn

Chia nhau lọ thuốc chống côn trùng, chúng tôi bắt đầu lên đường. Trên này nhiệt độ ban đêm khá lạnh nhưng mọi người chỉ khoác áo gió có mũ, vì xác định đi bộ người sẽ nóng lên.

Rừng đêm tối đen như mực. Tiếng con chim tu huýt thấy ánh sáng cứ kêu mãi như đang bay theo chúng tôi. Tiếng vượn cứ hú đâu đó trong khu rừng. Với ánh đèn pin và đèn từ chiếc điện thoại, chúng tôi đi thành một hàng. Anh Phúc xung phong đi trước, lâu lâu nhảy lên làm chúng tôi muốn thót tim. Lần nào cũng là câu: Hình như có con chi đó vừa bò lên chân. Cảm giác rờn rợn khi bóng tối bao lấy mọi thứ, nhưng khi nghĩ đến những tấm hình mà chúng tôi sẽ chụp khi mặt trời lên thấy có động lực vô cùng.

Lên tới đỉnh núi, đã là 4h sáng. Nhìn về phía biển đã có một quần sáng màu nâu đỏ xuất hiện ở đường chân trời. Mỗi người trong chúng tôi cứ bận rộn với những máy, lens, chân máy rồi đợi bình minh lên.

Một lúc sau, bình minh nhìn từ đỉnh núi đẹp không còn ngôn ngữ nào diễn tả được. Anh Phúc vừa bấm máy, vừa xuýt xoa. Mặt biển bắt đầu sáng dần lên trước mắt chúng tôi, sau đó khi ánh nắng xuất hiện và tràn lên sẽ thấy bóng núi này phủ lên núi khác theo sự dịch chuyển của ánh sáng. Một làn sương mỏng nấn ná trên mặt biển bởi chiều hôm qua có một cơn mưa. Tôi không còn bất cứ một từ ngữ nào để diễn tả phút giây “thiêng liêng” khi chứng kiến một ngày mới từ đỉnh núi cao 1.400m so với mặt nước biển. 7 giờ sáng. Mọi việc trên đỉnh núi dường như xong xuôi. Chúng tôi ngồi xem lại ảnh, ăn sáng bằng bánh ngọt và lương khô. Chuẩn bị cho hành trình Ngũ Hồ - thác Đỗ Quyên.

Để lại những khoảnh khắc đẹp

Khoảng 10 giờ trưa, những tấm ảnh cuối cùng chụp tại đỉnh thác Đỗ Quyên đã khép lại cuộc hành trình của chúng tôi. Anh Tuấn lục cái ba lô, lấy ra những viên kẹo sâm và đưa cho chúng tôi mỗi người một viên. Anh bảo: “Tiếp sức kẻo hạ đường huyết”.

Tranh thủ tác nghiệp tại hồ Thứ 3 khi nắng vừa chiếu xuyên qua rừng
Tranh thủ tác nghiệp tại hồ Thứ 3 khi nắng vừa chiếu xuyên qua rừng. Ảnh: Nguyễn Phong, Tuấn Kiệt, Nam Giao, Tấn Phúc, Anh Tuấn

Ngồi trên mỏm đá, anh Phúc xem lại những khoảnh khắc vừa chụp được. Anh Tuấn bảo chúng tôi đứng dậy đi nhặt những túi ni lông bị vướng vào khe suối, trong khi anh nhún người nhảy phóc sang phía bên kia để lấy túi rác ai đó đã gom và treo vào một góc khuất bên bờ suối.

Anh Phúc sau khi cất máy ảnh vào ba lô cũng bắt đầu công việc dọn dẹp rác xung quanh khu vực đỉnh thác. Anh bảo “Ai sao thì không biết chứ mình phải gắng mang rác ra khỏi rừng. Thấy dưới biển có slogan “Không để lại gì ngoài những dấu chân” không? Giờ lên rừng cũng chỉ để lại ký ức và khoảnh khắc đẹp thôi”.

Chúng tôi gom được hai  túi rác kha khá và cột chúng vào sau ba lô. Trên con đường mòn quay trở về vẫn có những thùng rác được đặt để gom rác, nhưng không một ai có ý định bỏ những túi rác mà chúng tôi gom được vào đó, nhất định chúng tôi phải mang rác ra khỏi rừng!

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

TAGS

Ăn cơm Hến nhớ hương vị xứ Huế

Lê Thị Thu Thanh |

Huế trong ký ức của tôi là những năm tháng sinh viên kham khổ, những chiều lang thang bên cầu Tràng Tiền, cơn mưa Huế buồn đến lạ; những lăng tẩm đền đài rêu phong cổ kính và cả những món ăn độc đáo của ẩm thực Huế trong tâm hồn ăn uống của tôi... Một trong những món ăn làm nên sự độc đáo của ẩm thực Huế đó là cơm hến và bún hến.

Lãng mạn mùa cỏ tranh

Phước Tuần |

Những ngày đầu thu, cỏ tranh ven kinh thành nở trắng muốt, tạo nên những cánh đồng đẹp lung linh trong nắng chiều xứ Huế. Nhiều bạn trẻ, gia đình tranh thủ lưu lại những bức hình kỷ niệm trong khung cảnh thật lãng mạn.

Về Đá Lả ăn cá chép giòn

Lê Trường |

"Về Đá Lả, ăn cá chép giòn hè…?”, lời mời của những người bạn dạo gần đây hay nói làm tôi thêm phần tò mò về món cá có cái tên hơi lạ. Lần tìm từ trang mạng xã hội Facebook có tên là Cá nước ngọt, tôi tìm đến đập Đá Lả (thôn Lâm Lang 3, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) – nơi mà chủ Facebook Cá nước ngọt đang sở hữu một khu vực nuôi cá chép giòn bằng lồng trên mặt nước có sẵn. Anh là Trần Viết Tý, người tiên phong thả nuôi cá chép giòn khoảng 2 năm trở lại đây.

Hến làng Mai

Vĩnh Nhiên |

Theo sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An thì làng Mai Xá chánh hay còn gọi là làng Mai là một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hoá (nay thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Cho đến nay, Mai Xá Chánh vẫn còn hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam như: cây đa, bến nước, sân đình. Làng Mai Xá chánh không chỉ nổi tiếng là vùng đất học của tỉnh Quảng Trị mà từ lâu, tên làng này còn gắn liền với một món ăn dân dã nức tiếng gần xa là bún hến Mai Xá.