Ngày 22/1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về đề án “Phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay có vị trí khá thuận lợi cho sự phát triển quan hệ quốc tế, thương mại, dịch vụ và du lịch, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hành lang đi qua CKQT La Lay có thuận lợi để thu hút khối lượng vận tải trao đổi hàng hóa từ 4 tỉnh vùng Nam Lào với dân số 1 triệu người và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan với dân số khoảng 21,5 triệu người. Đây hầu hết là các vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế của các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Trước nhu cầu và sự cần thiết để đáp ứng lưu thông hàng hóa tại CKQT La Lay, ngày 16/9/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1955/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu vực CKQT La Lay tỉ lệ 1/500, bao gồm 6 khu chức năng, với diện tích 49,94 ha. Sau gần 10 năm kể từ khi nâng cấp cửa khẩu La Lay lên cửa khẩu quốc tế (năm 2014), tổng số vốn đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại CKQT La Lay là 328,527 tỉ đồng.
Số liệu thống kê những năm trước đây mỗi ngày có từ 50-80 lượt phương tiện hàng hóa qua về cửa khẩu, nhưng đến năm 2023 có sự tăng trưởng đột biến, mỗi ngày có khoảng 400 - 450 lượt phương tiện qua về cửa khẩu; thu ngân sách từ CKQT La Lay năm 2023 cũng tăng đột biến, mỗi ngày từ 1,5 - 2 tỉ đồng, cao điểm có ngày thu hơn 5 tỉ đồng.
Năm 2023, lượng than đá nhập khẩu đạt 2,21 triệu tấn, chiếm khoảng 87% tổng thu ngân sách (500 tỉ đồng/575 tỉ đồng). Dự báo thời gian tới, khi hạ tầng vận tải thuận lợi, lượng than đá nhập khẩu tăng rất lớn lên 7 - 10 triệu tấn/năm. Do đó, cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của khu vực cửa khẩu; trong và xung quanh khu vực cửa khẩu chưa có các điểm hậu cần phục vụ cho hoạt động giao thương qua cửa khẩu.
Trong thời gian tới, khi tuyến đường nối từ CKQT La Lay về Khu kinh tế Đông Nam và cảng biển nước sâu Mỹ Thủy dài hơn 70 km (đã được Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) được mở ra, sẽ tạo cho Quảng Trị một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông -Tây (PARA-EWEC). Đây là những điều kiện cụ thể để triển khai thực hiện một số dự án động lực, tạo ra xung lực mới và bước phát triển đột phá của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay là cần thiết, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CKQT La Lay trở thành trung tâm dịch vụ logicstics năng động trên tuyến PARA-EWEC, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh phát triển. Theo đó, tổng nguồn vốn cần huy động thực hiện đề án để đảm bảo đáp ứng các định hướng phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và cơ sở hạ tầng, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.146,2 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành cho rằng thách thức lớn nhất phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách khó khăn.
Trước mắt, cần đầu tư làm thông thoáng đường giao thông từ nhà ga đến cửa khẩu và từ nhà ga đến Quốc lộ 15D, tạo thuận lợi cho phương tiện vận tải qua cửa khẩu; tập trung ưu tiên tạo thuận lợi thu hút dự án băng tải chuyền qua CKQT La Lay và nghiên cứu thu hút đầu tư băng tải chuyền kết nối cảng Mỹ Thủy để giải phóng áp lực cho cơ sở hạ tầng đường bộ như hiện nay.
Cần tính toán kỹ nguồn hàng để từ đó có phương án đầu tư bãi sang hạ tải hàng hóa, bãi chờ nhập và xuất hàng hóa, đầu tư đường giao thông phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giải pháp xin cơ chế đặc thù của trung ương lấy nguồn thu từ cửa khẩu để đầu tư trở lại phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu La Lay.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư xây dựng đề án phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay đáp ứng yêu cầu phát triển trung tâm dịch vụ logicstic năng động trên tuyến PARA-EWEC trong tình hình mới.
Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cần căn cứ đồ án quy hoạch phát triển của quốc gia, quy hoạch vùng duyên hải Trung Bộ, quy hoạch phát triển khu vực biên giới Việt Nam - Lào và quy hoạch tỉnh Quảng Trị để xây dựng hoàn thiện đề án tương xứng với tầm vóc khu vực động lực phát triển liên kết vùng, kết nối quốc gia, quốc tế.
Làm rõ khó khăn hiện tại, dự báo phát triển, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã phân bổ hết. Phải xác định nguồn lực đầu tư là đầu tư công và đầu tư tư, không đưa nguồn xã hội hóa vào đề án. Giải pháp thực hiện chú trọng xin cơ chế đặc thù của trung ương cho phép lấy nguồn thu ngân sách từ CKQT La Lay để đầu tư trở lại, phát triển kết cấu hạ tầng theo định hướng hội nhập ở tầm quốc gia.
Xếp theo thứ tự ưu tiên danh mục dự án đầu tư, các nhóm giải pháp thực hiện và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu vực CKQT La Lay để kết nối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế. Đến năm 2035, thành lập khu kinh tế cửa khẩu, kết nối tuyến Quốc lộ 15D từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến CKQT La Lay, làm cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam với Lào và các nước ASEAN.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)