Càng gần tết Nguyên đán, nhu cầu cung cấp và tiêu thụ rau, màu cho thị trường trong và ngoài tỉnh rất lớn. Nhờ chủ động ngay từ đầu với các phương án sản xuất rau, màu vụ đông xuân 2021-2022 nên nông dân các địa phương đang cung ứng cho thị trường một lượng rau màu khá lớn, đảm bảo chất lượng và góp phần để thị trường rau xanh luôn đầy đủ, phục vụ người tiêu dùng.
Vụ đông xuân năm nay, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) trồng được gần 200 ha rau, màu tại các phường ven đô, trong đó tập trung nhiều ở hai phường Đông Giang, Đông Thanh. Cuộc sống của người nông dân phường Đông Thanh bao đời nay chủ yếu dựa vào sản xuất thâm canh rau, màu với các loại rau cải, dền, mồng tơi, xà lách…để cung ứng cho thị trường thành phố Đông Hà và các địa phương trong tỉnh.
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh Phạm Văn Quân cho biết, đơn vị có gần 360 thành viên sản xuất rau, màu trên diện tích 55 ha. Người trồng rau, màu đang thu hoạch cung cấp cho thị trường trước Tết mỗi ngày từ 3 đến 5 tấn với giá ổn định. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong cho biết, tình hình sản xuất rau màu sạch ở phường Đông Thanh rất ổn định, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trong quá trình sản xuất, người dân luôn chủ động phối hợp với doanh nghiệp nhằm có kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường, thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác liên kết sản xuất với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; đầu tư bao bì đóng gói, nhãn hiệu để thu hút khách hàng, góp phần tăng sản lượng tiêu thụ rau sạch.
Tận dụng lợi thế là địa bàn có chân ruộng được phù sa bồi đắp hằng năm, nguồn nước tưới dồi dào, huyện Triệu Phong chú trọng phát triển cây rau, màu nhằm tạo việc làm và giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần giải quyết khó khăn, nhất là trong giai đoạn COVID-19 đang có diễn biến khó lường.
Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Triệu Thuận (xã Triệu Thuận) Lê Văn Biểu cho biết, vụ này HTX trồng hơn 129 ha rau màu các loại, tập trung nhiều ở thôn Võ Phúc An và Bãi Rào. Địa bàn của HTX nông nghiệp Triệu Thuận đất đai màu mỡ, tơi xốp nên năng suất, chất lượng rau, màu luôn vượt trội, được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện tại, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tập trung chăm sóc để rau, màu luôn đủ cung cấp cho thị trường, nhất là thị trường Tết sắp đến.
Nhờ được định hướng sớm của huyện nên đến nay vùng quê Triệu Phong đã hình thành một số cây màu mang tính chủ lực, có giá trị hàng hóa cao được thị trường ưa chuộng, như: Dưa hấu Long Quang, dưa lưới Triệu Sơn, ném, mướp đắng Triệu Vân, dưa lê Triệu Độ…và các loại rau ăn lá khác. Các xã đang nỗ lực tìm giải pháp hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với tên địa phương, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Mỗi héc ta trồng rau, màu ở Triệu Phong đang cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc mở rộng diện tích cây rau màu, chính quyền địa phương đang hoàn thiện hệ thống đường dây điện kéo vào tận vườn phục vụ tốt việc bơm nước tưới cho cây trồng, nhất là trong thời kỳ khô hạn.
Bà Đoàn Thị Thu Sương ở thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, cho biết, vụ đông xuân này, gia đình bà trồng hơn 3 sào cây ném trên đất cát. Bà Sương đã thu hoạch bán ném cây tại vườn với giá từ 14 đến 15 nghìn đồng/ kg, nếu đưa ra chợ thị xã Quảng Trị, chợ Đông Hà thì giá bán cao hơn. Toàn xã Hải Dương có 3 thôn trồng ném nhiều là Đông Dương, Xuân Viên và Diên Khánh với diện tích gần 60 ha. Hiện nông dân của xã đang thu hoạch ném cây để bán, ngoài ra còn một phần diện tích ném để dành lại đến tháng 5 năm sau thu hoạch bán ném củ.
Không chỉ riêng xã Hải Dương, nhiều xã vùng Đông của huyện Hải Lăng đã trồng ném trên đất cát để phục vụ cho nhu cầu thị trường. Ông Lê Đình Lễ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết, trồng rau màu vụ đông xuân là thế mạnh của huyện từ nhiều năm nay. Ngoài cây ném là cây đặc sản, người dân các xã còn trồng nhiều loại rau, màu khác phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng như vào dịp Tết. Hải Lăng là huyện trọng điểm nông nghiệp nên việc sản xuất cây rau, màu được chú trọng liên kết theo phương thức rau sạch, an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng.
Kết thúc vụ hè thu năm 2021, thời tiết trên địa bàn có những diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời, phối hợp các địa phương chọn lựa các loại giống ngắn ngày giúp nông dân đưa vào sản xuất; tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương làm đất gieo trồng lại các loại rau, màu nhằm kịp cung ứng cho thị trường.
Để làm tốt việc phát triển rau, màu vụ đông xuân, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân bổ giống rau, màu các loại hỗ trợ các địa phương. Vì vậy diện tích rau, màu các địa phương trồng phục vụ thị trường, nhất là thị trường Tết năm nay khá lớn. Chủng loại rau, màu cũng hết sức đa dạng. Đáng chú ý, nông dân không chỉ chú trọng đưa cây rau, màu xuống chân ruộng thích ứng biến đổi khí hậu mà còn tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rau, màu liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản.
Để sản xuất rau, màu vụ đông xuân có hiệu quả, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để bảo vệ cây trồng, động viên nông dân phấn đấu trồng hết diện tích rau, màu hằng năm. Chủ động điều tiết nguồn nước hợp lý nhằm đủ nước tưới cho diện tích rau, màu phát triển tốt để giúp người nông dân có thêm nguồn thu trên đồng ruộng của mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)