BÀI DỰ THI TÌM HIỂU VỀ "VĂN HÓA ẨM THỰC TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY (EWEC)":

Về Đá Lả ăn cá chép giòn

Lê Trường |

"Về Đá Lả, ăn cá chép giòn hè…?”, lời mời của những người bạn dạo gần đây hay nói làm tôi thêm phần tò mò về món cá có cái tên hơi lạ. Lần tìm từ trang mạng xã hội Facebook có tên là Cá nước ngọt, tôi tìm đến đập Đá Lả (thôn Lâm Lang 3, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) – nơi mà chủ Facebook Cá nước ngọt đang sở hữu một khu vực nuôi cá chép giòn bằng lồng trên mặt nước có sẵn. Anh là Trần Viết Tý, người tiên phong thả nuôi cá chép giòn khoảng 2 năm trở lại đây.

Ngồi trên những chiếc lồng đang thả nuôi hơn 700 con cá chép giòn, anh Tý kể với tôi về quãng thời gian bôn ba đi làm thuê ở miền Nam, rồi trở về quê hương và bắt đầu cái duyên nuôi loài cá này từ lúc nào không hay.

Cá chép được làm sạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cá chép được làm sạch.

Từ kinh nghiệm học từ sách báo, mạng internet, cùng với đam mê và không ngừng học hỏi, tìm tòi, anh Tý đã nuôi thành công mô hình cá chép giòn. Do sử dụng thức ăn chuyên dùng nên thịt cá chép khi chế biến sẽ cho độ giòn, dai, săn chắc, ít mỡ, thơm ngon vượt trội, giá bán lại cao hơn.

Cá chép giòn xào sả ớt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cá chép giòn xào sả ớt.

Để chứng minh cho khách về cái độ giòn, độ dai của con "cá chép lạ" này, gia chủ bắt ngay con cá chừng 2 cân và giao vợ, "đầu bếp chính" chế biến.

Sau chừng một giờ đồng hồ lục đục chế biến, chị Hiền, vợ anh Tý bưng ra một mâm gồm tới 4 món: hấp sả, nướng mọi, xào với ớt Đà Lạt và cháo xương cá.

Khi có sản phẩm lên mâm, chị Hiền "thuyết minh" giới thiệu các món ngon của mình: “Cá này đặc biệt lắm, khi sơ chế nó thì làm như cá bình thường, nhưng muốn chế biến các món thì kiểu gì cũng phải róc hết thịt, thái thành thớ như thịt lợn, phần xương để riêng ninh lấy nước nấu cháo, phần thịt sau khi thái thớ thì có thể để chế biến các món, chứ nếu để nguyên con hấp thì sau không thể dùng đũa ăn được, bởi thịt dai giòn nên khó ăn”.

Chông chênh, dập dềnh trên ngôi nhà nổi mới được lắp ghép, chúng tôi ngồi lại cùng thưởng thức thành quả. Quả như lời gia chủ quảng cáo. Vị béo, độ giòn dai y hệt thịt lợn làm cho vị giác tôi như đông cứng trước độ ngon lạ của món cá này.

Cá hấp, gắp từng miếng mỏng như thịt heo kẹp cùng miếng ớt cay vùng miền núi cao, rau diếp cá, quẹt đậm lên dĩa muối tiêu Cùa; cá nướng thì chấm cùng tương ớt, hay xì dầu thêm chút mù tạt để tăng vị nồng; cá chép giòn xào ớt Đà Lạt thì khỏi bàn, cứ thế mà "liên tù tì" ăn thôi. Nhưng thực khách cũng nên "cân đối bụng", tránh ngon quá ăn non mà bỏ qua món cháo. Hãy cân hơi vừa bụng thì ăn thêm bát cháo từ xương cá nấu gạo mới cảm nhận hết độ giòn của xương không khác gì ăn sụn thịt…

Cá chép giòn hấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cá chép giòn hấp.

Với cách nuôi khác biệt, các món được làm từ cá chép giòn nhanh chóng "ghi điểm" với những thực khách khó tính trong và ngoài tỉnh. Qua mạng xã hội, anh Tý cùng vợ đã làm cho nhiều người biết đến món cá lạ "ngon, bổ, rẻ" này và địa danh Đá Lả.

TAGS

Hến làng Mai

Vĩnh Nhiên |

Theo sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An thì làng Mai Xá chánh hay còn gọi là làng Mai là một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hoá (nay thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Cho đến nay, Mai Xá Chánh vẫn còn hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam như: cây đa, bến nước, sân đình. Làng Mai Xá chánh không chỉ nổi tiếng là vùng đất học của tỉnh Quảng Trị mà từ lâu, tên làng này còn gắn liền với một món ăn dân dã nức tiếng gần xa là bún hến Mai Xá.

Mê mẩn với Pù Luông của xứ Thanh

Tuấn Minh |

Pù Luông được ví như một Tây Bắc thu nhỏ của xứ Thanh bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, là một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất tại địa phương này trong những năm qua nhờ có cảnh đẹp mê đắm lòng người.

Là người Việt nhất định phải biết nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh thành Việt Nam

Nguyen Thien |

Nguồn gốc 63 tỉnh thành Việt Nam

Vẻ đẹp Klu

Lê Văn Hà |

Khu di tích - danh thắng Đakrông là tên gọi chung để chỉ cụm di tích - danh thắng thuộc địa phận xã Đakrông - huyện Đakrông (Quảng Trị), bao gồm: Cầu treo Đakrông; Dãy núi Ta Lung, núi Klu; Suối nước nóng Klu - nơi có di chỉ khảo cổ; Bản dân tộc Vân Kiều - bản Xa Lăng và bản Klu; và là điểm khởi đầu đường 14A - con đường huyền thoại Trường Sơn giao nhau với quốc lộ 9 đoạn Km 50.