Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Theo đánh giá, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, rừng chứng chỉ FSC để cung cấp cho các nhà máy, cơ sở sản xuất, ngành nghề chế biến, xuất khẩu gỗ, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Hải Lăng đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 1.000 ha rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng có chứng chỉ FSC. Bao gồm, duy trì diện tích gỗ lớn 430 ha hiện có và phát triển mới 570 ha rừng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC. Đến năm 2030 toàn huyện có trên 2.000 ha rừng trồng gỗ lớn và rừng trồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu trên, cùng với công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác), nhóm hộ trên địa bàn huyện tham gia trồng rừng gỗ lớn, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết. Phối hợp với cơ quan chuyên môn lựa chọn các giống mới, phù hợp với trồng rừng gỗ lớn để từng bước thay thế các giống kém chất lượng, năng suất thấp.
Đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức cấp chứng chỉ rừng để triển khai việc cấp chứng chỉ rừng đối với diện tích tham gia đảm bảo kế hoạch. Huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống đường lâm nghiệp đến vùng rừng trồng gỗ lớn nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng.
“Để người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn, cùng với việc mở rộng diện tích, UBND huyện đã tăng cường mời gọi các doanh nghiệp trong việc cam kết thu mua với giá cao hơn so với giá trên thị trường nếu người dân trồng rừng gỗ lớn. Có cơ chế, chính sách, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, khai thác tốt tiềm năng tự nhiên nhằm tăng thu nhập”, ông Hải thông tin.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng nhưng theo đánh giá, rừng trồng trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn là rừng sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ. Sản phẩm gỗ chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm giấy, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Bình quân với 1 ha rừng trồng, sau 5 năm cho thu hoạch được khoảng 80 - 90 m3 gỗ và chỉ bán được khoảng 50 - 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu cải tạo thành rừng gỗ lớn, sau thêm 5 - 7 năm nữa sẽ thu về từ 250 - 350 m3 gỗ và giá trị tăng lên rất nhiều lần. Gỗ keo, tràm có thể làm các vật dụng trong nhà tốt như một số loại gỗ trong rừng tự nhiên. Thêm vào đó, hiện nay, nguyên liệu chế biến dăm giấy lại dư thừa, thị trường và giá thành tiêu thụ có xu hướng giảm, dẫn đến đời sống người làm rừng khó khăn...
Với mục tiêu nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ khai thác gỗ nhỏ phục vụ chế biến dăm sang kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Văn Ngọc Thắng cho biết, cùng với các chính sách của trung ương, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, phát triển rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.
Đặc biệt, đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Nhờ vậy, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 16.100 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC, trong đó các hợp tác xã và nhóm hộ gia đình tham gia chứng chỉ là 2.884,6 ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10 - 12%.
Đặc biệt, trên cơ sở đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Kết quả năm 2022 đã trồng mới được hơn 1.320 ha, diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được gần 440 ha. Năm 2023, diện tích trồng rừng gỗ lớn dự kiến đạt khoảng 1.200 ha. Thông qua đề án đã từng bước hình thành và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có năng suất, chất lượng cao để đưa tỉnh trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.
“Ngoài ra, phát triển trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cao mà còn tăng tính phòng hộ của rừng, như: giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất..., góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu”, ông Văn Ngọc Thắng nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)