Ngày 24/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng làm việc với liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty TNHH SK E&S về đề xuất dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trị.
Theo báo cáo của Sở Công thương, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) tại Khu kinh tế Đông Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và đồng ý cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, mặc dù phía nhà đầu tư và tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc triển khai dự án không được như cam kết ban đầu. Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) sẽ vận hành thương mại giai đoạn 2026 - 2030 và được đưa vào danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn; Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024, nếu không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, UBND tỉnh Quảng Trị đã nhận được văn bản của EGATi về việc không tiếp tục phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị. Đồng thời EGATi cũng đã gửi thư điện tử về dự thảo thoả thuận chấm dứt dự án giữa EGATi với UBND tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, UBND tỉnh đang nghiên cứu dự thảo để xem xét thoả thuận chấm dứt dự án theo quy định.
Ngày 9/8/2023, UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị chuyển đổi dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị sang nhà máy điện khí với công suất là 1.500 MW vận hành vào năm 2025-2030. Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất nguồn nhiệt điện LNG tới năm 2030 ước đạt tối đa 22.400 MW và đã có các dự án đang triển khai đầu tư (tỉnh Quảng Trị có dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 1.500 MW giai đoạn 1).
Ngoài ra, tại phương án phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ hạn chế phát triển các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Vì vậy việc điều chỉnh như trên là rất khó khăn trong giai đoạn đến năm 2030, hiện Bộ Công thương cũng chưa có văn bản báo cáo chính thức đối với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này theo đề xuất của UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty TNHH SK E&S đã báo cáo khái quát về năng lực liên danh nhà đầu tư; đề xuất triển khai đầu tư dự án nhiệt điện LNG Quảng Trị và dự kiến kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Liên danh nhà đầu tư cũng mong muốn UBND tỉnh có văn bản cho phép nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án LNG Quảng Trị để có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo; đồng thời cho phép liên danh nhà đầu tư xem xét nghiên cứu về đề xuất đầu tư kho LNG trung tâm tại khu vực xã Hải An, huyện Hải Lăng.
Sau khi nghe liên danh nhà đầu tư báo cáo đề xuất đầu tư dự án, cũng như trao đổi thêm một số vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đánh giá cao năng lực của liên danh nhà đầu tư, đồng thời cơ bản thống nhất với ý tưởng, dự kiến lộ trình triển khai thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sau khi tỉnh hoàn tất các thủ tục chấm dứt việc triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) tại Khu kinh tế Đông Nam theo quy định, phía liên danh nhà đầu tư cần có văn bản hoàn chỉnh về đề xuất tổng thể chiến lược thực hiện dự án trình UBND tỉnh xem xét để có cơ sở báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất liên danh nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu để triển khai hợp tác toàn diện với tỉnh ở một số lĩnh vực trọng tâm, đồng thời giới thiệu thêm các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Quảng Trị để hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)