Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi tắt xã ĐBKK) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp không ít rào cản, thách thức.
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao, trong đó có việc phân công các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan trung ương, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đỡ đầu các xã ĐBKK, công cuộc xây dựng NTM ở các địa phương này đã có khởi sắc rõ rệt.
Trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và vai trò chủ thể của nông dân đã chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 75/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ 74,3%, trong đó có 3 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn).
Tuy nhiên, khó khăn nhất của tỉnh trong xây dựng NTM đó là sự chênh lệch khoảng cách giữa các vùng miền, trong đó toàn tỉnh còn 25 xã khu vực III (xã ĐBKK) chưa đạt chuẩn, có 22 xã đạt dưới 13 tiêu chí của bộ tiêu chí xã NTM, mới có 5/178 (chiếm 2,8%) thôn/bản được công nhận đạt chuẩn.
Để tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ngày 22/6/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1625/QĐ-UBND phân công địa bàn đỡ đầu xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025.
Trong đó đã phân công các sở, ban, ngành và đề nghị các doanh nghiệp đỡ đầu cho các xã ĐBKK trong xây dựng NTM. Tuy vậy, kết quả đỡ đầu hiện nay còn tương đối hạn chế, đặc biệt là chưa có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các xã ĐBKK của huyện Hướng Hoá, Đakrông.
Năm nay là năm thứ 3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ đỡ đầu xã Tà Rụt xây dựng NTM. Trong hai năm 2022, 2023, đơn vị đã hỗ trợ nguồn lực xây dựng Trung tâm văn hoá, thể thao xã Tà Rụt, hỗ trợ kinh phí để tập huấn cho các đội nghệ nhân xã Tà Rụt, hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ nhạc truyền thống.
Đến nay, đội nghệ nhân của xã đã thực hành tốt các làn điệu dân ca, dân vũ...Xây dựng mô hình bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể (dân ca, dân vũ) tại các làng, bản văn hoá truyền thống của đồng bà Pa Kô, trao tặng tủ sách và các đầu sách cho thư viện xã, tổ chức các đợt chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân và các hoạt động thiết thực khác.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Huy Hùng, sở đã hướng dẫn cho địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoàn thành các công trình văn hóa. Trong thời gian tới, sở tiếp tục hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, thể thao, theo dõi, đôn đốc xã Tà Rụt thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM.
Thực hiện nhiệm vụ đỡ đầu xã ĐBKK Mò Ó, huyện Đakrông xây dựng NTM, cuối năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thống nhất với UBND xã về việc hướng dẫn địa phương hoàn thành các chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí về xã NTM gồm: xã có hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả và theo đúng Luật HTX, có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững.
Năm 2024, sở giao nhiệm vụ cho Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với UBND xã rà soát các mô hình liên kết trên địa bàn, hướng dẫn các đơn vị chủ trì liên kết thực hiện các hợp đồng liên kết. Ngoài ra, tổ chức khảo sát ý tưởng đăng ký tham gia OCOP năm 2024 đối với sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong ruồi nội địa Trà Phan.
Vụ khai thác mật ong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của tổ hợp tác đạt hơn 100 triệu đồng. Qua khảo sát cho thấy sản phẩm mới ở dạng thô, quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng hằng năm chưa đạt 200 lít, chưa đủ điều kiện để xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2024.
Hiện tại, trên địa bàn xã Mò Ó có 1 HTX nông nghiệp (HTX Tây Thạch Hãn thành lập năm 2022) với 15 thành viên, năm 2023 HTX xếp loại trung bình. Theo đại diện Chi cục PTNT, xét tiêu chí HTX hoạt động hiệu quả thì xã Mò Ó đã đạt chỉ tiêu 13.1 vì trên địa bàn xã đã có 1 HTX hoạt động hiệu quả, xếp loại từ trung bình trở lên đối với HTX thành lập dưới 3 năm.
Đối với chỉ tiêu xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, trên địa bàn xã Mò Ó có 2 mô hình liên kết sản phẩm nông nghiệp là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu giữa HTX Tây Thạch Hãn với HTX Hùng Anh và sản phẩm dưa hấu Mò Ó của THT dưa hấu Mò Ó đạt OCOP 3 sao, có thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc phân công địa bàn đỡ đầu xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025, ngày 29/8/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2120/QĐUBND về việc phân công địa bàn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu đối với các xã trong xây dựng NTM.
Theo đó, có 26 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được phân công đỡ đầu 21 xã ĐBKK. UBND tỉnh đề nghị 12 cơ quan trung ương, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đỡ đầu 12 xã ĐBKK. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được phân công đỡ đầu có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với các xã.
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã và các thôn, bản thuộc xã để hoàn thiện mục tiêu lộ trình xây dựng NTM của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)