Vẻ đẹp Klu

Lê Văn Hà |

Khu di tích - danh thắng Đakrông là tên gọi chung để chỉ cụm di tích - danh thắng thuộc địa phận xã Đakrông - huyện Đakrông (Quảng Trị), bao gồm: Cầu treo Đakrông; Dãy núi Ta Lung, núi Klu; Suối nước nóng Klu - nơi có di chỉ khảo cổ; Bản dân tộc Vân Kiều - bản Xa Lăng và bản Klu; và là điểm khởi đầu đường 14A - con đường huyền thoại Trường Sơn giao nhau với quốc lộ 9 đoạn Km 50.

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo Đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Đoạn chảy qua Cầu treo Đakrông được xem là đoạn sông đẹp nhất, nước chảy uốn lượn, quanh co, men theo dưới những chân núi cao dựng đứng hai bên bờ. Cầu treo Đakrông nhìn từ trên cao không khác gì chiếc vương miện cài lên mái tóc huyền của dòng Đakrông kiều diễm. Cầu treo Đakrông được xem là điểm trung tâm của khu di tích - danh thắng, tạo điểm nhấn cho bức tranh khung cảnh trùng trùng điệp điệp của núi rừng miền Tây Quảng Trị.

KLu qua góc nhìn Flycam
KLu qua góc nhìn Flycam

Ngược đường lên xã Đakrông, huyện Đakrông nằm cách thành phố Đông Hà khoảng 50km về phía Tây, đến Km 50, bạn sẽ gặp bản Klu, khu du lịch cộng đồng thuộc xã này. Vẻ hoang sơ của núi rừng, vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng lại chính là thế mạnh tạo sức hấp dẫn, níu chân bất kỳ ai đã một lần đến khám phá mà đặc biệt là dòng suối nước nóng Klu đầy bí ẩn này. Cách cầu treo Đakrông về phía Đông Bắc không xa là nơi khởi nguồn của dòng suối nóng Klu- ngọn núi Đồng Cho, không quá cao nhưng vừa đủ để tạo nên một dòng chảy lôi cuốn lạ kỳ. Theo các nhà nghiên cứu, nước khoáng này có chất metasilich với hàm lượng trên 50mg/lít, tác dụng tăng khả năng chống viêm nhiễm. Ngoài ra, đây cũng chính là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ quan trọng thuộc thời đại đồ đá cũ.

Hai bên cây cối rậm rạp xen lẫn, ở giữa là dòng suối hiền hòa chảy nhẹ, còn phía trước mặt như một ẩn số thách thức những ai đến đây phải đi đến cùng cho kì được.

Ông Hồ Văn Hưm, già làng Klu kể về tình sử bi ai của sự tích về dòng suối. "Cha tôi kể lại rằng, ngày xưa nó chỉ là một dòng suối mát, cho đến một ngày có một đôi nam nữ yêu nhau say đắm, để nguyện ước bên nhau mãi mãi, chàng trai đã tự vẫn ngay dòng suối để minh chứng cho tình yêu. Máu của chàng hòa lẫn vào dòng suối, từ đó suối Klu mới có khúc nóng, khúc lạnh lạ lùng. Như thể đôi nam nữ âu yếm mãi bên nhau".

Câu chuyện tình này có thể là huyền thoại, nhưng nó làm cho vẻ đẹp của KLu thêm lung linh, huyền ảo, có sức mời gọi du khách khám phá vùng đất đặc biệt này.

Bản KLu là một trong những bản cổ truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, cùng sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, khá nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người dân nơi đây cũng dần thay đổi. Chính vì vậy, việc lưu giữ, phục dựng lại nếp nhà sàn, các phong tục văn hóa truyền thống xưa kia là điều hết sức cần thiết.

Năm 2014, bản KLu được Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng thành Khu du lịch cộng đồng KLu với tổng số vốn trên 9,6 tỷ đồng.

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, phù hợp với tình hình thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Đakrông đã triển khai Dự án bảo tồn bản truyền thống K Lu, đã đầu tư tôn tạo 16 ngôi nhà sàn truyền thống ngày xưa.

Sau gần hai năm triển khai, dự án khôi phục lại ngôi nhà theo kiểu truyền thống của bà con Bru-Vân Kiều, huyện Đakrông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của người dân địa phương.

Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều được phục dựng
Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều được phục dựng

Những ngôi nhà sàn của người Vân Kiều được phục dựng nguyên trạng với kiểu nhà truyền thống trước đây và chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ, tranh, tre, mây, nứa, lá… Nhà gồm có 3 gian nên sẽ rất thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.

Bên cạnh đó là một số hạng mục khác như đường đi bộ, hồ tắm nước nóng, hồ tắm nước lạnh,… cũng được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần cho Khu Du lịch cộng đồng KLu hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng.

Có thể nói bản KLu là không gian văn hóa truyền thống thu nhỏ của người Bru- Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị. Ở đây tập trung nhiều ngành nghề truyền thống mà những giá trị cổ còn được lưu giữ như nghề đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bản địa...
 

Cộng đồng dân bản KLu từ bao đời nay luôn gắn bó với rừng, rừng cho họ cái để họ sinh sống, tồn tại và phát triển. Chính rừng là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc thù. Trong các nghề truyền thống thì nghề đan lát tồn tại phổ biến và phát triển nhất. Đây là một nghề cha truyền con nối. Ở KLu, 100% đàn ông dân bản đến tuổi trưởng thành đều biết nghề đan lát, trong đó 60% là người có tay nghề cao.

Nguyên liệu chủ yếu là tre, mây, dong, giang, cói…, sản vật trong rừng qua bàn tay khéo léo, cần mẫn của dân làng trở thành các sản phẩm có giá trị. Đó là phên phơi lúa (đòng), nẽn (tờving), sàng (xara)… phục vụ trong đời sống hằng ngày, rồi là gùi (achoi), kària, tỳ lệt… dùng để vận chuyển hàng hóa của bà con.

Đồ đan lát truyền thống là loại hình đặc trưng nhất của người Vân Kiều ở bản cổ KLu nói riêng và các dân tộc ít người ở địa bàn Quảng Trị nói chung. Cho dù xã hội có phát triển bao nhiêu đi chăng nữa thì người dân bản địa nơi đây không thể thay thế đồ dùng đan lát của mình được.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay vào những ngày lễ trong năm thì cũng là lúc các cô gái Vân Kiều thường diện những bộ trang phục truyền thống mang những nét đặc trưng riêng biệt. Thế nên, dệt thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống của đồng bào nơi đây. Những bộ trang phục truyền thống làm từ dệt thổ cẩm thậm chí gắn bó suốt cả cuộc đời của mỗi con người. Để dệt thành những bộ trang phục này thì các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết.
 

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một. Số người biết dệt thổ cẩm ngày càng hiếm. Nhưng những người phụ nữ Vân Kiều vẫn nổi tiếng bởi kỹ thuật dệt tinh tế. Với những khung dệt thủ công đơn giản nhưng các cô gái có thể dệt nên những thảm vải với các hoa văn rõ nét và những sợi dọc sợi ngang đan vào nhau thật sắc sảo. Hiện nay những tấm dệt thổ cẩm không chỉ mang ý nghĩa làm quà biếu mà nó trở thành sản phẩm để bán ra thị trường.

Lịch sử mưu sinh của đồng bào dân tộc Vân Kiều gắn liền với núi rừng. Cuộc sống quanh năm gắn bó với con sông, con suối với cảnh nương rẫy, núi non trùng điệp đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách cũng như lối sống sinh hoạt đặc trưng của con người nơi đây.

Klu gắn với các món ăn đặc sản của người Vân Kiều chế tác như: Rượu cần, cá mát nước, gà bản đồi nướng hoặc hấp lá chanh chấp muối ớt với cơm nếp lam nướng bằng ống tre thơm ngon đầy hấp dẫn.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch xã Đakrông diễn ra với đa dạng các hoạt động như: Giới thiệu ẩm thực, hàng nông sản địa phương; các hoạt động chiếu phim tư liệu, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó, thi kéo co, thi nhảy bao bố, thi bắt heo.... Đây là lần đầu tiên tổ chức, nhưng đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của các cấp chính quyền, các đơn vị lữ hành du lịch Quảng trị, các đơn vị Thông tấn Báo chí và cộng đồng xã hội. Đặc biệt thông qua ngày hội này nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về mãnh đất và con người Đakrông, hình ảnh Khu Du lịch cộng đồng Klu đến với đông đảo du khách gần xa.

Đến với KLu là đến với sự chân tình mến khách của người đồng bào Vân Kiều giản dị nhưng tốt bụng; Đến với phút giây giải trí thư giản bằng các dịch vụ chất lượng, đầy hoang dã với giá cả phải chăng. Tất cả sẽ làm du khách hài lòng sau khi rời khỏi khu du lịch cộng đồng sinh thái tuyệt vời này.

TAGS

Khảo sát hang động mới phát hiện tại thôn Trỉa, xã Hướng Sơn

Đức Việt |

Đoàn công tác của Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa vừa  tiến hành khảo sát hang động mới được phát hiện tại thôn Trỉa, xã Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị).

“Củ gừng dại” vào mùa hoa dong giềng

Thu Thảo |

Từng thửa dong giềng trải quanh núi Chư Đang Ya đang vào kỳ rộ hoa. Sắc đỏ của loài cây giản dị điểm tô thêm nét mê hoặc cho ngọn núi lửa trứ danh tại Gia Lai.

Thái Lan lên kế hoạch thu hút người nước ngoài đi du lịch nội địa

Ngọc Quang |

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan sẽ thảo luận với Thủ tướng về sự cần thiết phải giảm giá vé tham quan các địa điểm và vườn quốc gia cho người nước ngoài sinh sống ở Thái Lan.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở miền Tây Quảng Trị

Ngọc Trang |

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lần đầu tiên huyện Hướng Hoá tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ấn tượng khó phai của phiên chợ này đó là giới thiệu các nhạc cụ, làn điệu dân ca và món ăn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đặc biệt trong đó, những sản phẩm bản địa do người dân tự tay làm ra hoặc thu hái từ tự nhiên đảm bảo các tiêu chí sạch, ngon và giá cả hợp lý. Phiên chợ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp, mở ra triển vọng về giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trong tương lai...