Sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh đã bắt tay vào kiến thiết xây dựng lại quê hương. Từ huyện miền núi Hướng Hóa về miền biển Gio Linh, mỗi địa phương đều đã phát huy thế mạnh của mình, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nếu như huyện Hướng Hóa có thế mạnh phát triển điện gió, Đakrông có thủy điện, Cam Lộ là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh thì thành phố Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ lớn nhất của tỉnh và phía Đông huyện Gio Linh đã mở ra hướng phát triển kinh tế với nhiều tiềm năng, kỳ vọng...
Hướng Hóa là huyện miền núi có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, đặc biệt từ thị trấn Khe Sanh đi vào hướng Bắc theo đường Hồ Chí Minh được xem là “thủ phủ” của điện gió - một thế mạnh về phát triển năng lượng sạch của huyện. Để quy hoạch và phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Bộ Công thương đã có Quyết định số 6185/QĐ-BCT năm 2015 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo Quyết định, Quảng Trị sẽ có 3 vùng quy hoạch với tổng diện tích 6.707 ha.
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Bộ Công thương đưa ra danh mục gồm 4 dự án phát triển đến năm 2020 gồm: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 (thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng) công suất 30 MW; Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 (thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng) công suất 20 MW; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 (thôn Xa Bai, xã Hướng Linh) và Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cóc, xã Hướng Linh) với cùng công suất 30 MW. Mục tiêu quy hoạch là đến năm 2020, công suất lắp đặt tích luỹ ước đạt khoảng 110 MW và sản lượng điện gió tương ứng là 287 triệu KWh. Từ một mảnh đất khắc nghiệt, quanh năm nắng gió khô khát, bây giờ huyện Hướng Hóa đã chinh phục sự bất lợi ấy để tạo ra một nguồn điện năng sạch đầy triển vọng.
Nếu như huyện Hướng Hóa có thế mạnh phát triển điện gió thì huyện Đakrông có thủy điện với nhiều nhà máy quy mô đã đi vào hoạt động và đang xây dựng như: Thủy điện Đakrông 1, 2, 3, 4, 5; Thủy điện La Tó, Khe Nghi, Bản Mới... Trong đó, tiêu biểu có Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Đakrông 1 đóng tại xã Húc Nghì; NMTĐ Đakrông 4 đóng tại xã Đakrông. NMTĐ Đakrông 4 được Công ty Cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, khánh thành đưa vào hoạt động từ ngày 13/12/2019. Đây là nhà máy được thiết kế hiện đại với 2 tổ máy có tổng công suất 28MW, thiết bị thủy lực là tua bin Franxit trục đứng có xuất xứ từ Châu Âu với sản lượng điện bình quân hằng năm trên 85 triệu Kwh. Quá trình triển khai xây dựng NMTĐ, Công ty cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị đã nộp ngân sách 60 tỉ đồng và đầu tư 46 tỉ đồng để cải tạo, trải thảm bê tông nhựa tuyến đường từ điểm nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào đập chính của công trình. Qua đó, giúp người dân thuận lợi trong đi lại và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Sau ngày lập lại, huyện Cam Lộ đã nỗ lực bắt tay vào xây dựng quê hương và giờ đây đã trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh. Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM năm 2012, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Cam Lộ chỉ đạt 14,4 triệu đồng/người/năm, đến năm 2019 tăng lên 42,6 triệu đồng/người. Cuối năm 2019, huyện Cam Lộ đã huy động 3.017 tỉ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; 8/8 xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sản xuất nông nghiệp của Cam Lộ đã có bước phát triển về số lượng, chất lượng với nhiều mặt hàng được thị trường đánh giá cáo như: Tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, tiêu đóng gói, tinh bột sắn. Trên địa bàn huyện gần 100% đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa; 100% đường xóm được bê tông hóa; trên 80% tuyến đường có điện sáng, cây xanh và trồng hoa; 100% thôn, bản có hệ thống FM và internet 3 - 4G. Bây giờ, diện mạo nông thôn tại huyện Cam Lộ đã có sự đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, người dân được hưởng thụ cuộc sống khá đầy đủ về vật chất, tinh thần; văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững.
Đến nay thành phố Đông Hà đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh với nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội, trong đó xác định thương mại dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp là động lực. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thương mại dịch vụ chiếm 63,1%; công nghiệp chiếm 36,1%. Thu ngân sách trên địa bàn ước 5 năm (2015 - 2020) đạt 2.165 tỉ đồng, tăng bình quân 14,7%/năm.
Để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, thành phố Đông Hà đã ban hành các chính sách ưu đãi, thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư, người dân đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh. Toàn thành phố hiện có 9 chợ quy mô, bao gồm: 1 chợ hạng 1 (chợ Đông Hà, có 1.726 lô quầy), 8 chợ hạng 3. Tổng diện tích xây dựng các chợ khoảng 35.687 m2 , có hơn 2.470 lô cố định với hơn 3.500 hộ kinh doanh. Ngoài ra trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 doanh nghiệp, 8 siêu thị và trung tâm dịch vụ thương mại đang hoạt động; hệ thống chợ đêm, nhà hàng, khách sạn, khu ẩm thực, cửa hàng kinh doanh được đầu tư đồng bộ, thu hút lượng khách đến du lịch, tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ như: Ngân hàng, viễn thông, vận tải, giải trí, tư vấn pháp lý, khám chữa bệnh... phát triển rộng khắp, quy mô, góp phần đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời, trong thời gian tới, thành phố Đông Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Khi tỉnh mới lập lại, vùng phía Đông huyện Gio Linh được xem là vùng đất nghèo khó. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp nên vùng đất phía Đông của huyện Gio Linh đã thay đổi diện mạo rất nhanh chóng. Đồng thời mở ra một vận hội mới cho sự hội nhập, giao thương, hợp tác phát triển bền vững. Thế mạnh của vùng Đông Gio Linh đó là phát triển kinh tế biển với các hoạt động đánh bắt, thương mại, dịch vụ gắn với biển. Chỉ tính riêng thị trấn Cửa Việt, nguồn lợi thủy, hải sản được khai thác trung bình mỗi năm ước đạt 6.000 tấn và gắn liền với nghề chế biến thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu với hơn 120 cơ sở kinh doanh. Hiện nay việc buôn bán, xuất khẩu các mặt hàng cá hấp sấy khô, tinh bột cá, mực sấy khô không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà đã đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm với nhiều thị trường nội địa, quốc tế.
Vùng Đông Gio Linh, đặc biệt là các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch đó là điện mặt trời và điện gió. Các dự án điện gió, nhà máy điện mặt trời đã và sẽ được xây dựng góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Hiện nay, việc quy hoạch phân khu xây dựng Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt nằm trong tổng thể phát triển du lịch dọc biển nhằm từng bước xây dựng tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ. Quy hoạch này sẽ phát huy tối đa lợi thế mặt biển, lấy trục chính phát triển không gian cảnh quan theo hướng song song với bờ biển. Vì thế, hiệu quả mang lại từ tiềm năng du lịch biển ở vùng Đông Gio Linh sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, vùng phía Đông Gio Linh có nhiều địa phương nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Có cảng Cửa Việt là nơi giao thương hàng hóa rất sôi động với các chuyến tàu chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Từ thành phố Đông Hà, những mũi thuyền tượng trưng từ chợ Đông Hà hướng về phía mặt trời mọc, khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh cảng biển Cửa Việt, nơi những chuyến tàu xuôi ngược giao thương, những tàu cá hướng ra khơi xa... Từ Khe Sanh đi về Cửa Việt hôm nay, hướng phát triển kinh tế đã mở, góp phần giúp Quảng Trị vươn ra “biển lớn”...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)