Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 1: Những đô thị trẻ trên đường xuyên Á

Nhơn Bốn |

Tính đến thời điểm 1/7/2020, đã tròn 31 năm lập lại tỉnh Quảng Trị. 31 năm sau ngày lập lại, những dấu vết đạn bom, tàn tích chiến tranh một thời đã bị đẩy lùi và thay vào đó là những “đô thị vàng” trải dài từ Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) về Cửa Việt (huyện Gio Linh) với bao kỳ vọng...

Thị trấn Khe Sanh được thành lập ngày 16/4/1984 và là trung tâm huyện lỵ của huyện Hướng Hóa. Đến nay, thị trấn có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.287,68 ha, địa bàn hành chính chia làm 8 khu phố với dân số trên 13.500 người. Trải qua 36 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Khe Sanh đã tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Hiện nay, tỉ trọng các ngành thương mại, dịch vụ chiếm 64%; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 25% và các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 11%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 13 - 16%/năm; thu nhập bình quân đầu người hằng năm khá cao và thời điểm cuối năm 2019 là 37 triệu đồng/người/năm. Trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm đến cuối năm 2019 còn dưới 5,11%; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Khe Sanh bây giờ đã là một đô thị văn minh và đang hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị loại IV, tầm nhìn tương lai trở thành đô thị loại III.

Thành phố Đông Hà ngày càng đổi mới. Ảnh: N.B
Thành phố Đông Hà ngày càng đổi mới. Ảnh: N.B

Ngày 2/1/2004, thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) được thành lập theo Nghị định số 08/2004/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở tách 2 thôn của xã Mò Ó và 2 thôn của xã Hướng Hiệp. Dân số trong năm đầu khi mới thành lập là 528 hộ, 2.626 khẩu nhưng đến nay toàn thị trấn có 1.428 hộ với 5.225 nhân khẩu. 16 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn đã đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để làm nên một thị trấn Krông Klang với diện mạo mới, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Đakrông. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, bình quân 16 năm qua đạt trên 12%.

Tuy cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch chưa nhanh nhưng đã tạo ra được những hiệu quả tích cực, tỉ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm, tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ liên tục tăng. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị trấn xác định trong 5 năm tới tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Đồng thời tập trung phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm đưa thị trấn phát triển toàn diện và bền vững.

Ngày 1/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/CP, chia tách xã Cam Thành để thành lập thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ). 26 năm qua, thị trấn Cam Lộ đã chủ động phát huy tiềm năng lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực nên đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao đời sống dân sinh. Tích cực vận động Nhân dân đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến nay thị trấn đã có 1.021 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ thu hút hơn 2.100 lao động với mức thu nhập cao. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh luôn phát triển vững chắc, góp phần xây dựng thị trấn ngày càng văn minh.

Song song với việc chỉ đạo hoạch định chính sách phát triển kinh tế, thị trấn Cam Lộ đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Từ năm 2012 - 2013 đã tiến hành quy hoạch mở rộng thị trấn về phía Nam và xây dựng đề án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Cam Lộ giai đoạn 2013 - 2014, tầm nhìn đến năm 2033 nhằm mở rộng địa giới hành chính đảm bảo diện tích, dân số để thị trấn đạt đô thị loại IV.

Sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại (1/7/1989), Đông Hà khi đó chưa mang dáng dấp của một đô thị lớn bởi kết cấu hạ tầng còn manh mún, đơn sơ. Thế nhưng với sự quan tâm của trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trong xây dựng đô thị, Đông Hà đã có bước chuyển từ thị xã lên thành phố theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (ngày 11/8/2009). Mặc dù là thành phố được thành lập khá muộn nhưng thời gian qua, Đông Hà đã chú trọng đến công tác quy hoạch đô thị, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Chỉ trong vòng 11 năm, thành phố Đông Hà đã có bước phát triển nhanh chóng và đang hướng đến xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II. Đồng thời chú trọng công tác quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng một đô thị kiểu mẫu bên dòng sông Hiếu.

Chỉ tính trong giai đoạn 2014 - 2020, thành phố Đông Hà đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, kêu gọi gần 80 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Ngoài ra, thành phố còn tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè trên toàn địa bàn thành phố và xây dựng hàng chục tuyến phố văn minh. Kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân từ 2013 - 2019 tăng 11,75%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thương mại - dịch vụ vẫn khẳng định là lĩnh vực mũi nhọn, công nghiệp là động lực, nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với sản xuất hàng hóa. Tốc độ thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12,32%/năm.

Nằm giáp phía biển, đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông- Tây về phía Việt Nam, thị trấn Cửa Việt tuy vừa thành lập chưa đầy 15 năm (ngày 9/8/2005) nhưng đã mang dáng dấp của một đô thị trong tương lai. Hiện nay, giá trị sản xuất bình quân hằng năm của thị trấn tăng 9,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng: Nông - lâm- ngư nghiệp chiếm tỉ trọng 40%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22%, thương mại - dịch vụ chiếm tỉ trọng 38%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên, quốc phòng- an ninh luôn giữ vững, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc.

Trong tương lai không xa, đô thị Cửa Việt sẽ được đầu tư xây dựng thêm các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và quốc tế; hệ thống tuyến đường đi bộ, quảng trường, công viên tạo điểm nhấn đô thị xung quanh các không gian mở. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch biển, chỉnh trang diện mạo kiến trúc cảnh quan đặc trưng, gắn với văn hóa đa dạng của các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây và không gian biển.

Kỳ sau, bài 2: Phát huy thế mạnh kinh tế để vươn ra “biển lớn”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Hoàng Anh |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định số 1618/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam tỉnh Quảng Trị.

Nông dân phấn khởi vì hồ tiêu được mùa, được giá

Trần Tuyền |

Sau một thời gian dài hồ tiêu rớt giá sâu thì từ năm 2019 đến nay giá tiêu bắt đầu tăng trở lại và đặc biệt năm nay cây hồ tiêu được mùa nên nông dân trên địa bàn tỉnh đang rất phấn khởi, tập trung chăm sóc vườn tiêu.

Quảng Trị phải tổ chức xây dựng quy hoạch chung của tỉnh theo tư duy mới

TIến Nhất |

Ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình phát triển kinh tế xã hội và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của địa phương.

11 gian hàng tham gia "Phiên chợ nông sản an toàn năm 2020”

Thanh Lê |

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; hướng tới Đại hội Đảng bộ TP. Đông Hà (Quảng Trị) lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, hôm nay 19/6/2020, Hội LHPN TP. Đông Hà tổ chức "Phiên chợ nông sản an toàn năm 2020" với quy mô 11 gian hàng đến từ các đơn vị trên địa bàn thành phố.