Trước nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho sản xuất lớn, nhiều địa phương kiến nghị, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ giống 50% cho người dân tái sản xuất.
Ngày 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị sơ kết Tổ công tác phía Nam của Bộ. Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác, nhấn mạnh các địa phương cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo sản xuất, nhất là vấn đề đảm bảo cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.
Trên cơ sở đó, Tổ công tác có phương án chung cho khu vực báo cáo với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Từ đó, các tỉnh thành có sự chỉ đạo thống nhất, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, để đạt mục tiêu kép.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương đang tồn cá tra quá lứa với trên 3.000 tấn. Bởi, phần lớn nhà máy phải tạm ngừng do không đáp ứng được các phương án hoạt động. Thu hoạch cá phải có hàng chục người và hoạt động trên nhiều địa bàn, nhưng việc hạn chế người tập trung, hạn chế di chuyển nên tiêu thụ cá rất khó khăn.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết trước áp lực cá quá lứa, doanh nghiệp mong muốn phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động. Do đó, địa phương không nên khống chế số lượng doanh nghiệp được phép hoạt động.
Những doanh nghiệp có nhu cầu tăng năng suất, thêm lao động thì cần được tạo điều kiện và doanh nghiệp có thể xây dựng phương án "vùng đệm" cho lao động này. Từ đó, xây dựng “lao động xanh” trước khi gia nhập vào đội sản xuất cũ.
Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng kiến nghị khi doanh nghiệp đã xây dựng được đội thu hoạch, được xét nghiệm PCR liên tục cần được công nhận khi vào “vùng xanh” thu hoạch mà không phải bị cách ly.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cũng kiến nghị, sau 15/9, các ngành chức năng cần rà soát phương án “3 tại chỗ” để có phương án tổ chức sản xuất và tăng quy mô.
Theo các địa phương, đặc tính sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự đan xen, di chuyển mạnh giữa các địa phương. Một số địa phương chỉ ưu tiên tiêm cho lực lượng dịch vụ cung cấp hàng thiết yếu, mà không ưu tiên cho đối tượng sản xuất, điển hình như nông dân. Bởi vậy, nếu không tiêm vaccine cho đội ngũ này thì rất khó tổ chức sản xuất lại. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Trước nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho sản xuất lớn, nhiều địa phương kiến nghị, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ giống 50% cho người dân tái sản xuất.
Đánh giá hoạt động của Tổ công tác phía Nam thời gian vừa qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, thành viên Tổ công tác cho biết, Tổ công tác 970 đã chủ động chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng của Bộ thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành Nam Bộ.
Tổ công tác cũng phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp theo sự phân công của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Tổ công tác đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các tỉnh Nam Bộ và cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Đồng thời, kết nối trên 1.400 đầu mối là các doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thông qua túi đặt hàng combo... Tổ cũng đã vận hành trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ https://htx.cooplink.com.vn nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản.
Thời gian đầu 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tình hình lưu thông, vận chuyển nhân công và nông sản, vật tư nông nghiệp tại các địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau có một số trở ngại.
Đến nay, các khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và sự chủ động vào cuộc sát sao của địa phương. Tình hình lưu thông vận chuyển nông sản cũng như việc đi lại của lực lượng lao động nông nghiệp ở các tuyến giao thông như quốc lộ, tỉnh lộ giữa các tỉnh với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào ổn định.
Tuy nhiên, tại một vài địa phương với sự kiểm soát của lực lượng tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây ra một số khó khăn trong việc đi lại cho các lực lượng lao động, doanh nghiệp, nông dân trong tham gia trong sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông cho hàng hóa nông sản xuất khẩu và vật tư, trang thiết bị nông nghiệp từ các cảng về các địa phương nhằm duy trì sản xuất, chế biến ổn định trong và sau khi thực hiện giãn cách xã hội.
Các tỉnh, thành Nam Bộ cần hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các quy định riêng của từng địa phương trong phòng chống dịch COVID-19; tham khảo và phối hợp với nhau trong việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, máy móc, trang thiết bị thông suốt giữa các tỉnh phục vụ cho sản xuất và chế biến nông sản.
Các địa phương thống nhất, xây dựng hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản, cùng với các doanh nghiệp tổ chức triển khai.
Địa phương xem xét cho phép doanh nghiệp mở rộng “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện; chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án “1 cung đường, nhiều điểm đến.” Doanh nghiệp xây dựng phương án “y tế tại chỗ và 3 xanh” (công nhân xanh, nơi ở của công nhân xanh, nhà máy, cơ sở sản xuất xanh, doanh nghiệp được chủ động xử lý y tế).
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Tổ công tác sẽ có tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổ công tác sẽ làm việc với Bộ Y tế để có hướng dẫn nông dân ra đồng sản xuất, lao động vào nhà máy sản xuất; quan tâm tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
(Nguồn: TTXVN)