Đầu Mầu, Cao điểm 241 và Rockpile: Kết nối ba điểm cao trên Quốc lộ 9

Lê Đức Dục |

Mỗi tháng không biết bao nhiêu lần chúng tôi ngược xuôi trên tuyến đường 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo và thật lòng cứ cảm thấy cái gì đó thiêu thiếu không giải thích được. Nhà trưng bày chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh ở khu vực sân bay Tà Cơn chúng tôi đã đến nhiều lần. Những tượng đài dọc Đường 9 chúng tôi đã chiêm ngắm, nhưng rồi vẫn ước mong có một Đường 9 được nhớ đến trong một không gian khác, vừa thiên nhiên, vừa lịch sử; vừa quá khứ, vừa hiện tại; vừa hoài niệm, vừa thực địa...

Và mới đây thôi, khi dừng chân ở cầu Đầu Mầu, ngước nhìn lên ngọn núi lịch sử này tôi lại nhớ tới một bức ảnh lịch sử khác của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. Là một phóng viên có nhiều bức ảnh thời sự sau nửa thế kỷ từ khung hình vẫn như thấy còn nhuốm màu khói đạn, nhưng trong tập sách ảnh như một “toàn tập” đời ảnh của mình, tập “Khoảnh khắcMoments”, nghệ sĩ Đoàn Công Tính đã chọn bức ảnh “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” đăng trang trọng đầu tập sách. Đã đành bức ảnh được giải thưởng lớn kèm Huy chương Vàng của Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ vào tháng 11/1972, nhưng bức ảnh ấy còn như một chứng nhân của vùng núi non rất đặc biệt này.

Đường 9 lịch sử ngang qua khu vực Đầu Mầu -Ảnh: L.Đ.D​
Đường 9 lịch sử ngang qua khu vực Đầu Mầu -Ảnh: L.Đ.D​

Mỗi lần trở lại Đầu Mầu, địa danh gắn liền với tấm hình nổi tiếng của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính cho dù căn cứ xưa không còn chút dấu tích nào, nhưng từ sườn của cao điểm Đầu Mầu ở km 22 Quốc lộ 9 nhìn xuống sẽ thấy chứng nhân của trăm năm dâu bể. Theo góc nhìn từ cao xuống thấp, sẽ thấy ba cây cầu lưu giữ biên niên của Đường 9. Cây cầu hiện nay bề thế rộng rãi soãi mình mềm mại theo góc lượn của con đường. Ở chính giữa là cây cầu cũ của thời chiến tranh chống Mỹ và cây cầu ngoài cùng chỉ còn lại những móng trụ trơ gan cùng tuế nguyệt - dấu vết con đường từ thời thuộc Pháp với một vệt mờ đã lẫn chìm vào trong lau lách cát bụi. Nếu bay flycam từ góc này sẽ thấy Đầu Mầu không chỉ là một điểm đến với những dấu ấn chiến tranh được ghi lại trong bức ảnh lịch sử mà thiên nhiên, sông núi nơi này cũng rất hữu tình.

Nếu lấy Đầu Mầu làm tâm điểm ta sẽ có hai ngọn núi khác không thể không nhắc đến: Một cao điểm nằm không xa Đầu Mầu về hướng Đông Nam với tên gọi Cao điểm 241 hay căn cứ Carroll. Mùa hè năm 1972, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh có nguyên cả một trung đoàn quân đội Sài Gòn với đầy đủ các cấp sĩ quan chỉ huy phản chiến về với cách mạng. Những sĩ quan chỉ huy của trung đoàn ấy được giữ nguyên cấp bậc, phiên chế thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đấy là Trung đoàn 56 của Trung tá Phạm Văn Đính tại căn cứ Carroll, tức điểm Cao điểm 241 (Tân Lâm) nằm ở Km 21 của Quốc lộ 9.

Bức ảnh của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” -Ảnh: TL​
Bức ảnh của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” -Ảnh: TL​

Sở dĩ chọn Cao điểm 241 làm một trong những “đột phá khẩu” cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 bởi đây là căn cứ quân sự được bố trí trọng pháo 175 mm - được mệnh danh là “Vua chiến trường”. Từ cao điểm này địch có thể phối hợp với căn cứ Đầu Mầu và căn cứ Rockpile để khống chế phần lớn tuyến Đường 9, chi viện bảo vệ cho Đông Hà và khu căn cứ quân sự liên hợp Ái Tử. Cùng với Đầu Mầu và căn cứ 241, không thể không nhắc đến căn cứ Rockpile nằm về phía tây bắc của Đầu Mầu. Đây là ngọn núi đá đột khởi nằm độc lập cạnh sông Hiếu, không những như một đài quan sát tự nhiên độc đáo và chiến lược, do cấu tạo của nó, khó có thể đột nhập lên đỉnh núi về sườn núi rất hiểm trở, dốc đứng. Chính tại đây đã sản sinh ra câu chuyện về “chiến tranh kiểu Mỹ” là để phục vụ cho đơn vị đồn trú trên cao điểm này, hằng ngày máy bay trực thăng mang nước từ Ái Tử lên đây để... “tắm cho lính trên đỉnh và gom quần áo lính về giặt”. Do không thể tiếp cận bằng đường sườn núi nên Rockpile gần như “bất khả xâm phạm”. Từ tầm cao này có thể quan sát một không gian rộng lớn ra tận bờ sông Bến Hải cùng với các căn cứ dọc theo hàng rào Mc Namara.

Sở dĩ chúng tôi nhắc tới ba căn cứ-cứ điểm này bởi không chỉ các địa danh này đi vào trong các cẩm nang du lịch DMZ tour hay Vietnamtravel mà vì khi ngẫm nghĩ về cụm di tích này, chúng tôi chợt nghĩ đến một giấc mơ tươi mới cho một góc Đường 9 như đã nói ở đầu bài: Đó là để di tích “vừa thiên nhiên vừa lịch sử; vừa quá khứ vừa hiện tại; vừa hoài niệm, vừa thực địa..”. Căn cứ Đầu Mầu xưa có thể phục dựng lại một hầm dã chiến như trong bức ảnh của phóng viên Đoàn Công Tính. Và không chỉ là điểm tham quan, chúng ta có thể tổ chức các cuộc thi leo núi tại Đầu Mầu hoặc Rockpile. Leo núi đang là môn thể thao hấp dẫn các bạn trẻ, lại leo tới những đỉnh cao gắn bó với câu chuyện lịch sử, điều đó càng thú vị gấp bội phần. Và cùng với các hoạt động thể thao như leo núi chinh phục, chúng ta cũng có thể tổ chức các cuộc thi kết hợp giữa thể thao - nhiếp ảnh, làm sống động hơn khu vực này thay vì chỉ có thể ngắm nhìn nó khi lướt qua. Thậm chí có thể làm một tour thể thao kết hợp chinh phục cả ba di tích này với nhiều hình thức phối hợp: chạy bộ, đạp xe, leo núi, chèo thuyền…

Có đến đây và chiêm cảm thiên nhiên sông núi khu vực này sẽ thấy cụm di tích này xứng đáng để làm cho sinh động, hấp dẫn nhằm thu hút du khách, nhất là giới trẻ yêu lịch sử và đam mê thể thao mạo hiểm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lao Bảo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để đầu tư phát triển

PV |

Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Chiêm ngưỡng con đường hoa chuông vàng nở rộ ở Lao Bảo

Thiên Sơn |

Những ngày này, trên đường Nguyễn Huệ tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) hoa chuông vàng đang rở rộ. Với màu vàng rực, hoa chuông vàng đã “hút hồn” nhiều người qua lại con đường này.

Cà phê Khe Sanh vươn xa

Công Điền |

Huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê Arabica chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung. Đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng.

Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 2: Phát huy thế mạnh kinh tế để vươn ra “biển lớn”

Nhơn Bốn |

Sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh đã bắt tay vào kiến thiết xây dựng lại quê hương. Từ huyện miền núi Hướng Hóa về miền biển Gio Linh, mỗi địa phương đều đã phát huy thế mạnh của mình, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nếu như huyện Hướng Hóa có thế mạnh phát triển điện gió, Đakrông có thủy điện, Cam Lộ là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh thì thành phố Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ lớn nhất của tỉnh và phía Đông huyện Gio Linh đã mở ra hướng phát triển kinh tế với nhiều tiềm năng, kỳ vọng...