Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông ĐẶNG TRỌNG VÂN, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về những kết quả nổi bật ở huyện thời gian qua, cũng như những đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế thời gian tới.
- Thưa đồng chí Chủ tịch UBND huyện! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế ở huyện Hướng Hóa?
- Trong những năm qua, UBND huyện Hướng Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hoạt động nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhờ đó, sau hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội, hầu hết các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2020- 2022 đạt 27.683,9 tỉ đồng (đạt 136,43% nghị quyết); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 32,6%/năm; năm 2022 giá trị sản xuất đạt 28.556,9 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội năm 2022 đạt 10.003,6 tỉ đồng (đạt 290,33% nghị quyết), bình quân hằng năm đạt 13.650,7 tỉ đồng (đạt 336,64% nghị quyết). Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng (nghị quyết đến 2025 là 50,78 triệu đồng).
Phương thức sản xuất của người dân được thay đổi, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng chọn lọc, tập trung những ngành, lĩnh vực có lợi thế. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp bình quân hằng năm đạt 13.650,7 tỉ đồng (đạt 336,64% nghị quyết).
Thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư năng lượng sạch của tỉnh, nhiều dự án được triển khai trên địa bàn huyện. Hiện nay có 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 630MW; 10 dự án có tổng công suất lắp máy 400MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án.
Du lịch dịch vụ từng bước hình thành, nâng cao chất lượng để trở thành ngành kinh tế động lực. Tập trung khai thác tiềm năng du lịch của huyện, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng. Giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch năm 2022 đạt 9.570,5 tỉ đồng. Việc phát triển thương mại, dịch vụ thông qua hệ thống chợ được huyện quan tâm đúng mức.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 7 chợ, 1 trung tâm thương mại. Sau COVID-19, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thông thương nhộn nhịp trở lại. Chú trọng thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, bình quân hằng năm thu hút trên 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước được xây dựng, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
- Nguyên nhân đạt được kết quả đó là gì, thưa đồng chí?
- Bám sát các chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN ở địa phương.
UBND huyện trình Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 38 ngày 22/3/2022 về thực hiện Kết luận số 168 ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”; Ban hành kế hoạch của UBND huyện về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 38 ngày 22/3/2022 của Huyện ủy và Chương trình hành động số 14 ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 256 ngày 6/5/2022 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 57 ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 150 ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổ chức quán triệt, triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...
-Thời gian qua, huyện Hướng Hóa triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân. Cụ thể các mô hình đó là gì, thưa đồng chí?
- Hướng Hóa có những yếu tố về khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển nông-lâm nghiệp với những cây trồng đặc trưng. Xác định được những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Hướng Hóa đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp đầu tư, thực hiện thí điểm nhiều mô hình để tìm ra mô hình, loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, có điều kiện phát triển rộng trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2022, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai hơn 20 mô hình nông-lâm nghiệp-thủy sản. Đến nay có nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả được người dân nhân rộng như mô hình trồng và chăm sóc cây chuối mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện thí điểm ở 2 xã Tân Long và Thanh; xã Tân Thành, Thuận đưa vào trồng đại trà.
Mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới; mô hình thâm canh cây sắn, trồng xen các giống cây họ đậu với cây sắn để tăng thu nhập và cải tạo đất; mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo; mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung...
Bên cạnh đó, huyện cũng mạnh dạn triển khai thí điểm các cây trồng mới như chanh leo, mắc ca, cà gai leo, sa nhân tím. Cây chanh leo được xác định là cây chủ lực của một số địa phương và đã phát triển hơn 106 ha tập trung tại các xã: Hướng Phùng, Tân Hợp, Tân Liên, Hướng Tân, Hướng Lộc.
Việc triển khai và nhân rộng các mô hình được đánh giá hiệu quả trên địa bàn huyện đã góp phần nâng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, đến năm 2022 tổng giá trị đạt được 2.270 tỉ đồng.
- Trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, những đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế như thế nào, thưa đồng chí?
- Huyện Hướng Hóa tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng một số ngành, lĩnh vực đột phá như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông-lâm sản và một số ngành thương mại-dịch vụ, du lịch có tiềm năng, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực như năng lượng tái tạo, sản phẩm du lịch mới; duy trì 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm chuối, sắn, cà phê, hồ tiêu, phát triển một số mặt hàng nông sản như bơ, mắc ca, chanh leo, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP.
Hướng Hóa xác định nâng cao chất lượng phát triển nền nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quan tâm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nâng cao năng lực dự báo, phòng chống thiên tai.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp có lợi thế nguồn nguyên liệu ở địa phương và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo, ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động tại chỗ. Phát triển mạnh các dịch vụ công theo hướng hiện đại, khuyến khích đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh vị trí địa lý của địa phương, các điểm di tích lịch sử, du lịch thiên nhiên để thu hút đầu tư.
Chú trọng tạo môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, nâng cao năng lực SX-KD cũng như huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, quản lý chặt chẽ tài chính ngân sách...
- Xin cảm ơn đồng chí!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)