Đakrông thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo

Lê Minh |

Những năm qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã phát huy hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ người dân nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.


Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện duy trì mức giảm trên 5%/năm, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, năm 2021, Đakrông có 5.713 hộ nghèo, chiếm 49,40% (theo chuẩn nghèo mới); năm 2022, số hộ nghèo giảm xuống còn 5.175 hộ, chiếm 43,69%, giảm 5,71% so với cuối năm 2021; năm 2023 số hộ nghèo giảm còn 4.602 hộ, chiếm 38,04%, giảm 5,65% so với năm 2022. Đạt kết quả trên là nhờ địa phương đã phát huy hiệu quả các nguồn lực của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng đậu xanh cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông -Ảnh: L.M
Mô hình trồng đậu xanh cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông -Ảnh: L.M

Trong đó, từ nguồn lực đầu tư, địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp 8 mô hình với 136 hộ tham gia, bao gồm: 7 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm với 119 hộ tham gia, 1 mô hình trồng trọt với 17 hộ tham gia. Bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả như: mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi lợn, mô hình trồng rừng... Các mô hình này đang từng bước được nhân rộng.

Cùng với đó, huyện đã tiến hành đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động. Trong giai đoạn 2021 - 2024, đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.464 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp 1.073 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp 391 lao động. Dự kiến tỉ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề đến cuối năm 2024 là 79%; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 37%. Tạo việc làm mới cho 4.321 lao động, trong đó, tham gia xuất khẩu lao động 211 người, tự đi lao động tại Lào 12 người.

Chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tổng dư nợ cho vay 481,868 tỉ đồng, với 10.020 hộ được vay vốn theo 17 chương trình tín dụng cho vay. Đáng chú ý là dư nợ cho vay giải quyết việc làm gần 63 tỉ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 5,5 tỉ đồng; 2.642 hộ vay 129,860 tỉ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các chính sách hỗ trợ đời sống, y tế, giáo dục cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được thực hiện triệt để, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Toàn huyện có 1.595 hộ được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở với kinh phí 61,1 tỉ đồng; 65.439 lượt hộ hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện, với kinh phí hơn 10,5 tỉ đồng; 103.788 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT.

Lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, có 32.390 học sinh được hỗ trợ miễn giảm học phí 100%, 8.735 học sinh được giảm 70% học phí, 238 học sinh được giảm 50% , 85.432 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Chính sách hỗ trợ học sinh, trường ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP có 16.109 lượt học sinh được hỗ trợ gạo; 17.641 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn; 14.464 lượt học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở.

Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sinh cho biết, bằng nhiều nguồn lực, trên địa bàn được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác, biết lựa chọn mô hình hiệu quả trong nông nghiệp. Đặc biệt, chương trình tín dụng ưu đãi được xem là bệ đỡ cho người dân. Toàn xã hiện nay dư nợ vay vốn phát triển sản xuất là 70 tỉ đồng, đã góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, trồng rừng, trồng sắn và chăn nuôi nhốt gia súc đang là thế mạnh của địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Năm 2024, toàn xã đã phát triển được 1.000 ha rừng trồng, giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng trên 70 triệu đồng/ ha với chu kỳ 5 - 6 năm; 500 ha sắn với giá trị từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các mô hình nuôi nhốt dê, bò, lợn cũng ngày càng được người dân lựa chọn vì hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo trên địa là 43%, giảm 5% so với cuối năm 2022.

Đánh giá về hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn cho biết, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã góp phần lớn vào việc cải thiện đời sống và sản xuất; hạ tầng được tăng cường, hệ thống trường lớp dần được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện được tham gia học tập nâng cao dân trí. Chương trình được chính quyền và Nhân dân địa phương tích cực hưởng ứng trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, chủ thể của chương trình là các hộ nghèo, hộ cận nghèo sẵn sàng tham gia thực hiện các dự án, tích cực nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, nỗ lực nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão số 6

Trần Tuyền |

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) có nhiều xã bị ngập lụt nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất, đặc biệt là những vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.

Trồng hoa cúc mâm xôi để không “đụng hàng”

Trúc Phương |

Hơn 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh, ông Hoàng Nhật Trinh (sinh năm 1959), ở Khu phố 1, phường Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị không chỉ được làm công việc mình yêu thích mà còn kiếm được nguồn thu nhập khá, tạo việc làm thời vụ cho một số lao động trên địa bàn.

Đề xuất hơn 241 tỉ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng

Minh Long |

Ngày 23/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 thực hiện Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư 241,275 tỉ đồng.

Sẽ trồng thêm 250 cây Osaka vàng dọc hai bên đường vào Thành Tân Sở

Xanh EWEC |

Ngày 18/9/2024, Nhà máy chế biến mủ Cao su Cam Lộ (xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết, sẽ phối hợp với Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị trồng 250 cây Osaka vàng (muồng Hoàng yến) tại khu vực đường vào Di tích Thành Tân Sở.